Các "chiến sĩ" nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: "Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới"

Minh Nhân - Phương Thảo; Thiết kế: Tuấn Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 09:12 27/02/2020
Chia sẻ

Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã điều trị thành công cho 5 bệnh nhân dương tính COVID-19, hiện đang tiếp tục chăm sóc cách ly 46 trường hợp nghi ngờ lây nhiễm. Hơn 20 ngày qua, họ như những "người lính" trên mặt trận không tiếng súng, sẵn sàng gác lại việc riêng vì nhiệm vụ chung của đất nước.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 1.

5h30 sáng tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bác sĩ Lưu Thị Xuân (46 tuổi) bắt đầu một ngày làm việc trong đội ngũ phòng chống COVID-19, bên cạnh 28 y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác. 

Không còn bệnh nhân dương tính với COVID-19, 46 trường hợp còn lại nằm trong diện nghi ngờ. Từ ngày 4/2 thành lập trung tâm cách ly theo dõi, đón bệnh nhân điều trị đầu tiên, đến nay đã hơn 20 ngày, anh chị chưa về nhà.

Vệ sinh cá nhân thật nhanh, nhận đồ ăn sáng từ 6h, các chị điều dưỡng tiến hành tổng vệ sinh, lau sàn nhà 6 tiếng/lần, mỗi ngày 3 lần. Một đồng nghiệp khác phun khử trùng toàn bộ phòng khám và các khu vực lân cận bằng Cloramin B. Bữa sáng được đưa vào buồng cách ly đặc biệt cho bệnh nhân khoảng 6h30, khi tất cả đều đã thức giấc, hoặc đang đánh răng rửa mặt, hoặc đang ngồi đọc sách. 

8h sáng, đội ngũ y bác sĩ họp giao ban, báo cáo toàn bộ công việc, phân công nhiệm vụ mới, ghi nhận những thay đổi trong thời gian qua, trước khi thăm khám toàn trạng cho các bệnh nhân. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 2.

Một ngày làm việc của các bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà bắt đầu từ 6h sáng.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 3.

Công tác phun khử trùng toàn bộ phòng khám và các khu vực lân cận bằng Cloramin B.

Các bác sĩ, điều dưỡng chuẩn bị máy móc, vật tư thiết bị hỗ trợ điều trị, chăm sóc bệnh nhân. 

Bác sĩ Xuân mang bộ đồ bảo hộ, cùng 2 bác sĩ khác tiến vào khu vực cách ly đặc biệt. Chị đo các chỉ số sinh tồn cho một người đàn ông 50 tuổi, thực hiện các y lệnh, truyền dịch nâng cao thể trạng. Nếu bệnh nhân không có diễn biến nghiêm trọng, công việc sẽ kết thúc sau một tiếng, hạn chế thấp nhất thời gian tiếp xúc. Nếu ngược lại, bác sĩ sẽ phải theo dõi sát sao trong khu cách ly, cho đến khi bệnh nhân tạm thời ổn định. Cứ 6 tiếng, từng bệnh nhân sẽ được kiểm tra toàn trạng một lần, kể cả buổi tối. 

Trở về phòng làm việc, chị Xuân dùng điện thoại được bọc trong một lớp nilon chụp lại các kết quả xét nghiệm, ghi chép tình hình thăm khám sức khỏe bệnh nhân. 

Bên cạnh khu cách ly đặc biệt, một nhóm nhân viên y tế khác chịu trách nhiệm khám tổng quát cho 46 trường hợp nghi ngờ lây nhiễm, có tiền sử tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính COVID-19. Nữ bác sĩ nói, trong số họ có những người được người nhà vận động chở đến, cũng có những người tự chạy xe máy tới, xin tự nguyện được cách ly. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 5.

Một trong 5 bệnh nhân dương tính với COVID-19 được bác sĩ Xuân chăm sóc trước khi được xuất viện.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 6.

Nhóm bác sĩ chăm sóc thêm 46 trường hợp nghi ngờ lây nhiễm.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 7.

Sau đó bác sĩ ghi chép các kết quả xét nghiệm, tình hình sức khoẻ bệnh nhân.

12h trưa, anh Hoàng (người dân trên địa bàn) phóng xe máy vào khuôn viên phòng khám, khệ nệ hạ thùng xốp xuống đất, bên trong có các suất cơm dành cho bệnh nhân và bác sĩ. "Anh thanh niên" 40 tuổi nhận giao cơm 3 buổi mỗi ngày từ hôm 14/2, khi mà các hàng quán khác nghe tới cụm từ "Phòng khám Đa khoa Quang Hà" đều từ chối. 

Mỗi suất cơm đạm bạc có giá 25.000 đồng, như anh Hoàng nói là "để giúp gia đình anh kiếm thêm thu nhập" giữa thời điểm phức tạp dịch bệnh. Khi được hỏi về COVID-19, anh cảm thấy bình thường, không có gì phải lo lắng. "Mấy bác sĩ còn ở đây được, mình có gì đâu mà sợ. Chỉ có người ta sợ mình thôi, chứ mình không sợ". Nói đoạn, anh cười, miệng giới thiệu "Thực đơn hôm nay có lạc rang, chả cuốn lá lốt, đậu phụ sốt cà chua, rau cải xào". 

Sau khi phát cơm cho người bệnh, 28 nhân viên y tế mới bắt đầu bữa trưa của mình. Riêng với bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung (37 tuổi), vì dạ dày yếu, không ăn được cơm quán, mỗi ngày 2 bữa người nhà đều mang cơm đến cho chị. 

Không có thời gian nghỉ trưa, mọi người vội vã quay lại với từng nhiệm vụ được giao phó. Bác sĩ Xuân bất ngờ nhận cuộc điện thoại từ đồng nghiệp ở khoa cách ly. Chị dở cuốn sổ ghi chép. Một tay viết, tay còn lại giữ chiếc điện thoại màu xanh, hỏi: "Triệu chứng thế nào, nhiệt độ bao nhiêu, ho có đờm không?". 

Cứ như thế, công việc buổi chiều nhẹ nhàng vào guồng quay, đã luôn như vậy suốt hơn 20 ngày qua. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 8.

Anh Hoàng (áo đen) giao cơm cho các bác sĩ và người bệnh tại phòng khám.

Nhóm bác sĩ gồm 5 người chịu trách nhiệm phân phát cơm cho người bệnh.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 10.

Bữa cơm trưa 25.000 đồng đạm bạc của các bác sĩ.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 11.

Tất cả cùng ngồi ăn ngay tại phòng họp giao ban.

17h chiều, chị em phụ nữ xếp hàng... chờ đến lượt sử dụng nhà tắm. Khu vực phơi quần áo thật chật chội, nhưng không ai than vãn. Thường thì các chị hộ lý kết thúc công việc sớm nhất, sẽ được "ưu tiên" tắm trước, rồi đến mấy chị bác sĩ và nhân viên điều dưỡng. 

Bữa tối diễn ra trong phòng giao ban, mọi người quây quần bên nhau, nói chuyện rôm rả. Cứ khoảng 19h, bên ngoài khuôn viên phòng khám, vài ba người bệnh ngồi trên ghế đá hàn huyên "giết" thời gian, số khác đọc sách, ru con ngủ, không thì "nghịch" điện thoại.  

Chú V. (50 tuổi) - bệnh nhân dương tính còn lại vào thời điểm đó, nằm trong căn phòng cách ly đặc biệt, nhìn sang khu cách ly, nơi mẹ và 2 chị gái của chú đang ngồi trò chuyện. Tuy gần nhau mấy mét, nhưng họ không được gặp nhau. Trước đó, vợ và con gái thứ 2 của chú, đều dương tính, đã được xuất viện về nhà. Chú nói, "cả gia đình tôi đều ở đây!".

Bé N.G.L. (3 tháng tuổi) - bệnh nhi nhiễm COVID-19 nhỏ tuổi nhất nước ta, sau khi khỏi bệnh đã được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương về Phòng khám Đa khoa Quang Hà tiếp tục theo dõi. Tại đây, bố và mẹ bé, chỉ cách nhau tầng trên - tầng dưới, nhưng cũng không được nhìn mặt nhau, chỉ nói chuyện qua điện thoại. 

