Từ bao lâu nay, âm nhạc luôn được gắn liền với cảm xúc. Cảm xúc của người viết, cảm xúc của người phối khí, cảm xúc của người hát, tất cả hoà quyện lại để mang đến cảm xúc cho người nghe. Với guồng quay khủng khiếp của âm nhạc ngày nay, việc ca sĩ có được những bài "hit" là cực kì quan trọng. Để làm được điều đó, họ phải tìm đến các nhạc sĩ để mua bài hoặc đặt hàng. Biết rằng một ca khúc đến được với khán giả thì phải có người hát, nhưng vai trò của người nhạc sĩ có khi lại quan trọng hơn. Họ phải làm sao để đáp ứng được những yêu cầu từ ca sĩ, để ca khúc họ viết ra sẽ được đón nhận?
Ai cũng bảo âm nhạc của mình được viết từ cảm xúc, không phủ nhận. Nhưng để có chỗ đứng trong bản đồ âm nhạc, để ca sĩ phải tìm đến mình và mua bài, chắc chắn người nhạc sĩ phải có những "chiêu" riêng của mình. Có thể họ sẽ không thừa nhận mình có một công thức nào cả, bởi hai chữ "công thức" nghe thật máy móc. Nhưng với một guồng máy giải trí thì "công thức" lại là một thứ nên có.
Có người sẽ tự quy ra công thức của mình rồi cứ áp vào đó mà sáng tạo. Cũng có người không quan tâm đến chuyện đó lắm nhưng cách sáng tạo của họ luôn có đặc trưng, đó cũng chính là công thức. Chúng tôi tạm liệt kê một vài gương mặt sáng tác được mệnh danh là hit-maker dưới đây, để đúc kết xem họ đã sáng tạo ra công thức cho riêng mình như thế nào.
Công thức của Sơn Tùng M-TP = giai điệu bắt tai + ca từ dễ nhớ + chính Tùng
Nhắc đến "hit" của V-pop thì không thể không nhắc đến cái tên Sơn Tùng M-TP. Với vị thế mà Tùng đang có hiện nay, dường như bài hát nào cậu ra mắt cũng trở thành "hit". Không phải vì cái tên Sơn Tùng mà bởi âm nhạc của Tùng chính là thứ đã góp phần tạo nên cái thương hiệu ấy.
Lạc Trôi - Sơn Tùng
Điểm lại loạt bài "hit" của Sơn Tùng từ Cơn Mưa Ngang Qua, Nắng Ấm Xa Dần, Em Của Ngày Hôm Qua, Buông Đôi Tay Nhau Ra, Lạc Trôi, Nơi Này Có Anh... sẽ thấy được điểm chung của những bài hát này.
Thứ nhất chính là chất nhạc hiện đại, thời thượng, bắt đúng trend của âm nhạc trên thế giới với giai điệu súc tích, sôi động, đầy năng lượng. Dù Tùng hát ballad cũng rất ngọt nhưng chính chất nhạc R n'B, Rap pha với chút Pop Dance, Urban mới làm nên âm nhạc của Sơn Tùng, nó khiến người ta tự động phiêu theo giai điệu mỗi khi nghe.
Cũng chính vì phần giai điệu có phần áp đảo nên ca từ trong bài hát của Tùng chỉ nằm ở mức... tàm tạm. Không hẳn là nhạt, ca từ của Tùng rất văn minh, có chiêm nghiệm vừa phải, có cảm xúc nhưng chưa thực sự ấn tượng. Người ta ngân nga "Cơn mưa ngang qua mang em đi xa" hay "Đừng vội vàng em hãy là em của ngày hôm qua"... là vì nó hoà quyện với giai điệu, có vần điệu, hát lên rất vui tai chứ không xuất sắc. Nhưng đó lại là một điểm cộng khác của Sơn Tùng khi mà bài nào cũng có ít nhất một câu "key" để người ta ghi nhớ. Hiện tại thì hai bài hát có phần lời hay nhất, thơ nhất của Sơn Tùng chính là Lạc Trôi và Khuôn Mặt Đáng Thương.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một yếu tố quan trọng khác: bản thân Tùng. Có vẻ như nhạc Tùng viết ra chỉ hợp với chính Tùng và chỉ có Tùng hát là hay nhất. Một phần là do độ khó, xin lưu ý là nhạc của Sơn Tùng rất khó để hát trọn vẹn. Thứ hai chính là cách mà Tùng "sống" trong những ca khúc đó, dường như chỉ mình Tùng làm được. Quốc Thiên từng mua một bài của Tùng để hát là Gió Cuốn Em Đi nhưng kết quả không được như mong đợi, anh hoàn toàn không hợp, còn khiến cho bài hát trở nên khá... kì.
Công thức của Mr. Siro = giai điệu da diết + ca từ uỷ mị + một câu chuyện
Mr. Siro hiện nay giống như một vị cứu tinh của rất nhiều ca sĩ. Muốn bật lên, muốn phá cách, chỉ cần tìm đến Siro là sẽ có ngay một bài hát não nề nhưng nhiều khả năng thành "hit" bự.
Ví dụ gần nhất chính là Hương Tràm, ca khúc "Em gái mưa" làm mưa làm gió khắp nơi cho đến khi những lùm xùm quanh Từ Hôm Nay của Chi Pu và MV "gây bão" của Mỹ Tâm xuất hiện thì mới có dấu hiệu... hơi hạ nhiệt. Tuy nhiên, dự đoán là người ta sẽ còn nghêu ngao "Mưa trôi cả bầu trời nắng..." thêm một thời gian dài nữa.
Để kể tên "hit" do Mr. Siro tạo ra thì nhiều vô kể. Nếu bạn chưa biết thì Trái Tim Em Cũng Biết Đau, Đừng Ai Nhắc Về Anh Ấy, Bức Tranh Từ Nước Mắt, Dưới Những Cơn Mưa, v.v... đều là sản phẩm của anh. Dễ dàng để nhận ra điểm chung của ca khúc này chính là giai điệu rất da diết, ca từ thì buồn thảm thiết. Nhưng nếu chỉ có như thế thì cũng khá nhiều nhạc sĩ làm được. Thứ khiến người ta phải nghe đi nghe lại nhạc của Siro chính là anh kể một câu chuyện bằng cảm xúc rất tốt.
Trái Tim Em Cũng Biết Đau - Bảo Anh
Ca từ trong nhạc của Siro không chỉ đơn giản là sự đau khổ của một tình yêu đã mất, mà nó là cảm xúc của một câu chuyện cụ thể nào đó. Ví dụ như trong Em Gái Mưa là câu chuyện của một cô gái bị ngộ nhận trong tình yêu, còn Trái Tim Em Cũng Biết Đau lại là sự đáng thương của một người thứ ba. Thay vì kể lể lan man câu chuyện chung chung nào đấy, Siro đưa khán giả vào một câu chuyện dễ hình dung hơn, với những chất liệu quen thuộc, thế là thấm.
Công thức của Đỗ Hiếu = thời thượng + bắt tai + đa thể loại
Đỗ Hiếu là một nhạc sĩ trẻ, chỉ mới hoạt động âm nhạc khoảng 5 năm gần đây nhưng hiện tại anh đã là một tên tuổi lớn. Không chỉ là nhạc sĩ, Đỗ Hiếu còn là một nhà sản xuất "mát tay" được các sao lớn tín nhiệm. Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Minh Hằng... đều có những ca khúc ghi dấu ấn bằng sáng tác của Đỗ Hiếu. Anh còn là quán quân của The Remix mùa đầu tiên với cương vị producer cho team của Đông Nhi, chứng tỏ sự thông minh và nhạy bén với loạt đề tài biến hóa suốt 10 tuần thi.
Sẽ hơi khó để chỉ ra một điểm chung trong các ca khúc của Đỗ Hiếu về ca từ hay thể loại. Nhưng bù lại điểm chung và cũng là điểm mạnh trong sáng tác của Hiếu là sự thời thượng. Từ Bad Boy, Gạt Đi Nước Mắt, Keep Me In Love hay Là Con Gái Phải Xinh đều là chất nhạc EDM sôi động nhưng mỗi bài lại có hướng xử lý và khai thác riêng, rất đa dạng từ dance, tropical house cho đến trap, dubstep. Thế là vô hình trung, các sáng tác EDM của Hiếu vừa đa thể loại mà lại mang màu sắc nhất định trong triển khai melody, cấu trúc bài.
MV Bad Boy - Đông Nhi
Thêm một điểm cộng khiến Hiếu trở thành một nhà sản xuất "mát tay" chính là việc anh "chơi" được ở cả sân ballad. Đây thực sự là thử thách với rất nhiều nhạc sĩ bình thường. Thử tưởng tượng lúc nào bạn cũng chìm trong mớ nhạc điện tử xập xình thì chắc chắn nó sẽ hình thành những "thói quen" trong sáng tạo. Ấy vậy mà khi cần "triển" ballad, Hiếu vẫn có thể biến nó thành "hit". Những ca khúc như Trách Ai Bây Giờ hay gần đây là Sao Chẳng Thể Vì Em đều có giai điệu dễ nghe, dễ thấm vì Hiếu cân bằng được sự dịu dàng của nhạc nhẹ và chất gây nghiện trong EDM ở những ca khúc này. Chỉ với một đoạn điệp khúc cao trào hay một câu hook ấn tượng thì bài hát đã khiến người ta thích rồi.
Công thức của Tiên Cookie = giai điệu gây nghiện + lời tự sự + tư duy hình học
Những ca từ của Tiên Cookie thiên về hướng tự sự chứ không kể lể như Mr. Siro. Phần cảm xúc mà họ viết ra theo hướng chiêm nghiệm và tự mình nuốt vào trong chứ không đang trách móc một ai đó hay một cuộc tình nào trót không thành. Đây chính là những thứ mà giới trẻ cần, vì khi nghe ai đó nói lên nỗi lòng của mình cũng đều cảm thấy được sẻ chia. Đây cũng là minh chứng cho việc thể loại tản văn trong văn học Việt đang ngày càng lên ngôi, những câu viết tự sự.
Nhắc đến những bài hát của Tiên Cookie, người ta đều nhớ đến những giai điệu buồn man mác. Phải công nhận đây là một điểm cộng của Tiên vì nó thực sự gây nghiện, khiến người ta phải nghe đi nghe lại. Lấy ví dụ bằng hai "hit" lớn nhất của Tiên trong khoảng 2 năm qua chính là Phía Sau Một Cô Gái và Tâm Sự Với Người Lạ. Hay những ca khúc từ những ngày đầu vào showbiz như Có Khi Nào Rời Xa, Chỉ Là Em Giấu Đi... Những bài hát này đều được bật đi bật lại và gây bão trên khắp các diễn đàn âm nhạc suốt một thời gian vì giai điệu không bị lẫn, dễ nắm bắt và giữ được dư âm, khiến người ta nghe xong là nhớ và muốn replay.
Nhưng, mạnh nhất của Tiên không nằm ở giai điệu mà là ca từ. Ngoài những câu hát nghe như được thủ thỉ bên tai như "Biết đâu bất ngờ đôi ta chợt rời xa nhau...", "Nhiều khi anh mong được một lần nói ra hết tất cả, thay vì ngồi lặng im nghe em kể về anh ta...", " Nên đôi khi anh muốn tâm sự cùng người lạ, một người không biết gì về đôi ta..."... đều có thể khiến người ta muốn trích ra để... đăng lên facebook hay chèn vào một tấm hình. Vì Tiên cài tâm sự vào từng câu chữ rất gần gũi.
Chưa hết, ca từ và cách Tiên đặt cấu trúc cho bài hát của mình còn mang tư duy hình học. Tiên là người học chuyên Toán hồi cấp III, thế nên không khó để lý giải vì sao bài hát của Tiên lại khá... khoa học nhưng vẫn giàu cảm xúc. Vì Tiên biết cách định hình và sắp xếp nó rất rõ ràng.
Vì sao lại gọi là ca từ hình học? Chính là khoảng cách và những con số. Khi viết về một sự xa cách nào đấy trong âm nhạc, người ta hay thường dùng sông núi hay những khoảng cách kiểu xa mặt cách lòng rất phổ thông. Ở nhạc của Tiên, cô ấy định hình nó rất rõ bằng những khoảng cách rất cụ thể. Ví dụ như trong Mình Yêu Nhau Đi, thay vì nói về mưa gió thử thách tình yêu - một thứ rất quen thuộc - Tiên lại viết thành "...dẫu có nắng hay mưa... trên đầu", dễ hình dung hơn. Hay trong Phía Sau Một Cô Gái, cách Tiên dùng những câu như "anh lùi bước về sau để thấy em rõ hơn", "cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại, vừa bằng một cô gái" đều là những tư duy mang tính hình học: khoảng cách được định ra rất rõ ràng chứ không mơ hồ. Hoặc, những con số như "1 2 3 5 anh có đánh rơi nhịp nào không?", "...3 năm trôi qua nhanh như chớp mắt em giờ nào có nhớ...", "24 nỗi nhớ cho anh một ngày..." chính là cách mà Tiên khoanh vùng cho thời gian thật cụ thể. Có thể sẽ không đồng cảm với tất cả người nghe nhưng nó lại khiến họ dễ mường tượng và nắm bắt bài hát, cũng như cảm thấy "thật" hơn.
Tâm Sự Với Người Lạ - Tiên Cookie
Cấu trúc bài hát của Tiên cũng được tính toán rất kĩ lưỡng. Bình thường một bài hát sẽ có cấu trúc kiểu Verse 1 - Verse 2 - Chorus rồi hát lại. Hoặc Verse 1 - Chorus - Verse 2... Nhạc của Tiên cũng bám theo "barem" đó nhưng lại được cải biến đôi chút. Có lúc Tiên sẽ chỉ dùng 1 verse (lời) cho cả bài, nhưng lại có 2 chorus (điệp khúc) và phần chorus cao trào hơn, lời cảm xúc hơn sẽ đặt ở cuối. Ví dụ rõ nhất chính là Có Khi Nào Rời Xa, khi Tiên để cô gái trải lòng với những cảm xúc lo lắng ở phần đầu và điệp khúc thì đến điệp khúc cuối, Tiên đẩy những cảm xúc mạnh nhất vào: "Anh đưa em theo với, cầm tay em và đưa lối, [...], biết không anh em yêu anh?". Hay như trong Có Lẽ Em, sau khi giằng xé với những bộn bề về cuộc tình dang dở thì cô gái quyết tâm hơn ở đoạn cuối: "Nhường anh cho yêu thương khác ấm áp hơn em được không, con tim ơi trả lời đi..."... Những cấu trúc này được Tiên tính toán để tạo ra cao trào cho cảm xúc, khiến khán giả như càng nghe càng bị "hạ gục" và nghiện nó.
Kết
Trên đây là một vài trong rất nhiều "công thức tạo hit" mà người viết đúc kết được theo những tác phẩm đã được tung ra của các nhạc sĩ. Mỗi người mỗi vẻ và một sức hút riêng. Có thể chẳng nhạc sĩ nào muốn thừa nhận mình đưa công thức vào bài hát đâu vì nghe rất khô khan, nhưng với sự đòi hỏi và đào thải khắc nghiệt của làng nhạc Việt hiện nay thì dù muốn hay không, họ vẫn sẽ tự hình thành cho mình những công thức trong quá trình sáng tác, sáng tạo để khẳng định thương hiệu bản thân.