Cằm của nam Việt kiều 'phát sáng' khiến ê kíp phẫu thuật tá hỏa

Vân Sơn, Theo tienphong.vn 17:04 24/07/2025
Chia sẻ

TPO - “Cằm người bệnh phát sáng trong đêm” là mô tả từ ê kíp bác sĩ phẫu thuật về vùng cằm đỏ tấy, sưng viêm của nam bệnh nhân khi nhập viện trong tình trạng đau đớn dữ dội vì biến chứng sau tiêm filler.

Ngày 24/7, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung – Giám đốc Bệnh viện JW cho biết, tại đây vừa liên tục tiếp nhận 2 trường hợp bị biến chứng rất nặng nề sau tiêm filler. Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân N.M.L. (25 tuổi, Việt kiều) nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội vùng cằm.

Cằm của nam Việt kiều 'phát sáng' khiến ê kíp phẫu thuật tá hỏa- Ảnh 1.

Dưới ánh đèn phòng mổ, cằm của người bệnh phát sáng khiến các bác sĩ tá hỏa

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người bệnh ghi nhận, trước đó anh L. từng nhiều lần tiêm filler vùng cằm tại nước ngoài. Trước thời điểm nhập viện, vùng mô dưới cằm bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng, tạo ổ áp xe lớn gây đau nhức dữ dội. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình, người bệnh quyết định bay sang TP.HCM điều trị khẩn cấp.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm mô hoại tử do biến chứng filler, áp xe lan rộng. Ê kíp lập tức thực hiện phẫu thuật trong đêm 23/7. Trong phòng phẫu thuật, vùng cằm bệnh nhân phát ra ánh sáng lạ. “Một ca mổ làm cả ekip gây mê và phẫu thuật phải phát hoảng vì vùng cằm phát sáng” – BS Tú Dung cho biết.

Sau 3 giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã nạo hút toàn bộ vùng mô viêm, mủ và filler còn tồn đọng bằng đường mổ trong miệng để tránh để lại sẹo ngoài da. Kỹ thuật siêu âm tích hợp AI được sử dụng giúp định vị chính xác ổ tổn thương, đảm bảo can thiệp an toàn mà không gây tổn hại mô lành. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục tích cực.

Cằm của nam Việt kiều 'phát sáng' khiến ê kíp phẫu thuật tá hỏa- Ảnh 2.

Các bác sĩ thực hiện cuộc phẫu thuật cho người bệnh bị biến chứng sau tiêm filler

Trường hợp thứ hai được Bệnh viện JW tiếp nhận là nữ bệnh nhân N.T.H. (29 tuổi, quốc tịch Singapore). Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị hoại tử sâu vùng mông và đùi. Theo bệnh sử chị H. từng tiêm filler trôi nổi từ năm 2019, sau đó tiếp tục cấy mỡ vào năm 2021. Sau vài năm, bệnh nhân xuất hiện tình trạng lồi lõm, biến dạng, mất cảm giác vùng mông, sinh hoạt gặp khó khăn.

Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện filler đã ăn sâu vào mô cơ, gây hoại tử và tạo ổ áp xe lớn. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện phẫu thuật, sau nhiều giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã nạo hút ra khoảng 3 lít dịch gồm filler, máu và mủ. Các bác sĩ đã ứng dụng siêu âm tích hợp trí tuệ nhân tạo để loại bỏ triệt để filler len lỏi khắp nơi như “tổ ong” trong cơ thể người bệnh.

Cằm của nam Việt kiều 'phát sáng' khiến ê kíp phẫu thuật tá hỏa- Ảnh 3.

Ê kíp phẫu thuật đã nạo hút ra khoảng 3 lít dịch gồm filler, máu và mủ trong cơ thể bệnh nhân

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng máy hút áp lực âm VAC trong 5 ngày, điều trị tích cực để chống nhiễm trùng tái phát. Dự kiến khi sức khỏe bình phục hoàn toàn, người bệnh sẽ được tái tạo vòng ba bằng phương pháp cấy mỡ.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung nhấn mạnh: “Các nạn nhân của filler trôi nổi đều bị tiêm vô tổ chức – sai vị trí, sai lớp mô. Không thể xử lý chỉ bằng kinh nghiệm hay mắt thường. Việc ứng dụng siêu âm AI là bước ngoặt trong can thiệp cho người bệnh, 'mắt thần' sẽ giúp định vị và can thiệp an toàn.

Từ hai trường hợp trên, BS Tú Dung khuyến cáo cộng đồng: “Chỉ nên làm đẹp tại cơ sở y tế được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa. Khi xuất hiện các dấu hiệu như đau kéo dài, sưng đỏ, mất cảm giác, biến dạng – hãy đến bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt để được xử lý kịp thời, tránh hậu quả lâu dài”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày