Gia đình nào cũng mong muốn tăng quỹ tiết kiệm để có thêm tài chính phục vụ các mục tiêu trong tương lai. Tuy nhiên, khi thu nhập còn hạn chế, việc cắt giảm chi tiêu quá mức có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của gia đình.
Mới đây, một cô nàng đã chia sẻ về bảng chi tiêu của gia đình để nhờ cư dân mạng tư vấn xem họ có thể tiết kiệm được khoản nào thêm hay không. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 23 triệu/tháng (chồng làm kinh doanh kiếm 15 triệu/tháng, vợ làm kế toán kiếm 7 triệu/tháng và buôn bán ngoài lãi 1,5 triệu/tháng).
Hàng tháng, cặp đôi chi khoảng 15 triệu cho chi phí sinh hoạt. Các khoản chi đều được người vợ làm kế toán tổng hợp chi tiết và ghi chép rành mạch.
Bảng chi tiêu trung bình hàng tháng của cặp đôi
Trong phần bình luận dưới bài viết, mọi người đều dành lời khen cho bảng chi tiêu của gia đình. Đa số ý kiến cho rằng các khoản chi đã được phân bổ hợp lý, nên rất khó để cắt giảm thêm. Vì vậy, nếu muốn tăng quỹ tiết kiệm, thay vì thắt chặt chi tiêu, họ nên tìm cách gia tăng thu nhập để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- "Khoản nào cũng hợp lý luôn á chị".
- "Chi như thế này thì vén vào đâu nữa bạn ơi. Chi như thế này là giỏi rồi. Thay vì vén thì bạn cố gắng tăng thu nhập xem sao. Ví dụ như bạn nhận làm dịch vụ kế toán làm thêm tại nhà, buôn bán kinh doanh thêm,..."
- "Làm kế toán thì có thể nhận thêm việc mà bạn, hoặc không thì bạn làm nhập liệu. Tìm cách tăng thu nhập thôi bạn. Mình lương có 10 triệu/tháng, chồng thu nhập không ổn định. Mình mhận việc online cũng được khoảng 4-5 triệu/tháng. Kế toán có thể nhận việc làm trên Excel được".
- "Vậy là tiết kiệm lắm rồi bạn ạ. Mình ăn uống với chi cho con thì không nên cắt giảm nữa. Nếu mình cắt giảm thêm là thành sống tằn tiện rồi bạn ạ".
Tiết kiệm tiền chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, đặc biệt là với các cặp vợ chồng trẻ đang đối mặt với hàng loạt chi phí: nhà ở, con cái, ăn uống, vui chơi… Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải "thắt lưng buộc bụng" đến mức bóp nghẹt chất lượng cuộc sống. Thực tế, chỉ cần thay đổi một vài thói quen và có chiến lược tài chính hợp lý, việc gia tăng quỹ tiết kiệm của gia đình sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Dưới đây là ba phương pháp giúp vợ chồng bạn tiết kiệm nhiều hơn mà vẫn sống thoải mái.
1. Kiểm soát dòng tiền chặt chẽ
Tiết kiệm không chỉ đơn giản là "bớt tiêu đi", mà quan trọng hơn là biết tiêu tiền đúng cách. Một trong những bước đầu tiên để tối ưu quỹ tiết kiệm chính là hiểu rõ dòng tiền của gia đình mình.
- Ghi chép chi tiêu hàng tháng: Dùng app tài chính hoặc sổ tay để theo dõi các khoản thu - chi, từ đó nhận diện những khoản tiêu tốn không cần thiết.
- Áp dụng quy tắc 50/30/20: Theo đó, 50% thu nhập dành cho nhu cầu thiết yếu (nhà ở, ăn uống, điện nước...), 30% cho các khoản cá nhân (giải trí, du lịch...), và 20% để tiết kiệm và đầu tư.
- Thiết lập quỹ dự phòng: Dành một khoản tiền nhất định hàng tháng để đối phó với những tình huống bất ngờ (ốm đau, sửa xe, mất việc…). Điều này giúp bạn không phải rút tiền từ quỹ tiết kiệm chính.
Ảnh minh hoạ
2. Tăng thu nhập thay vì chỉ cắt giảm chi tiêu
Nếu thu nhập hiện tại chưa đủ để bạn tích lũy, thì thay vì chỉ chăm chăm cắt giảm chi tiêu, hãy tìm cách kiếm thêm tiền. Đây là cách giúp gia đình bạn có tài chính dư dả mà không cần hy sinh quá nhiều tiện nghi.
- Tận dụng công việc phụ: Nếu bạn có thời gian rảnh, hãy cân nhắc các công việc freelance như viết lách, thiết kế, dạy online hoặc bán hàng qua mạng. Đây là cách để kiếm thêm mà không cần bỏ vốn lớn.
- Đầu tư thông minh: Không cần phải có nhiều tiền mới đầu tư được. Hãy tìm hiểu về các hình thức đầu tư nhỏ như chứng khoán, quỹ mở hoặc gửi tiết kiệm online có lãi suất cao.
- Tận dụng tài sản có sẵn: Nếu nhà rộng, bạn có thể cho thuê một phòng. Nếu có xe hơi, hãy đăng ký dịch vụ lái xe công nghệ vào cuối tuần.
3. Tiết kiệm chi tiêu
Tiết kiệm không có nghĩa là phải sống kham khổ, mà là biết cách chi tiêu một cách khôn ngoan. Một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng sống:
- Mua sắm có kế hoạch: Hạn chế mua sắm theo cảm xúc, chỉ chi tiền cho những thứ thực sự cần thiết. Đặc biệt, hãy lập danh sách trước khi đi siêu thị để tránh "vung tay quá trán".
- Săn khuyến mãi, hoàn tiền: Các chương trình giảm giá, hoàn tiền từ ngân hàng hoặc ứng dụng mua sắm có thể giúp bạn tiết kiệm một khoản đáng kể.
- Tận dụng các dịch vụ miễn phí: Thay vì đi cafe sang chảnh mỗi tuần, hãy thử các quán có ưu đãi thành viên. Thay vì mua sách, hãy mượn tại thư viện hoặc đọc ebook miễn phí.