Chiều tối ở Bình Xuyên trôi qua thật nhẹ nhàng và bình yên như thế, len lỏi trong từng ánh mắt và lời nói, qua chiếc màn hình màu xanh bé nhỏ.  

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 12.

Buổi chiều tối tại phòng khám cách ly bệnh nhân dương tính, các cụ ông lớn tuổi chọn đọc sách, còn thanh niên thích "giết" thời gian bằng điện thoại.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 13.

Những em bé theo bố mẹ, người thân vào phòng khám tự nguyện cách ly phòng dịch bệnh.

Tiếng chuông điện thoại vang lên ở góc phòng giao ban, cô con gái nhỏ của điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lâm mếu máo qua màn hình: "Bố nhanh về với con cơ". Trong căn phòng khác, những cuộc gọi cũng đang được kết nối. Người ở hậu phương, người nơi "mặt trận", gửi những lời yêu thương qua vài giây ngắn ngủi mỗi ngày. Người ta nói, chiều tối đúng là khoảng thời gian biết "trêu ngươi" lòng người, vì đã có những giọt nước mắt từ "những người lính", và cả hậu phương của họ.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 14.

Có những thời điểm mệt mỏi, nản chí, nhưng anh chị em cố gắng vực nhau dậy, đặt nhiệm vụ lên trên hết. Nhưng dù cho mệt mỏi về thể lực ghê gớm đến thế nào, cũng không bằng cảm xúc mang tên "nhớ gia đình". 

"Tôi cảm nhận, buồn nhất là các buổi chiều, điện thoại cứ réo liên tục. Câu đầu tiên mỗi lần gọi điện, các con thường hỏi: Bao giờ bố mẹ về?. Có bố mẹ làm trong ngành y, các con sẽ phải sớm làm quen mỗi khi bố mẹ xa nhà, thường chỉ 1, 2 ngày. Nhưng lần này đã hơn 20 hôm, thậm chí sẽ còn lâu hơn, thật sự không tránh khỏi những xúc cảm như thế", chị Xuân thủ thỉ.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 15.

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lâm trò chuyện cùng con gái qua điện thoại.

Sau giờ ăn tối của các bệnh nhân, các bác sĩ hoàn tất công việc hành chính lúc 21h. Họ tán gẫu một chút, đến gần 23h, 29 người chỉ có 3 căn phòng (vốn là phòng làm việc) diện tích hơn 20m2 để nghỉ ngơi. Có người mang giường gấp, như bác sĩ Nhung. 4 - 5 người khác chia nhau một chiếc giường. Số còn lại xếp bàn ghế... làm giường ngủ. 

Những ngày đầu, bác sĩ Xuân nhớ lại rằng chị không ngủ được vì lo lắng. Có bệnh nhân sốt liên tục, nhiều đêm chị phải thức dậy 2 đến 3 lần, coi như hết giấc ngủ, cho đến khi người bệnh ổn định. Về sau, trong suốt đợt dịch cho đến bây giờ, chị luôn xem đó là chuyện bình thường, ngủ hay không, không còn quan trọng. 

5h sáng hôm sau, chị cùng các đồng nghiệp thức dậy cho một ngày làm việc mới, với lời nguyện cầu dịch bệnh nhanh chóng đi qua, cuộc sống của người dân được bình thường trở lại. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 16.

Đằng sau vẻ mặt nghiêm nghị của bác sĩ Trần Quang Vịnh, 46 tuổi, trưởng Khoa Bệnh Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, người được điều động tăng cường đến Phòng khám Đa khoa Quang Hà, là giọng nói ấm áp luôn cố gắng trấn an bệnh nhân: "Yên tâm, rồi mọi người sẽ khỏi bệnh và được về nhà". 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 17.

Bác sĩ Trần Quang Vịnh, 46 tuổi, trưởng Khoa Bệnh Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên.

Bác sĩ Vịnh đã bắt đầu tham gia chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Phúc Yên từ ngày 30/1, tức mùng 6 Tết, và "trực chiến" tại Bình Xuyên từ ngày 7/2. 

Đến nay, 5/5 bệnh nhân dương tính tại Quang Hà đều đã được xuất viện, bác sĩ Vịnh nở nụ cười thật hạnh phúc. Nhớ lại những ngày đầu khi Vĩnh Phúc trở thành "tâm dịch", các trạm kiểm soát an ninh được lập xung quanh xã Sơn Lôi. Sức nặng đè lên phòng khám nhỏ khi nhận trọng trách thành lập trung tâm theo dõi, cách ly người bệnh. Cả nước đều tập trung và dõi theo, tinh thần của các bác sĩ rất căng thẳng, kéo dài liên tục hơn 2 tuần.

"Bệnh nhân được cách ly trong khu riêng biệt, chúng tôi phải làm sao để họ không bị đơn độc hay cảm giác tủi thân. Mỗi người ở đây, họ đều có nỗi buồn riêng, lo lắng cho gia đình. Các bác sĩ, điều dưỡng luôn cố gắng chăm sóc, phục vụ cơm nước, đặc biệt động viên tinh thần, để họ an tâm điều trị", bác sĩ Vịnh tâm sự. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 18.

Bác sĩ Lưu Thị Xuân cùng 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng chịu trách nhiệm chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân dương tính trong khu cách ly đặc biệt. Được tập huấn cùng đồng nghiệp, chị biết mức độ nghiêm trọng cũng như tính chất lây truyền mạnh của căn bệnh. 

Lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân dương tính, chị hơi lo lắng. Chị chưa từng tham gia "chiến dịch" nào dài lâu và đặc biệt như thế. Công việc trước đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi hàng ngày chị phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân lao, viêm gan B, thậm chí là HIV.

Gia đình không phản đối, nhưng họ có chung cảm xúc giống chị. Bố mẹ nội - ngoại, chồng và 2 con thường xuyên gọi điện, dặn dò chị giữ gìn bản thân, tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng. Sau khi tuân thủ mọi quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, chị yên tâm hơn. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 19.

Bác sĩ Lưu Thị Xuân xúc động khi nhắc về nỗi nhớ gia đình.

"Nhiều ngày trước, người ta rất kì thị và tránh tiếp xúc với chúng tôi. Khi đó, tất cả mọi giao dịch với phòng khám đều gặp khó khăn. Có những đơn đặt hàng mua vật dụng cần thiết nhưng không đơn vị nào nhận vận chuyển về Bình Xuyên. Mọi hàng quán dịch vụ đều sợ. Người dân còn truyền tai nhau, chỉ cần đi qua đây thôi là virus bay vào người", bác sĩ Xuân cười nhớ lại.

Điều đầu tiên chị Xuân mong muốn là dịch bệnh sớm kết thúc, để không chỉ bản thân chị, các y bác sĩ, mà bệnh nhân cũng được về với gia đình, hoà nhập cộng đồng. 

"Khi công bố hết dịch, người dân của huyện Bình Xuyên và cả tỉnh Vĩnh Phúc khi đi ra khỏi khu vực của mình, sẽ không còn những mặc cảm. Tâm lý thoải mái, và họ sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn". 

Bác sĩ Xuân tự hào khi Phòng khám Đa khoa Quang Hà là một trong những trung tâm tuyến huyện điều trị thành công các ca bệnh COVID-19. Nhưng để có được thành quả này, chị thay mặt đồng nghiệp, bày tỏ sự biết ơn tới những hỗ trợ chuyên môn của các đơn vị như BVĐK khu vực Phúc Yên, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng như chủ trương, phác đồ điều trị của Bộ Y tế, Chính phủ.  

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 20.

Sáng sớm 25/2, nam điều dưỡng Trịnh xuân Đồng, 37 tuổi, gọi điện thông báo, "Chúng tôi nhẹ lòng lắm vì 16/16 trường hợp dương tính đã khỏi bệnh".

Anh Đồng vốn là điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, cùng đoàn xuống tăng cường tại phòng khám Quang Hà, từ hôm 7/2. Từ ngày tham gia chống dịch, anh em ở trung tâm không còn nhớ rõ ngày tháng, thỉnh thoảng lại hỏi nhau "Hôm nay ngày mấy nhỉ?". Thế mà cũng đã gần một tháng bị "cách ly" ở Bình Xuyên. 

Khi làm ở Khoa cấp cứu, anh phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân chấn thương nặng, thậm chí nhiễm HIV nhưng đôi khi lại không biết trước được. Tuy nhiên, khi chăm sóc cho người bệnh nhiễm COVID-19, anh chủ động biết cách phòng trách cho bản thân và cộng đồng. 

Không chỉ riêng anh Đồng, tất cả y bác sĩ, điều dưỡng tại Quang Hà đều đề cao khâu kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây chéo. 

"Phòng khám hiện nay có 29 người, chỉ cần một người nhiễm bệnh thì chúng tôi cũng lại thành đối tượng phải cách ly ngay", anh nói. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 21.

Nam điều dưỡng Trịnh xuân Đồng.

Công việc mỗi ngày của anh Đồng gồm đi thăm buồng bệnh, dùng thuốc cho bệnh nhân, chăm sóc người bệnh, thậm chí "nắm bắt" tâm tư tình cảm của họ. Anh tự nhận mình là chuyên gia tâm lý "bất đắc dĩ", đặt nhiệm vụ ổn định tâm lý cho người bệnh trên cả điều trị bệnh. Trong quá trình điều trị hàng ngày, anh đều cố gắng trò chuyện nhiều hơn với người dân, tạo thiện cảm tốt đẹp giữa người bệnh và bác sĩ. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 22.

Một bệnh nhân tên Chiến trong thời gian cách ly từng thổ lộ nguyện vọng với các bác sĩ, xin về nhà giỗ bố. "Tôi chỉ muốn thắp cho bố nén hương rồi đi ngay. Tôi sẽ không bỏ trốn, anh có thể cho người đi cùng giám sát", anh Chiến nói.

"Đấy là mong muốn chính đáng của người bệnh, nhưng mình phải giải thích làm sao cho họ hiểu được. Khi đã vào trung tâm cách ly, nhân viên y tế hay bệnh nhân, hầu như ai cũng có việc riêng, nhưng đều phải gác lại vì việc chung của toàn quốc". Anh Đồng đặt mục tiêu, mỗi ngày đều phải quan tâm tới người bệnh, thật sự hiểu được tâm trạng của họ. Để chính các bệnh nhân sẽ thấu hiểu khó khăn và nỗi nhọc nhằn của nhân viên y tế. 

Niềm vui lớn nhất của bệnh nhân là khỏi bệnh. Đó cũng là niềm vui chung của các y bác sĩ, điều dưỡng. 

Hôm trước đi tắm, tháo nhẫn cưới ra, anh Đồng mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới (24/2). Dịp này các năm trước, anh cùng vợ và các con thường đi chơi gần thành phố, lúc thì tới Đại Lải, lúc lại tham quan Đồi 79 mùa xuân. Một chuyến dã ngoại ngắn ngày, nhưng đong đầy tình cảm và sự yêu thương. Tối đến, cả gia đình quây quần bên nhau, nấu một bữa cơm thật ấm cúng.

Năm nay, anh ở "chiến trường", gọi điện về trò chuyện với vợ. Cũng làm việc trong ngành y, chị hiểu được trách nhiệm lớn lao mà chồng và các đồng nghiệp đang gánh trên vai. Chị không đòi hỏi bất cứ điều gì, ngoài những cuộc điện thoại mỗi ngày khi anh có thời gian rảnh rỗi. 

Anh hy vọng một ngày nào đó, gần nhất là 8/3, có thể bù đắp phần nào thiệt thòi cho vợ. Nhưng sắp tới, khi chuẩn bị đón đoàn công dân từ Hàn Quốc về nước, anh không biết liệu có giữ được lời hứa với vợ mình hay không.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 23.

Khi tháo nhẫn cưới trong một lần tắm, anh chợt nhớ ra sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 24.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, 37 tuổi, nói rằng ai cũng sợ bệnh tật, kể cả chị, nhất là loại virus có tính lây nhiễm cao như COVID-19. Nhưng chị sợ hơn, nếu không thể cố gắng điều trị cho các bệnh nhân. Chị luôn đặt trách nhiệm của người lương y lên hàng đầu, bảo hộ đầy đủ và sẵn sàng đi vào khu cách ly đặc biệt. 

Ngày đầu tiên vào trung tâm Quang Hà nhận nhiệm vụ, chị đeo khẩu trang cả ngày, lớp trong là khẩu trang y tế, bên ngoài là N95. Buổi trưa, các nốt đỏ lần lượt xuất hiện trên khuôn mặt, càng lúc càng dày đặc. Đến chiều, mọi chuyện càng thậm tệ hơn. Chị xác định bản thân bị dị ứng với khẩu trang N95. 

"Nhưng vì nhiệm vụ được giao phó, những ngày sau, tôi vẫn phải tiếp tục công việc", chị nói.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 25.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung bị dị ứng khẩu trang N95. Khuôn mặt chị vẫn còn những vết ửng đỏ sau khi tháo bỏ lớp đồ bảo hộ.

Bộ đồ bảo hộ khiến chị và đồng nghiệp cảm thấy khó chịu, nhất là những ngày nóng nực càng thêm bức bối. Chị hạn chế và hầu như không đi vệ sinh, dù phải làm liên tục từ 6h sáng tới 12h trưa, tránh phải thay đồ bảo hộ mới. Bởi trên thực tế, lượng đồ bảo hộ phát về các trung tâm, cơ sở y tế là không quá nhiều. 

"Xa gia đình từ ngày 4/2, anh chị em từ công an, bảo vệ, tới bác sĩ, điều dưỡng, không ai được về nhà. Chồng tôi là bộ đội, công tác xa nhà, nên phải gửi con nhờ ông bà nội ngoại chăm sóc. 

Chúng tôi xác định, ngành y là những người lính xông vào 'mặt trận' không tiếng súng. Không được nản lòng, chúng tôi cảm thấy tự hào và đồng cảm cho nhau. Dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, và chưa rõ hồi kết, nhưng chúng tôi tin rằng Việt Nam và Thế giới sẽ chiến thắng nhanh thôi". 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 26.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, 28 tuổi, công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, được phân công làm nhiệm vụ tại Phòng khám Đa khoa Khu vực Quang Hà từ ngày 6/2.

Nhóm của anh gồm 2 bảo vệ, 2 chiến sĩ công an túc trực 24/24. Từ 10h đêm đến 6h sáng hôm sau chia làm 4 ca, mỗi người 2 tiếng, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời lắng nghe tâm tư của người dân. 

Anh Tuấn đánh giá cao tinh thần tự giác đến xin cách ly của bà con trên địa bàn. Ban ngày anh nhờ bác sĩ đi buồng bệnh hỏi han nguyện vọng của các bệnh nhân, xem họ mong muốn gì, tâm trạng như thế nào để tìm cách khắc phục. 

"Mọi người đều chấp hành tốt, chỉ mong sao nhanh khỏi bệnh để về với gia đình", anh nói.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 27.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đã quyết định hoãn ngày cưới, tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Cũng như các đồng nghiệp khác trong trung tâm chống dịch, anh Tuấn phải gác lại mọi chuyện riêng, tập trung 100% vào nhiệm vụ được giao phó. 

"Công việc trọng đại nhất tôi đã phải làm, là hoãn ngày cưới, từ dự định ngày 1-2/3 sắp tới, sang tháng 4, nhưng chưa xếp được ngày cụ thể. Đợt chống dịch xem ra còn lâu dài, thời điểm này dường như chỉ mới là bước khởi đầu".

Ban đầu, anh buồn và hụt hẫng. Trước đó anh còn giấu vợ khi có tên trong danh sách nhận nhiệm vụ tại Bình Xuyên. 3 ngày sau, anh mới báo. Chị giận anh đôi chút, nhưng rồi cũng nhanh chóng cho qua. 

Anh chị quyết tâm chờ ngày dịch tan, sẽ nên duyên vợ chồng. 

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 28.

Niềm vui trên khuôn mặt của các lực lượng công an, y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tham gia chống dịch tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà.

Xem thêm các thông tin khác về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại ĐÂY.

Các chiến sĩ nơi tâm dịch Vĩnh Phúc: Đi tắm, tháo nhẫn cưới ra mới nhớ sắp tới là kỷ niệm 10 năm ngày cưới - Ảnh 29.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày