Theo chia sẻ từ PGS.TS Đỗ Duy Cường (Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai), trong 5 - 10 năm trước đây, bệnh viện mới chỉ tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc whitmore (vi khuẩn ăn thịt người). Tuy nhiên, từ khoảng đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận được 20 trường hợp. Riêng trong tháng 8 là mùa mưa bão nên vi khuẩn whitmore có cơ hội phát triển thuận lợi, dẫn đến tình trạng đã có đến 12 bệnh nhân nhập viện nặng, trong đó có 4 ca đã tử vong vì vi khuẩn "ăn" nhiều cơ quan. Đa phần, các bệnh nhân đến từ những tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Mới đây nhất, Trung tâm đã điều trị cho một trường hợp bệnh nhân là nữ giới, quê ở Thanh Hóa bị vi khuẩn whitmore ăn cụt cánh mũi. Trước đó, bệnh nhân được tuyến dưới chẩn đoán nhiễm trùng do tụ cầu nhưng khi bác sĩ bệnh viện Bạch Mai cấy mủ đã phát hiện dương tính với whitmore.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng nhấn mạnh, khi nhiễm vi khuẩn whitmore, thông thường có đến 40 - 60% tỷ lệ tử vong cao. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn sớm thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, whitmore do vi khuẩn gram âm B. pseudomallei (hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) gây ra. Khi vào tới cơ thể, loại vi khuẩn này sẽ tấn công nhiều cơ quan, dẫn đến suy đa tạng rồi sốc và tử vong. Những bệnh nhân vốn có tiền sử mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mãn tính... thường có nguy cơ bị tổn thương cơ quan nội tạng cũng có nguy cơ tử vong cao hơn.
Whitmore không phải là bệnh mới hay hiếm gặp mà nó đã bị "lãng quên" trong cộng đồng. Bệnh được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1936. Vi khuẩn này thường sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương bị tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Ngoài ra, căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống của bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.
- Do lây nhiễm qua đường ăn uống (thức ăn bị nhiễm khuẩn).
- Do tiếp xúc trực tiếp với các vết trầy xước da, với đất hoặc nước đã bị nhiễm khuẩn (thời điểm mùa mưa bão).
- Do hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn.
- Do vi khuẩn truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú.
- Do tiếp xúc vết trầy xước da với động vật chết bị nhiễm bệnh whitmore như chó, mèo, bò, dê...
- Sốt cao.
- Mắc bệnh viêm phổi.
- Xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí.
- Mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đa phần, đây là những triệu chứng thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hay các bệnh lý liên quan đến thận, phổi, hoặc người nghiện rượu, người làm việc thường xuyên với đất như nông dân. Ngoài ra, người cao tuổi cũng dễ có nguy cơ mắc phải bệnh này vì hệ miễn dịch suy yếu.
Ngay khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng kể trên, bạn cần nhanh chóng tới khám ở những bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải sau đó. Đặc biệt, những bệnh nhân đã từng nhiễm vi khuẩn whitmore nên thường xuyên đi tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, cần có sự kiên trì trong quá trình điều trị.
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo rằng, những năm gần đây, số ca mắc bệnh whitmore được báo cáo không ngừng tăng, cao điểm thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7 - tháng 11. Vì vậy, những người làm việc tiếp xúc với môi trường đất, nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.
Bên cạnh đó, mỗi người đều phải có ý thức trong việc giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là bàn tay, bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất thì phải đi rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm gì tiếp theo.
Source (Nguồn tham khảo): Healthline