Cách tính mức hưởng lương hưu mới từ ngày 1/7

Anh Văn/ VTC News, Theo vtcnews.vn 11:26 13/04/2025
Chia sẻ

Ngoài việc thay đổi về độ tuổi được nghỉ hưu, cách tính lương hưu năm 2025 cũng được điều chỉnh khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (hiệu lực từ ngày 1/7) quy định người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên và đủ độ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu.

Công thức tính lương hưu từ 1/7:

Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng tính theo số năm đóng BHXH:

Với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng được tính thêm 2%, mức tối đa là 75% tương ứng với 30 năm đóng BHXH.

Với lao động nam, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng được tính thêm 2%, mức tối đa là 75% tương ứng với 35 năm đóng BHXH.

Số năm đóng BHXH Nữ Nam
15 năm 45 40
16 năm 47 41
17 năm 49 42
18 năm 51 43
19 năm 53 44
20 năm 55 45
21 năm 57 47
22 năm 59 49
23 năm 61 51
24 năm 63 53
25 năm 65 55
26 năm 67 57
27 năm 69 59
28 năm 71 61
29 năm 73 63
30 năm 75 65
31 năm 67
32 năm 69
33 năm 71
34 năm 73
35 năm 75

Nếu nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng: cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%; trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Trường hợp đóng vượt số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức hưởng mỗi năm đóng vượt bằng 0,5 lần mức lương bình quân tiền lương đóng BHXH.

Xác định mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:

Thời gian tham gia BHXH Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu
Trước 1/1/1995 Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu
1/1/1995 - 1/1/2000 Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu
1/1/2001 - 31/12/2006 Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu
1/1/2007 - 31/12/2015 Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu
1/1/2016 - 31/12/2019 Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu
1/1/2020 - 31/12/2024 Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu
1/7/2025 trở đi Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Theo quy định mới nếu bắt đầu tham gia BHXH từ 2025, mức lương hưu của người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ được tính dựa trên toàn bộ quá trình đóng giống như người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày