Từ tối 5/11, Rap Việt gặp "biến căng" khi liên tiếp 4 tấm poster thực hiện cho các bài đăng quảng bá cho chương trình bị phát hiện đã sử dụng trái phép tác phẩm của họa sĩ nước ngoài, khiến dư luận không khỏi xôn xao. Nhiều chủ nhân của các bức ảnh gốc cũng đã lên tiếng phản đối chính thức hoặc thông qua người đại diện tại Việt Nam là một NTK có tiếng trong giới, từng cộng tác với hãng phim Warner Bros.
NTK này đã liên tục có các động thái "rắn", không chấp nhận cách giải quyết cùng phát ngôn của Rap Việt và đe dọa sẽ "cắm cờ" dẫn đến việc kênh YouTube "bay màu". Rap Việt cũng nhận về sự phẫn nộ rất lớn từ cộng đồng mạng khi cho rằng phía ekip đã quá xem thường vấn đề bản quyền, thậm chí "ăn cắp" tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài một cách trắng trợn.
1 trong 4 poster Rap Việt đã sử dụng trái phép tranh của họa sĩ nước ngoài và khó có thể là bức cuối cùng
Về phía Rap Việt, phía chương trình đã đồng thời gửi thông cáo đến các đơn vị truyền thông cũng như tuyên bố chính thức trên fanpage Facebook. NSX Rap Việt cũng gửi lời xin lỗi đến khán giả cũng như đang trong quá trình giải quyết các ồn ào về bản quyền hình ảnh, tuyên bố sẽ tuân thủ luật pháp và các quy định về bản quyền. Phía chương trình cũng đang liên lạc với chủ nhân các tác phẩm bị sử dụng chưa xin phép để giải quyết hậu quả.
Chúng tôi đã liên hệ với các designer có tiếng trong nghề, từng cộng tác với loạt dự án trong nước và quốc tế ở các lĩnh vực về âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, dự án xã hội,... để có cái nhìn khách quan và thấu đáo hơn xoay quanh vấn đề bản quyền hình ảnh ở Việt Nam nói chung và câu chuyện ồn ào của Rap Việt nói riêng.
Chia sẻ về những sai phạm của phía Rap Việt xoay quanh việc sử dụng hình ảnh của họa sĩ nước ngoài, anh Trần Công Quỳnh, một NTK poster nổi tiếng từng cộng tác với nhiều dự án âm nhạc, phim ảnh,... cho biết: "Phía bên designer và toàn bộ những người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình Rap Việt nói chung đã vi phạm bản quyền quốc tế khi đã sử dụng 1 phần hoặc nguyên tác phẩm để thực hiện 1 thiết kế tiếp theo mà chưa có sự xin phép đối với tác giả sở hữu".
Anh Trần Công Quỳnh, một Designer nổi tiếng từng cộng tác với nhiều dự án âm nhạc, phim ảnh
Anh Trần Công Quỳnh qua đó cũng đưa đến cái nhìn tổng quan hơn về những nguyên nhân có thể đưa đến ồn ào đáng tiếc này đồng thời đánh giá đây là một bài học rất lớn không chỉ cho riêng ekip Rap Việt mà còn với rất nhiều các đơn vị khác.
"Lí do của việc này theo tôi cũng có nhiều nguyên nhân, có thể do bạn thiết kế chưa hiểu về bản quyền và sở hữu trí tuệ, chưa có kinh nghiệm nhiều cũng như chưa mắc phải những rắc rối này nên bạn cứ nghĩ cứ tìm được hình trên Google là được phép sử dụng. Ngoài ra có thể bạn chưa va chạm nhiều ở các job yêu cầu khắt khe về bản quyền.
Có lần tôi làm show poster, về font chữ, về hình ảnh, bên thuê tôi làm là một bên nước ngoài họ yêu cầu phải đưa ra những bằng chứng là hình đó không bị vi phạm bản quyền. Tức là mỗi tấm hình mình mua trên các nền tảng được phép sử dụng để thiết kế đều sẽ cung cấp cho mình 1 chứng từ (license) và tôi phải tổng hợp mọi chứng từ đó vào 1 thư mục và gửi cho bên thuê tôi làm poster kèm theo sản phẩm.
Ngoài ra nguyên nhân gây ra lỗi này cũng do 1 phần người kiểm duyệt đã xem nhẹ câu chuyện bản quyền tác phẩm, nếu họ cẩn thận hơn trong khâu kiểm duyệt các thiết kế đã không có chuyện này xảy ra. Một chương trình tôn vinh các nghệ sĩ chơi Rap thì cũng nên tôn trọng công sức lao động của các nghệ sĩ hoạt động trong mảng hội họa dù họ nổi tiếng hay không..."
Một poster do designer Trần Công Quỳnh thực hiện
Anh Đinh Thiên Phú (KW Design), một designer đứng sau poster của loạt MV Vpop đình đám cho rằng đây là một vấn đề vô cùng nhạy cảm trong nghề: "Phía designer bên Rap Việt đã vi phạm bản quyền khi lấy sản phẩm nghệ thuật của người khác với mục đích thương mại, đây là chuyện là rất nhạy cảm trong nghề. Với designer lâu năm trong nghề thì không chấp nhận được.
Các bạn designer mới vào nghề thì cũng nên tìm hiểu kĩ về bản quyền vì không phải ai cũng châm chước cho qua. Nếu sản phẩm của tôi bị người khác lấy tôi sẽ inbox nhắc nhở nên ghi thêm nguồn ảnh. Nếu là sản phẩm thương mại thì nên trả bản quyền hoặc nền xin phép chứ không phải muốn lấy gì là lấy".
Anh Đinh Thiên Phú (KW Design), một designer đứng sau poster của loạt MV Vpop đình đám
Thiên Phú là tác giả của poster MV LAYLALAY của Jack
Về những việc ekip Rap Việt cần làm trong hoàn cảnh này, anh Trần Công Quỳnh cho rằng đây là sự việc nghiêm trọng, không những phải xin lỗi phía họa sĩ mà còn phải bồi thường, gỡ bỏ các tác phẩm sai phạm: "Phía Rap Việt nên liên hệ với những họa sĩ bị xâm hại tác quyền để xin lỗi và đăng công khai xin lỗi khán giả. Vì đây không phải là lỗi mà 1 mình Rap Việt từng vấp phải cũng như không phải là lần đầu chuyện vi phạm tác quyền xảy ra ở Việt Nam. Và sẽ phải bồi thường nếu xảy ra kiện tụng tranh chấp. Sẽ là bài học đắt giá cho Rap Việt. Ngoài xin lỗi và bồi thường thì bên Rap Việt phải tháo các tác phẩm vi phạm bản quyền ảnh đó xuống.
Thực ra thì tác phẩm của tôi cũng rất nhiều lần bị các bên sử dụng trái phép - trái mục đích, những lần đó tôi thường liên hệ trực tiếp cho họ để mong muốn nhận được câu trả lời và tùy theo mức độ hợp tác mà tôi có tiếp tục cho họ sử dụng không. Thực ra, nếu họ mở lời xin phép thì tôi cũng vui vẻ cho họ sử dụng..."
Trong giới sáng tạo, vấn đề bản quyền là cực kì nhạy cảm, đã có rất nhiều va vấp trong quá khứ và chắc chắn không thể tránh khỏi trong tương lai. Các designer chỉ có thể học hỏi từ những kinh nghiệm đã có để có thể hạn chế tối đa những hiểu lầm đáng tiếc, bảo vệ thành quả của chính mình.
Anh Dzuy Ngô, graphic designer hiện đang cộng tác với CGV và Galaxy, từng thực hiện các cover art cho một số nghệ sĩ Vpop và dự án văn hóa cũng nhấn mạnh về việc câu chuyện bản quyền ở Việt Nam bấy lâu nay luôn là vấn đề "nhức nhối": "Câu chuyện bản quyền ở Việt Nam còn bị xem nhẹ về nhiều mặt và Graphic Design cũng không là ngoại lệ. Các sản phẩm sử dụng tư liệu có sẵn nhưng không thể thuê hay mua chỉ có thể thông cảm khi dừng lại ở mức học tập và rèn luyện phi lợi nhuận. Chính vì sự dễ dãi của tất cả các khâu nên dẫn đến sự việc trên.
Việc truyền cảm hứng bởi những tác phẩm đi trước thì designer nào cũng có thể sử dụng tham khảo, nhưng việc sử dụng hình ảnh, artwork của người khác để làm kinh tế thì khác. Trước đây, trong lúc học tập, bài tốt nghiệp của mình cũng có sử dụng hình ảnh internet để minh hoạ nhưng trước đó mình đã nhắn hỏi nguồn của các báo chí và bảo tàng nước ngoài đề rõ phục vụ mục đích học tập phi lợi nhuận".
Anh Dzuy Ngô, graphic designer hiện đang cộng tác với CGV và Galaxy, thực hiện các cover art cho một số nghệ sĩ Vpop và dự án văn hóa
Dzuy Ngo từng làm cover art cho MV Đã Từng Là Chúng Ta của Jun Phạm
Từ cách nhìn của một người có thâm niên trong nghề, anh Trần Công Quỳnh đề ra nhiều phương hướng để tránh các sai lầm trong tương lai: "Có các trang như lovepik, freepik 1 tháng giá chỉ từ vài chục USD cho 1 cá nhân, cho đối tượng công ty thì giá cao hơn nhưng tính ra vẫn rất rẻ, một ngày có thể tải được vài trăm tấm. Cao cấp hơn thì Adobe Stock, Shutter Stock, iStock,... thì có thể lên đến vài trăm USD cho 1 tấm hình, tùy mục đích sử dụng mà chọn nền tảng bán ảnh phù hợp để mua. Mỗi tấm ảnh mua khi đó đều sẽ có chứng từ sử dụng.
Bên cạnh đó, việc liên hệ nghệ sĩ gốc không hề phức tạp, tôi đã từng liên hệ 1 số nghệ sĩ để mua tranh và sử dụng nó để thiết kế theo ý muốn của khách hàng. Việc designer của Rap Việt thiếu hiểu biết về bản quyền và sự hời hợt trong khâu kiểm duyệt của bên Rap Việt mới là yếu tố chính".
Ảnh: FBNV