Thanh Hồng (SN 1990, giáo viên tại TP.HCM) kết hôn khi 25 tuổi và đó cũng là năm đầu tiên cô mua vàng. Đều đặn 10 năm trời, cô vẫn duy trì thói quen mua vàng hàng tháng. Hiện, tháng nào ít tiền cô mua 1 chỉ, tháng nào dư dả hơn thì cô mua 2-5 chỉ.
"Mình biết đến mua vàng tích trữ là từ thói quen của bà ngoại, kế tiếp là mẹ mình duy trì. Bà ngoại nói, nếu con mua một cái áo đẹp thì con không thể bán lại được. Nhưng nếu con mua vàng thì sau này cần tiền, con có thể bán chúng. Phép so sánh này hơi khập khiễng vì giá trị cái áo nhỏ hơn vàng nhưng mình hiểu ý của ngoại, đó là con cần tiết kiệm và tích lũy tài sản.
Ban đầu mình mua vàng vừa để tiết kiệm vừa chống lạm phát chứ không kỳ vọng sinh lời cao. Vì thị trường vàng là thứ mình không nắm được. Cũng may sao giờ giá vàng lên cao quá", Thanh Hồng nói.
Thanh Hồng bắt đầu thói quen mua vàng hàng tháng từ cách đây 10 năm (Ảnh: NVCC)
Thanh Hồng thường mua vàng vào ngay sau ngày lãnh lương hoặc lãnh thưởng. Cô cho rằng mọi người nên mua vàng khi có tiền. Bởi lẽ nếu không nắm được quy luật của thị trường mà cứ đợi giá giảm thì không biết ngày nào bạn mới mua được vàng.
"Mình chọn mua vàng vào ngày này vì… khi đó mình có tiền. Mình không nắm được quy luật của vàng để mà canh khi nào giá giảm xuống thì mua vào. Tuy nhiên, nhìn chung giá vàng toàn tăng nên nếu bạn đợi khi nào giá xuống mới mua thì có khi giá còn tăng cao hơn. Cũng vì thế, mình thường mua vàng 'không nhìn giá', tức là cứ có tiền là đi mua thôi", cô chia sẻ.
Một trường hợp khác, Nguyễn Văn Minh (SN 1990, TP.HCM) vừa bán hêt hơn 30 cây vàng đang có thu về 1,68 tỷ đồng. Nhờ số tiền nay anh mua được căn hộ 2 phòng ngủ ở quận Bình Tân với giá 2,3 tỷ đồng. Thiếu 620 triệu đồng, anh vay mượn thêm gia đình để trả hết trong 2 năm, tránh áp lực trả góp ngân hàng.
"Hồi mới đi làm, lương tháng của mình chỉ khoảng 7 triệu đồng. Mình tự nhủ phải tìm cách tiết kiệm để sau này không phải lo lắng tài chính. Vậy là mỗi tháng, mình trích ra một phần lương, ít thì 3 phân, khá hơn thì 5 phân, dư dả thì hẳn 2 chỉ để mua vàng. Mình luôn mua vàng vào thời điểm giữa tháng, bất kể giá cả thế nào. Lần đầu tiên, mình mua vàng với giá khoảng 3 triệu đồng/chỉ"", Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Ròng rã suốt 12 năm trời, Minh luôn đều đặn mua vàng hàng. Lúc kinh tế không ổn định, Minh mua 1 chỉ vàng. Lúc túi tiền rủng rỉnh, Minh bỏ tiền mua liền 2 cây vàng.
Minh chia sẻ, ngoài mua vàng đều đặn theo tháng thì vào ngày vía Thần Tài, nếu tiền nong rủng rỉnh thì anh càng chi nhiều hơn cho khoản đầu tư này. "Vào ngày mùng 10 tháng Giêng, mình thường cắt tới 80% lương để mua vàng. Có năm mình chỉ còn lại 2 triệu đồng trong túi để sống cả tháng. Mình tự nhủ: 'Chịu khó một chút, sau này sẽ có thành quả'. Thế là suốt một thời gian dài, mình chấp nhận ăn mì gói, hạn chế đi chơi, cắt giảm tối đa những khoản chi tiêu không cần thiết", Minh hồi tưởng lại.
Trong suốt 12 năm tích luỹ, số tiền Minh có chủ yếu dùng để mua vàng, số ít dùng để mua chứng chỉ quỹ. Đứng trước các kênh đầu tư khác được coi có tiềm năng sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản và tiền số, anh không hề bị dao động.
"Mình từng nghĩ đến chứng khoán, nhưng thấy rủi ro quá lớn. Bạn mình cũng đầu tư, có người thắng lớn nhưng cũng có người mất trắng. Mình không có nhiều kiến thức để mạo hiểm. Bất động sản thì cần vốn lớn, mà hồi đó mình chỉ có thể tích lũy từng chút một. Còn tiền số thì càng không dám thử, vì không hiểu rõ thị trường. Chỉ có vàng là ổn định nhất, dễ dàng mua bán và không bị mất giá quá nhiều theo thời gian. Mình chỉ cần đều đặn mỗi tháng mua một ít, không cần suy nghĩ quá nhiều về lời lỗ. Quan trọng nhất là nó giúp mình giữ tiền, không tiêu xài hoang phí."
Khi đầu tư vàng, Minh cũng có nguyên tắc riêng của mình: "Mình không bao giờ chờ giá vàng giảm mới mua. Vì mình biết không thể đoán chính xác thị trường. Cứ có tiền là mình mua vàng ngay, dù giá cao hay thấp. Vì vàng là tài sản tích luỹ dài hạn, không cần thiết phải canh giá từng ngày như chứng khoán".
Ảnh minh hoạ
Có kinh nghiệm hơn 10 năm mua vàng, Thanh Hồng rút ra lời khuyên: "Thứ nhất, bạn không nên mua vàng vào những ngày gần hoặc đúng dịp Vía Thần tài vì lúc đó giá vàng sẽ cao hơn. Mình không có khái niệm mua vàng ngày Vía Thần tài để lấy hên nên mình sẽ mua vàng trước đó vài ngày, hoặc đợi sau ngày Vía Thần Tài, như thế sẽ giảm bớt số tiền cho cùng 1 sản phẩm.
Thứ hai, chúng ta chỉ nên bán vàng trong những dịp thực sự cần thiết, hoặc bạn chuyển dòng tiền từ vàng sang bất động sản vì cùng là loại hình đầu tư. Với quan điểm đầu tư này, chúng ta sẽ bảo toàn được vàng tốt hơn. Thay vì bạn thấy vàng giá cao sau đó bán đi thì sau này sẽ khó mua lại được và không đảm bảo được dòng tiền đang có" .
Nếu bạn còn lưỡng lự, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay. Không cần nhiều, chỉ cần mỗi tháng trích một phần nhỏ để mua vàng. Nếu lương thấp, có thể mua 2-3 phân, miễn là duy trì thói quen lâu dài. Đừng đợi khi có nhiều tiền mới bắt đầu, vì lúc đó bạn sẽ luôn tìm ra lý do để trì hoãn. Mình cũng từng chật vật khi mới đi làm, nhưng chính nhờ từng chỉ vàng nhỏ bé ấy, mình đã có được mái ấm và cuộc sống ổn định hơn.
Minh tin rằng dù thị trường có thay đổi ra sao, nguyên tắc tích luỹ tài sản vẫn không đổi. Hãy coi mua vàng như một cách ép bản thân tiết kiệm, thay vì để tiền nằm trong tài khoản rồi tiêu hết lúc nào không hay. Có thể sau này bạn dùng số tiền đó để mua nhà, đầu tư hay kinh doanh. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn có một nền tảng tài chính vững chắc để không lo lắng khi có biến cố xảy ra.