Cả thế giới chê "50 sắc thái đen" rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 09:11 13/02/2017
Chia sẻ

Phần 2 của bộ phim "Fifty Shades of Grey" (50 Sắc Thái Xám) là "Fifty Shades Darker" (50 Sắc Thái Đen) vừa được trình chiếu và đang được công chúng quan tâm hết mực bất chấp chuyện chất lượng phim tiếp tục bị chê bai.

Câu chuyện tình yêu xoay quanh chủ đề BDSM (bạo lực tình dục) của cặp đôi Anastasia Steele - Christian Grey từng trở thành một chủ đề bàn tán xôn xao của khán giả vào năm 2015. Trước đó, khi bộ sách gốc của E.L. James ra mắt cũng từng gây tranh cãi về việc nó là một tác phẩm văn học hay chỉ là câu chuyện tình dục câu khách rẻ tiền.

Khi phim được chuyển thể và công chiếu vào 2015, bất chấp việc giới phê bình dìm nó xuống tận đáy với lý do "chất lượng kinh khủng", 50 Sắc Thái vẫn nghiễm nhiên thu về 571 triệu đô.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 1.

Fifty Shades Darker (50 Sắc Thái Đen) vừa ra mắt đã đứng thứ 2 phòng vé Bắc Mỹ vào dịp cuối tuần (đứng sau The LEGO Movie Batman) mặc dù chỉ được 10% "tươi" trên Rotten Tomatoes và doanh thu mở màn thấp hơn hẳn phần trước.

Khoan đã! Trước khi hả hê cho rằng chất lượng của bộ phim-câu-khách-bằng-thể-loại-tình-dục-biến-thái này chỉ đến thế thôi và mọi người chỉ đang tò mò vô bổ thì hãy bình tĩnh nghĩ lại một chút. Nếu thực sự bộ phim này kinh khủng thì thành tích nó chẳng đáng nể như thế!?

Bởi vì không ai muốn nói về một thứ thật sự tệ hại cả. Dù biết rằng thị hiếu đại chúng luôn có phần dễ dãi nhưng nếu đó là điều mà số đông đã quyết định, thì tức là ít nhiều phải có cơ sở. Bởi vì, xét cho cùng, thì xã hội được xây dựng dựa trên số đông, thành tích cũng như sự quan tâm mà số đông dành cho bộ phim này buộc chúng ta phải bình tĩnh hơn khi nhìn nhận. Vậy sức hấp dẫn của 50 Sắc Thái đến từ đâu!?

Hoàng Tử - Lọ Lem: Mô-típ tình yêu chưa bao giờ cũ

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 2.

Không muốn cũng phải thừa nhận mô-típ tình yêu chán phát ốm này chưa khi nào lỗi thời, ít nhất là đến bây giờ. Trong những truyện cổ tích mà chúng ta nghe từ bé, gần như tất cả những cô nữ chính không có gì ngoài ngoại hình đều cưới được hoàng tử giàu có, sống hạnh phúc mãi mãi về sau (có mãi mãi thật không thì không biết).

Điển hình nhất chính là tình yêu của nàng Cinderella, một cô hầu gái cực khổ nhưng xinh đẹp, được hoàng tử chọn làm người yêu. Thậm chí, dù có xuất thân cao quý như Snow White hay Aurora thì vẫn sẽ bị "cuộc đời" (hoặc tác giả) vùi dập để trở thành những người đáng thương và cuối cùng có một kết thúc hạnh phúc bên hoàng tử nước láng giềng. Tức là tóm lại, ước mơ của con gái chính là được trở thành vợ của hoàng tử phải không nào?

Đừng vội xù lông lên, các bạn nữ. Hãy chấp nhận điều này vì nó chẳng có gì là sai cả! Nếu được cho phép thì cánh đàn ông cũng ước mơ được lấy vợ giàu có. Chẳng qua do đàn ông đã vốn mang tiếng là "trụ cột gia đình" nên không thể ngồi nhà và mơ mộng mà thôi, cho nên, họ cũng mơ lấy vợ giàu nhưng vì sĩ diện mà đành phải giấu đấy.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 3.

Chưa kể theo thời gian, phong trào đấu tranh cho nữ quyền phát triển hơn và cuộc sống trong xã hội hiện đại cũng dần đổi khác. Phụ nữ bắt đầu bước ra ngoài, có sự nghiệp và mục tiêu riêng của đời mình nên những ý kiến mới cũng theo đó mà xuất hiện.

Đại loại như "con gái không cần phải lấy chồng giàu nữa vì có thể tự chăm lo cho bản thân rất tốt". Không sai, nhưng cũng chỉ là một ý kiến. Tức là, nếu 100% phụ nữ ngày xưa mong được lấy hoàng tử thì bây giờ đã có một số cô không cần lệ thuộc đàn ông, một số cô vẫn muốn lấy hoàng tử và một số cô muốn lấy hoàng tử nhưng không được! Chưa rõ số lượng cụ thể ra sao nhưng chắc chắn hai nhóm sau chiếm đa số.

Bằng chứng hả, hãy nhìn vào những tác phẩm giải trí được làm ra để phục vụ phái nữ là rõ. Hầu hết vẫn là những bộ phim/truyện tình cảm kiểu "lọ lem - hoàng tử" lỗi thời kia. Lấy ví dụ gần gũi là Me Before You (2016), cuộc tình giữa cô điều dưỡng với anh doanh nhân đẹp trai, giàu có nhưng bị liệt cũng có doanh thu rất khủng (khoảng 207 triệu đô). Hoặc bộ truyện tranh Hana Yori Dango của Nhật nói về cô "cỏ dại" nghèo kiết xác vướng vào mối tình với thiếu gia nhà giàu đã được hết nước này đến nước khác mua bản quyền chuyển thể phim.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 4.

Hay có một trường hợp hơi ngược là phim "One Day" của Thái năm rồi đã chỉ ra đoạn kết không-thể-viên-mãn của một cô nàng gần như hoàn hảo với một anh chàng IT không giàu, không đẹp trai. Khán giả xem xong cho rằng đoạn kết ấy rất thực tế, vì "một người đẹp như Nui thì làm sao chịu yêu Den xấu trai lại không giàu có!", là số đông nói nhé!

Vậy, bạn đã hiểu được tại sao 50 Sắc Thái lại có doanh thu cao ngất ngưởng chưa!? Vấn đề cũng chỉ là chấp nhận hay không mà thôi. Bởi vì những tác phẩm kể trên đâu được làm ra để ca ngợi về tình yêu hay những gì quá vĩ đại, nó đơn giản chỉ là nói thay cho ước mơ của phái nữ, hết.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 5.

Ana chính là một nàng "lọ lem" đúng chuẩn hiện đại: có nhan sắc, có tài năng, cốt cách nhưng không giàu. Còn Christian chính là "hoàng tử" mà ai cũng mơ ước: siêu giàu, siêu đẹp trai. Nhưng anh này lại có xu hướng bạo dâm, và anh ta dùng chính những công cụ "giàu đẹp" của mình để điều khiển những cô gái, bắt họ phục tùng.

Và Ana trở nên khác biệt khi thể hiện sự thờ ơ với gia tài của anh ta, trở thành thứ mà anh ta ham muốn chinh phục. Đây cũng là những khác biệt hay ho trong câu chuyện của "lọ lem - hoàng tử" khi vừa cho phái nữ một sự tự tôn mà vẫn khỏa lấp được mong muốn lấy chồng giàu. Không phải Ana chê những người nghèo mà do Christian quá hấp dẫn mà thôi, đơn giản là thế.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 6.

Nhưng cũng có người cho rằng bộ phim này nhảm nhí vì chẳng có nữ chính nào dám từ chối tương lai phú quý mà Christian hứa hẹn, hoặc cô ấy không đủ thuyết phục. Ơ hay! Ana đâu có từ chối! Trong phần 2 này, sau khi đồng ý quay lại với Christian, Ana trả lời rất nhiều lần rằng cô ấy muốn "tất cả mọi thứ của anh" khi Christian hỏi "Em muốn gì?".

Nếu bạn không muốn hiểu theo cách mà E.L. James hướng đến là Ana muốn giải thoát Christian khỏi bóng tối, muốn có được trái tim anh chàng thì hãy hiểu theo kiểu "nghĩa đen" hơn là cô ấy muốn toàn bộ gia sản của Christian! Đùa thôi, tôi không xúi các bạn hiểu theo kiểu ấy đâu nhé.

Sự tò mò về thế giới của bạo dâm

Một "vũ khí" hữu hiệu của 50 Sắc Thái! Làm sao để câu chuyện "lọ lem - hoàng tử" trở nên hấp dẫn để người ta đồng ý xem nó trong thời hiện đại? Giống như khi bạn chuẩn bị kế hoạch để quảng bá một sản phẩm mới vậy, trước khi khách hàng biết nó tốt hay không thì nó phải thu hút họ cái đã. Và, thứ thu hút của 50 Sắc Thái chính là đề tài bạo dâm.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 7.

Đây vốn là một đề tài nhạy cảm ít khi được khai thác chi tiết trong phim ảnh vì dễ bị xếp vào thể loại không-đàng-hoàng. Vì thế, mạnh dạn chọn nó chắc chắn sẽ "hot". Đặt trong khuôn khổ một câu chuyện tình mộng mơ thì càng hấp dẫn hơn. Chọn thêm hai gương mặt có nhan sắc, đồng ý khoe thân, lăn xả vào những cảnh ân ái bạo liệt thì lại càng thu hút. Thế là hàng loạt người mua vé đến rạp chủ yếu là để xem Jamie Dornan và Dakota "hành hạ" nhau trước khi biết bộ phim tròn méo ra sao.

Nhưng, vẫn còn một lý do quan trọng hơn khiến 50 Sắc Thái sở hữu những giá trị nội tại của riêng nó chứ không đơn thuần là một bộ phim cổ tích "xôi thịt".

Sự thống trị và lệ thuộc trong tình yêu

Những cảnh nóng trong 50 Sắc Thái rất táo bạo, đã thế lại còn nhiều đến nỗi một số quốc gia không thể chiếu. Điều này khiến rất nhiều khán giả cho rằng nó là một bộ phim tục tĩu. Nhưng nói thế hơi oan ức bởi thực chất cái vỏ bọc bạo dâm ấy chứa đựng những thứ rất thường nhật trong tình yêu.

Phần "50 Sắc Thái Xám" có nhiệm vụ giới thiệu nhân vật và thế giới của BDSM với hàng loạt những cảnh làm tình cùng nội dung cụt lủn. Sau đó, Sam Taylor-Johnson rút khỏi dự án, James Foley đảm nhận vị trí đạo diễn phần này (và cả phần cuối vào năm sau). Công bằng mà nói "50 Sắc Thái Đen" đã giúp khán giả hiểu được nhiều hơn những sắc thái khó nói trong cuộc tình của hai nhân vật.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 8.

BDSM là cụm từ tập hợp những cặp từ "bondage & discipline" (lệ thuộc & luật lệ), "dominance & submission" (thống trị và phục tùng), "sadism & masochism" (bạo dâm và khổ dâm). Nếu hiểu hết sự bổ trợ của cụm từ này, bạn sẽ thấy 50 Sắc Thái rất khéo léo khi dùng xu hướng bạo lực tình dục để nói lên sự thống trị và lệ thuộc trong tình yêu.

Khi hai người yêu nhau tức là có sự đồng điệu về tâm hồn, muốn ở cùng nhau, hy sinh cho nhau suốt cuộc đời. Nhưng, trong "nội bộ" một cuộc tình luôn tồn tại những cảm giác mang tính sở hữu mà nếu không thỏa hiệp được với nhau thì dễ dẫn đến kết cục không đẹp.

Lúc yêu nhau, người ta hay có xu hướng bắt người yêu chấp nhận những thứ thuộc về sở thích cá nhân, nếu đối phương cho rằng nó không hay ắt hai người sẽ cãi cọ. Đó là ví dụ của sự "thống trị". Hoặc, đàn ông vẫn luôn muốn vợ mình ở nhà làm nội trợ thay vì ra xã hội nhưng phụ nữ thời đại mới lại muốn tự lập, thế là xảy ra tranh chấp xoay quanh việc "thống trị và phục tùng".

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 9.

50 Sắc Thái cụ thể hóa những cảm giác này bằng BDSM: Christian là một gã bạo dâm hấp dẫn còn Ana lại đứng giữa ranh giới của việc lệ thuộc hoặc thay đổi anh ta. Nói theo cách nào đó thì Ana muốn "thống trị" ngược lại Christian. Bằng chứng là khi Christian muốn quay lại trong phần 2, anh chấp nhận những điều kiện mà Ana đặt ra. Tức là trong 50 Sắc Thái Đen, Ana mới thực sự là kẻ thống trị trong mối quan hệ của họ. Đỉnh điểm chính là phân đoạn Christian cầu xin Ana đừng đi khi cô bảo rằng mình không bao giờ có thể phục tùng anh như những người khác.

Christian quỳ mọp xuống, ngửa lòng bàn tay lên như một kẻ phục tùng "chuyên nghiệp". Hình ảnh này khơi gợi đầy đủ những cảm giác nhập nhằng giữa "thống trị" và "lệ thuộc", vừa phức tạp mà vừa đơn giản. Đơn giản vì Christian yêu Ana nên đã bỏ qua sự kiêu hãnh của bản thân. Đơn giản vì anh thực sự vẫn chưa chinh phục được Ana nên anh phải làm mọi cách trước khi bỏ cuộc.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 10.

Phức tạp vì trong tâm khảm những kẻ thống trị luôn khao khát một sự thống trị ngược lại, bởi kẻ độc tài luôn cô đơn. Còn phức tạp ở chỗ Christian đã từng là kẻ bị lệ thuộc và nay khi đối mặt với Ana - một kẻ đáng lí phải lệ thuộc anh nhưng chối từ - Christian muốn mình bị lệ thuộc. Cũng phức tạp ở chỗ Christian dùng sự lệ thuộc để thực hiện một sự thống trị mà Ana không thể ngờ. Nói chung một khi chưa đạt đến "thỏa thuận" thì mối quan hệ sẽ tiếp tục trầy xước.

Vì thế, tin rằng những người từng yêu, từng gặp vấn đề trong việc "nhường nhịn" đối phương sẽ đồng cảm với những sắc thái yêu của phim. Điều này không những khiến cho 50 Sắc Thái chứng tỏ được nội lực đằng sau lớp vỏ dung tục mà còn thể hiện được sự thấu hiểu của tác giả về tình yêu. Và đạo diễn James Foley truyền tải điều này khá tốt trong 50 Sắc Thái Đen.

Cả thế giới chê 50 sắc thái đen rẻ tiền và dở tệ, nhưng nó vẫn hot, chẳng phải chỉ vì chuyện tình dục! - Ảnh 11.

Ông khiến khán giả "bớt" chú ý vào những trò chơi tình dục lạ kì (dù thời lượng vẫn rất nhiều) mà hào hứng hơn với việc Ana và Christian xử lý mối quan hệ của họ. Không cần những cảnh lãng mạn đến mức khiến người khác "ganh tị" như phần trước (món quà mà Christian tặng cho Ana trong phần này chỉ là cái macbook và chiếc iphone), 50 Sắc Thái Đen có một câu chuyện hấp dẫn hơn, nhiều nhân vật quan trọng hơn để bóc tách chân tướng mối quan hệ đảo chiều của cặp nhân vật chính.

Tin chắc phần 2 sẽ làm khán giả mong chờ phần 3 hơn bởi những chi tiết gợi mở ở cuối. Đây cũng là những thứ quen thuộc của phim tình cảm mà phần trước còn thiếu - những kịch tính và xung đột tay ba - thay vì cứ "lải nhải" về việc phục tùng một cách sáo rỗng. Nhưng sau tất cả, khán giả nên hiểu một điều tiên quyết là: 50 Sắc Thái không phải loạt phim ca ngợi về tình yêu hay vẻ đẹp cuộc sống. Chấp nhận được điều này, bạn sẽ thấy nó không tệ hại và rẻ tiền.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày