Ca sĩ Việt làm series MV, phim ca nhạc: Công thức một màu hay chiến lược khôn ngoan?

AN, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/03/2019

Series MV, phim ca nhạc với nội dung dài dằng dặc như bộ phim điện ảnh kéo dài hơn 100 phút tưởng chừng đã dừng lại ở năm 2018, thế nhưng, xu hướng này vẫn quay trở lại năm 2019 như một công thức khó bỏ.

Trước đây, các MV ca nhạc luôn hướng đến mục tiêu chỉ có độ dài 3-5 phút là đủ, đủ ở đây tức là vừa đảm bảo mục tiêu lan toả rộng, vừa giữ chân khán giả ngồi lại theo dõi tới giây cuối cùng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ca sĩ Việt đã chứng minh điều ngược lại khi sản phẩm âm nhạc có độ dài 9-10 phút, hay thậm chí là 30-40 phút cũng đủ sức lôi kéo khán giả, tạo về thành công ở lượt view, lượt share hay vị trí cao tại các BXH âm nhạc. Công thức chung là các MV đều thể hiện những chuyện tình yêu nhiều bi kịch.

Tuy nhiên, ngoài những thành công ở con số hiển hiện trên Youtube, các bảng xếp hạng âm nhạc, không phải sản phẩm mang mác "phần 2", "phần 3" nào cũng ngẫu nhiên đạt thành công. Dựa trên theo dõi ở các sản phẩm âm nhạc gần đây như MV "Rời bỏ" và "Chấp nhận" của Hòa Minzy, MV "Anh đang ở đâu đấy anh" và "Em đã thấy anh cùng người ấy" của Hương Giang, tất cả MV phần 2 đều chiếm 80% thành công từ sức nóng của phần 1.

Tận dụng sức nóng từ sản phẩm trước: Khôn ngoan hay lối mòn?

Khoan nói về xu hướng làm sản phẩm âm nhạc nhiều phần của Vpop những năm gần đây. Một điều thực tế và rất rõ ràng cho quyết định bỏ tiền tỷ đầu tư thực hiện một MV, phim ca nhạc phần 2, phần 3… chính là tận dụng sức nóng từ sản phẩm đi trước. Việc lợi dụng thành công từ sản phẩm trước để cộng hưởng cho sản phẩm sau đã là bước đi mà nhiều ca sĩ rất chịu khó thực hiện. Mặc dù điều này đòi hỏi họ phải nắm trong tay nội dung kịch bản tốt, có đường dây xuyên suốt từ phần 1 tới phần 2, phần 3 để khán giả không nhàm chán.

Không chỉ thu hút sự chú ý cho một ca khúc ở trong thời điểm phát hành, những MV được sản xuất theo dạng drama còn có tác dụng kéo dài sự mong đợi của khán giả cho sản phẩm tiếp theo. Sau cái kết lấp lửng và gây ức chế cho nhiều khán giả ở "Rời bỏ", Hòa Minzy khiến khán giả mong ngóng từng ngày để chờ xem thử câu chuyện sẽ được bật mí như thế nào ở phần tiếp theo. 

Nói một cách công bằng thì "Chấp nhận" - phần 2 của "Rời bỏ" có giai điệu khá cũ và không để lại ấn tượng nhiều bằng sản phẩm đầu tiên. Ca khúc này rất có thể sẽ trở thành "bom xịt" nếu được phát hành đơn lẻ, nhưng nhờ vào hiệu ứng của câu chuyện trong "Rời bỏ" mà sau 1 tháng, MV "Chấp nhận" đã đạt đến con số hơn 12 triệu lượt xem.

MV "Chấp nhận" - Hòa Minzy

Với MV "Em đã thấy anh cùng người ấy" của Hương Giang ra mắt tối 11/3 cũng  không nằm ngoài công thức chung này. Rất rõ ràng, câu chuyện bị bạn thân cướp người yêu đã dừng lại ở cái kết lưng chừng và chưa cần chủ nhân ca khúc lên tiếng, khán giả cũng biết chắc chắn sẽ có phần 2 được ra mắt sau đó. Và khi phần 2 phát hành, một cái kết gây ức chế không kém cũng thay cho lời xác nhận phần 3 sẽ được tung ra trong một ngày không xa.

Hương Giang - Em đã thấy anh cùng người ấy (#EDTACNA) (#ADODDA2)

Không cần bất cứ chiến dịch PR hay chiêu trò nào, chỉ riêng cái mác phần tiếp theo phía sau một sản phẩm đậm chất drama đã đủ lấy sự chờ đợi từ khán giả. Ở thời đại mà các ca sĩ phải dùng quá nhiều chiêu trò để PR cho sản phẩm của mình, để rồi nhận về phản ứng trái chiều, thì MV drama lại hoàn thành tốt vai trò tạo chú ý cho sản phẩm nhưng theo hướng bàn tán tập trung trực tiếp vào nó. Đó là một hướng đi đúng đắn để giúp sản phẩm âm nhạc có câu chuyện và đời sống lâu hơn, giữa thị trường MV như "nấm sau mưa" như hiện nay. 

Thừa nhận một điều, khán giả Việt ưa thích drama, ưa thích mọi thứ kịch tính, cho nên, sản phẩm âm nhạc được phát triển dựa trên xu hướng này cũng là điều dễ hiểu. Đây là sự lựa chọn đúng đắn để phục vụ nhu cầu số đông khán giả, mang về lợi ích cân bằng cho cả người nghe lẫn nghệ sĩ. 

Tuy nhiên, nói một cách khắt khe dưới con mắt của những khán giả khó tính thì mô-tuýp tình yêu bi kịch, đau khổ đến tận cùng và hạnh phúc đến tột đỉnh trong kịch bản các MV drama này lại cũ kĩ tới mức chỉ cần nhìn qua teaser giới thiệu hay poster quảng bá đã có thể đoán ra nội dung sản phẩm sẽ nói đến. 

Nguồn gốc của các MV drama vài năm gần đây đa phần đến từ kịch bản ở các bộ phim, sản phẩm âm nhạc tại Thái Lan - mảnh đất được mệnh danh "sản sinh ra drama". Và ở Vpop, Hương Giang đang được đánh giá là người thực hiện tốt nhất dạng kịch bản drama đậm chất Thái Lan này. Tuy nhiên, khi nhà nhà người người đều chạy theo một hướng kịch bản vì nghĩ sẽ mang về thành công như mong đợi thì khán giả - đối tượng trực tiếp đón nhận sản phẩm lại giống như đang ngồi xem những bộ phim rút gọn hao hao nhau, với chuỗi nội dung trùng lặp chẳng có quá nhiều mới lạ. 

Đó là về nội dung các series âm nhạc hiện nay, còn về chiến lược thực hiện từ phần nọ nối tiếp phần kia lại không hề mới trong Vpop, bởi hơn 10 năm trước, xu hướng này đã bắt đầu manh nha và tạo được rất nhiều thành công đáng nể. Đơn cử như series phim ca nhạc "Trọn đời bên em" 10 phần được phát hành liên tục từ năm 2001 - 2010 của Lý Hải; series phim ca nhạc "Người trong giang hồ" của Lâm Chấn Khang; hay cách đây 5 năm là series phim ca nhạc "Gửi cho anh" gồm 2 phần của Khởi My là ví dụ điển hình. Chỉ có sự khác biệt rằng nội dung, kịch bản, độ dài của từng MV, phim ca nhạc đang dần được rút ngắn, hiện đại hoá theo sự biến chuyển không ngừng của Vpop và xu hướng giải trí trên Youtube. 

Ca sĩ Việt làm series MV, phim ca nhạc: Công thức một màu hay chiến lược khôn ngoan? - Ảnh 3.

Series phim ca nhạc "Trọn đời bên em" 10 số phát hành đều tạo được độ nóng bởi nội dung kịch bản gây hứng thú cho người xem.

Ca sĩ Việt làm series MV, phim ca nhạc: Công thức một màu hay chiến lược khôn ngoan? - Ảnh 4.

"Gửi cho anh" của Khởi My chỉ dừng lại ở 2 phần nhưng đều tạo được sức hút và sở hữu lượt view cao trên Youtube nhờ kịch bản liền mạch, không rời rạc.

Do đó, việc các ca sĩ vẫn tiếp tục thực hiện các series ca nhạc nhiều phần có thể khẳng định đó là xu hướng không mới, nhưng là chiến lược tốt để vừa tận dụng sức nóng từ sản phẩm trước, vừa lôi kéo khán giả. Thế nhưng chiến lược này cũng tiềm ẩn lắm rủi ro, buộc mỗi ca sĩ phải chấp nhận.

"Chiến lược ăn theo" gây rủi ro đến thế nào?

Đáp án cho câu hỏi này chắc chắn phải phụ thuộc vào nội dung kịch bản. Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư - người từng nhào nặn rất nhiều MV triệu view của loạt ca sĩ đình đám Vpop từng thừa nhận, làm phim ca nhạc không chỉ dài dòng, lê thê mà còn kéo theo nhiều rủi ro có thể phá hỏng cả bài hát. Cụ thể, một ca khúc tạo được sức ảnh hưởng nhờ giai điệu, ca từ đánh thẳng vào cảm xúc người nghe, thế nhưng, khi được đưa vào MV, phần hình ảnh lại không hề ăn khớp với ca khúc, vậy là từ 10 điểm bỗng chốc quay trở về con số 0. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu và đã được minh chứng ở rất nhiều sản phẩm âm nhạc thời gian qua.

Vì vậy, ở các MV phim ca nhạc có độ dài 9-10 phút hay nhiều hơn thế, chắc chắn phần kịch bản cần được chú trọng kỹ lưỡng để liền mạch với nội dung ca khúc. Công bằng mà nói, khi làm một sản phẩm có độ dài lớn hơn MV thông thường, người hâm mộ của mỗi ca sĩ sẽ thoả mãn nhu cầu được nhìn thần tượng nhiều hơn. Tuy nhiên, để kéo số đông khán giả ngồi xuống theo dõi thì phải dựa vào sự hoàn hảo của sản phẩm, từ âm nhạc, hình ảnh cho tới nội dung.

10 năm trước, Lý Hải mang về thành công và tạo tiền đề cho phim ca nhạc phát triển trong  Vpop. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua quy luật thành công của Lý Hải chính là nội dung sản phẩm mang tính hài hước, bình dân và đánh thẳng vào phân khúc khán giả bình dân. Ở các series phim ca nhạc sau của Lâm Chấn Khang, Hồ Việt Trung… dù bị chê hài nhảm vẫn tạo kỷ lục lượt xem trên Youtube cũng vì họ tập trung vào đối tượng khán giả bình dân để phục vụ.

Còn ở "Gửi cho anh" của Khởi My; "Rời bỏ" - "Chấp nhận" của Hoà Minzy và "Anh đang ở đâu đấy anh" - "Em đã thấy anh cùng người ấy" của Hương Giang, đối tượng khán giả họ nhắm tới là giới trẻ hiện nay, nội dung mang đậm yếu tố tình cảm, drama để tạo thành công.

Hòa Minzy, Hương Giang đều là hai trong số nhiều ca sĩ hiện nay tận dụng sức nóng từ sản phẩm đi trước để thực hiện chuỗi series cho riêng mình. Cái khôn khéo của họ chính là kịch bản, lối diễn xuất thuyết phục số đông khán giả, ngay cả khi phần âm nhạc chưa được đánh giá quá cao. 

Tuy nhiên, nếu không có một ê-kíp thật sự tâm huyết phía sau để tạo dựng kịch bản đủ sức lôi cuốn, liền mạch với ca khúc, cốt truyện thì dù nhắm tới thị trường gì, sản phẩm đó cũng dễ dàng bị bật ra khỏi thị hiếu khán giả. Cho nên, ngay cả khi rủi ro là 5% thì chỉ cần một sơ suất nhỏ trong chiến lược quảng bá, đường dây kịch bản cũng dễ dàng phá hỏng mọi thứ.

Nhưng suy cho cùng, MV dù hấp dẫn đến đâu cũng không thể che lấp một thực tế: âm nhạc phải hay. Không ai đủ thời gian xem đi xem lại một MV quá nhiều lần, ngay cả khi đó là khán giả trung thành. Thực tế rõ ràng nhất là ở MV "Anh đang ở đâu đấy anh" của Hương Giang, đây là sản phẩm lập kỷ lục thành tích trong sự nghiệp âm nhạc của cô khi leo thẳng lên Top 1 Trending với hơn 2,6 triệu lượt xem chỉ sau 1 ngày ra mắt, thế nhưng đến hiện tại, sau 4 tháng phát hành, MV đang dừng lại ở con số trên 22 triệu lượt xem, thay vì vài chục triệu tới cả trăm triệu như những MV dài 3-5 phút khác. 

Hay với "Chấp nhận" của Hòa Minzy, phải thừa nhận đó là một MV có đầu tư và chiến lược tận dụng sức nóng bài bản. Song, ngoài việc thăng hạng tại Top Trending Youtube, lượt view cao thì chỉ sau 1 tháng, MV này lại gần như "lặn mất tăm" khỏi thị trường nhạc Việt. 

MV có nhiệm vụ truyền tải nội dung bài hát, nhưng một khi phần nhìn quá lấn át thì ca khúc cũng chỉ như một bản nhạc nền không hơn không kém. Chưa kể, sản phẩm mới thay nhau ra mắt đến mức khán giả chỉ xem thôi cũng không đủ thời gian. Bởi vậy, ngoài kịch bản, yếu tố ca khúc cũng mang ý nghĩa quyết định và mỗi nghệ sĩ cần dành nhiều thời gian đầu tư vào đó để làm nên sự toàn vẹn cho cả sản phẩm. Đừng để rơi vào trường hợp đáng tiếc khi MV mất đi sức nóng, phần âm nhạc cũng chẳng còn gì ở lại với công chúng.