Năm 2010, không lâu trước thảm họa động đất, sóng thần kép tại Nhật Bản năm 2011, người ta phát hiện khoảng 20 con cá rồng biển trôi dạt vào các vùng bờ biển ở nước này. Hàng chục con cá rồng biển cũng được phát hiện trước trận động đất mạnh 8,8 độ ở Chile năm 2010.
Vài ngày trước trận động đất mạnh 6,7 độ richter ở thành phố Surigao, Philippines, người ta tìm thấy một con cá rồng biển mắc cạn ở bờ biển Agusan de Norte gần đó.
Theo quan niệm của người Nhật Bản, cá rồng biển là sứ giả được gửi tới từ cung điện của thần biển. Theo đó, bất cứ khi nào chúng xuất hiện, người ta tin rằng thần biển đang đưa ra lời cảnh báo trước về thảm họa, động đất, sóng thần sắp xảy ra.
Xác một cá rồng biển được phát hiện trên bờ biển Nam California. (Ảnh: Live Science)
Tuy nhiên không phải chỉ ở Nhật Bản, người dân ở Bắc Âu cũng từng truyền tai nhau về loài cá này thông qua các giai thoại với nhiều dị bản. Một trong các dị bản nổi tiếng nhất là Midgarðsormr, con quái vật to lớn đến nỗi các thủy thủ thường nhầm lẫn cái lưng của nó với một chuỗi đảo. Chúng được mô tả là có thân hình lượn sóng, dài cỡ 30m, đầu giống như đầu ngựa.
Một truyền thuyết nổi tiếng khác về loài cá này liên quan tới chuyến hải trình của một con tàu hộ tống Anh vào năm 1848. Theo đó, các thủy thủ đoàn của con tàu khi tới Mũi Hảo Vọng quan sát thấy một con thủy quái thân ngoằn ngoèo với kích thước quá cỡ.
Trên thực tế, cá rồng biển là loài cá có xương dài nhất hiện nay. Chúng dài khoảng 10 m, hiếm khi được nhìn thấy vì sống ở độ sâu 1 km. Cá rồng biển thường sống rất thọ, có những con có thể sống tới cả trăm năm.
Kiyoshi Wadatsumi, chuyên gia về địa chấn sinh thái nói rằng do sống ở sâu dưới đáy biển nên cá rồng biển nhạy cảm hơn với hoạt động kiến tạo liên quan tới đứt gãy hơn là các loài sống gần với mặt nước.
Trong khi đó, ông Chihuahua Hiroshi Tajihi cho rằng liên hệ cá rồng biển với động đất, sóng thần chỉ là những quan niệm mê tín lỗi thời.
Cá rồng biển thường sống rất thọ, có thể đạt tới hàng trăm tuổi. (Ảnh: Boredom Therapy)
Nadine Arabelle Vivares, nhà nghiên cứu tới từ Trung tâm nghiên cứu biển McKenough có cùng quan điểm khi cho rằng thiếu các cơ sở khoa học khi nói rằng cá rồng biển xuất hiện là thảm họa sẽ tới.
"Có rất nhiều lý do tại sao những con cá rồng biển này mắc kẹt trên bờ biển. Có khả năng là chúng mắc bệnh hoặc có một sự thay đổi đột ngột trong môi trường sống hay thiếu thức ăn trong môi trường chúng sinh sống. Cũng không loại trừ khả năng về sự hiện diện của các dòng chảy mạnh trong các khu vực cá rồng biển sống", ông Nadine cho hay.
Tuy nhiên hầu hết các nhà khoa học đều có cái nhìn thận trọng về vấn đề này. Họ cho rằng các sinh vật ở các vùng biển sâu vẫn còn là bí ẩn.
Rachel Grant, một giảng viên về sinh học động vật tại Đại học Anglia Ruskin ở Cambridge cho rằng không thể phủ nhận hoàn toàn khả năng rằng truyền thuyết của người Nhật Bản cổ đại dựa trên cơ sở khoa học.
Để chứng minh nhận định của mình, Grant đang liên cứu mối liên hệ giữa những lần xuất hiện của cá rồng biển với bất cứ trận động đất nào trong vòng bán kính 800 km kể từ nơi sinh vật này được tìm thấy.
"Về mặt lý thuyết, có thể khi chuẩn bị xảy ra động đất, sự tích tụ áp lực trong các tảng đá ngầm được giải tỏa khiến các ion tích điện được phóng vào mặt nước. Điều này có thể dẫn tới sự hình thành hydrogen peroxide, một hợp chất độc hại. Các ion tích điện cũng có thể oxy hóa các chất hữu cơ có thể giết chết cá hoặc buộc chúng rời khỏi đại dương sâu thẳm và trồi lên mặt nước", Grant phân tích.
Một khả năng khác theo Grant là trước khi xảy ra động đất, một lượng lớn khí carbon monoxide sẽ được sản sinh, ảnh hưởng tới môi trường sống của cá rộng biển.
"Tôi cho rằng còn quá sớm để loại bỏ truyền thuyết cổ đại của người Nhật. Nhiều nghiên cứu hơn cần phải được triển khai để xác định mối liên hệ giữa loài cá này với các trận động đất sắp tới", cô nói.
(Nguồn: Live Science)