Ghi nhận trường hợp tử vong nghi do Sởi: Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi đối với nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng

Minh Ngọc, Theo Đời sống pháp luật 11:42 14/04/2025
Chia sẻ

Ngày 13/4, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin ghi nhận từ các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay bệnh Sởi đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, có diễn biến nặng và có trường hợp tử vong.

Ghi nhận trường hợp tử vong nghi do Sởi: Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi đối với nhóm nguy cơ cao diễn biến nặng- Ảnh 1.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường Viện trưởng, Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. (Ảnh minh họa: BVCC)

 
Hiện nay, bệnh Sởi đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã ghi nhận trường hợp tử vong.
 
Để giảm thiểu nguy cơ diễn biến nặng và tử vong liên quan đến bệnh Sởi ở
nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng liên quan đến Sởi, Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

1. Người có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc Sởi nên chủ động tiêm vắc xin phòng Sởi.

2. Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh Sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh.

3. Hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc Sởi hoặc nghi mắc Sởi, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.

4. Tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh Sởi.

5. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ thông thoáng môi trường nơi làm việc, học tập, sinh hoạt; vệ sinh thường xuyên các bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, học tập.
 
Trước đó, Ngày 10/4, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thông tin đã ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi ở người lớn đầu tiên trong năm 2025.

Ca tử vong do mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường là nam bệnh nhân N.Đ.H, 51 tuổi, trú tại Hà Nội.


Bệnh nhân có bệnh nền phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện ho khan, sốt, khó thở, ban đỏ nổi từ mặt xuống thân mình.


Nam bệnh nhân được đưa vào nhập viện điều trị 4 ngày, sau đó khó thở tăng dần, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Viện Y học Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi, được xử trí thở HFNC.


Sau đó, bệnh nhân khó thở tăng dần, được đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau 2 ngày điều trị hồi sức, bệnh nhân xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, ngừng tuần hoàn, các bác sĩ cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng.


Tình trạng của bệnh nhân ngày một nặng lên, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) để cứu tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng và đã không qua khỏi.


Đây là ca tử vong do bệnh sởi ở người lớn đầu tiên ở nước ta trong năm 2025.


Theo PGS,TS Đỗ Duy Cường, so với mọi năm, số bệnh nhân mắc sởi vào viện điều trị có biến chứng nặng hơn. Độ tuổi trung bình mắc sởi nhập viện từ 30-65 tuổi, có bệnh nhân 70 tuổi vẫn mắc bệnh sởi biến chứng nặng và phải thở máy. Điều này cho thấy sởi không thể chủ quan, dù là người lớn mắc sởi thì nguy cơ biến chứng nặng cũng cao.


Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai cũng cho biết thêm, có đến 75% bệnh nhân không nhớ mình có tiêm chủng hay không.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày