Từng dùng thẻ tín dụng quẹt không ngừng tay và đây là những gì tôi nhận ra

Nguyệt , Theo Đời sống & Pháp luật 10:36 19/02/2025
Chia sẻ

Với những người trẻ chưa có nhiều kiến thức về quản lý tài chính, nên dùng thẻ tín dụng như thế nào?

Thẻ tín dụng là một trong những phương thức thanh toán được ưa chuộng hiện tại. Bởi lẽ chúng thuận tiện, giúp chi trả một khoản tiền khi không mang tiền mặt, hoặc khi dòng tiền hàng tháng chưa được quay vòng.

Tuy nhiên, người ta cũng ví thẻ tín dụng là một thứ cạm bẫy đầy ngọt ngào. Nó cho ta cảm giác "người có tiền", dễ dẫn đến việc chi tiêu không kiểm soát. Với những người trẻ chưa có nhiều kiến thức về quản lý tài chính, thẻ tín dụng có thể khiến bạn trở thành những con nợ "không lối thoát".

Quẹt không ngừng tay khi dùng thẻ tín dụng

Thu Hoài (22 tuổi, Hà Nội) cho biết đã bắt đầu dùng thẻ tín dụng được gần một năm, sau khi được giáo viên giới thiệu về hình thức thanh toán này. Cô nàng sinh viên chia sẻ: "Mình dùng thẻ tín dụng vì muốn thử cái mới. Bên cạnh đó, mình nghĩ rằng vào lúc khẩn cấp, cần chi tiêu khi chưa đủ tiền mà không muốn xin bố mẹ thì có thể xài đến chúng luôn".

Thu Hoài cho hay, thẻ tín dụng đem lại cho cô khá nhiều lợi ích và hữu dụng với cô, nhất là tính năng giảm giá khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, cô vẫn mắc 1 nhược điểm khi sử dụng đó là "ảo tưởng" về sự dư dả tài chính của bản thân.

"Vì thẻ tín dụng là hình thức 'thanh toán trước, cuối tháng trả sau' nên kể cả khi hết tiền, mình vẫn có thể mua sắm bằng chúng. Đỉnh điểm có lần, trong tài khoản ngân hàng của mình hết tiền, nên dù đắn đo song mình vẫn dùng thẻ tín dụng để thanh toán hết tất cả món đồ mình thích. Cuối cùng, tổng hoá đơn là 5 triệu đồng cho 1 lần chi tiêu. Đây là một con số rất cao vì mỗi lần mua sắm, mình chỉ dám tiêu cùng lắm là 1 triệu đồng thôi", Thu Hoài tâm sự.

Từng dùng thẻ tín dụng quẹt không ngừng tay và đây là những gì tôi nhận ra- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Lê Hồng Việt (25 tuổi, TP.HCM) cũng từng có khoản nợ 120 triệu sau 2 năm dùng thẻ tín dụng. Thời điểm đó, anh chàng đã sử dụng 5 chiếc thẻ tín dụng từ các ngân hàng khác nhau, hạn mức tăng dần là 20, 32, 36, 44 và 150 triệu đồng. Có nhiều thẻ tín dụng trong tay khi chưa biết kiểm soát đồng tiền đã khiến anh chàng mang khoản nợ hơn 100 triệu vào năm 23 tuổi.

Hồng Việt nhớ lại: “Ở thời điểm đó, bản thân mình chưa biết về quản lý tài chính nên việc tiêu xài diễn ra nhiều hơn. Nguyên nhân dẫn đến số nợ này phần lớn là do mình cứ ‘chuyển đổi trả góp’ cho những món đồ muốn mua. Đồng thời, mình nghĩ rằng bản thân sẽ dễ dàng thanh toán được thôi vì khi mua trả góp, mình không mất bất cứ lãi gì và chỉ tốn một phần phí chuyển đổi là 2-3% trên giá trị món hàng”.

Những khoản nợ tín dụng của Việt bắt đầu hình thành từ khoảng tháng 7/2022. Ban đầu anh chàng vẫn có thể thanh toán nợ tín dụng dễ dàng vì giao dịch mua bán còn nhỏ. Tuy nhiên, khi Hồng Việt bắt đầu chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt trong thời điểm chuyển giao công việc và nghỉ ở nhà 2-3 tháng, chàng trai càng “lạm chi" khi dùng thẻ tín dụng.

Thời điểm Hồng Việt “tỉnh ngộ” là vào tháng 10/2023, cũng là lúc anh phát hiện bản thân đã có khoản nợ tín dụng hơn 100 triệu đồng. Có thẻ tín dụng Hồng Việt chỉ cần thanh toán 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng có thẻ khác cần trả đến 10 triệu đồng/tháng.

Hành trình trả nợ thẻ tín dụng của Hồng Việt bắt đầu. Anh chàng kể: “Khi phát hiện, mình đã không có khả năng trả toàn bộ dư nợ của thẻ tín dụng. Nên mình bắt đầu phải tìm đến cách là thanh toán dư nợ tối thiểu hàng tháng nhằm có thể duy trì khả năng trả nợ. Ngoài ra, mình đã ngưng sử dụng 3/5 thẻ tín dụng để thanh toán dần dần hết nợ.

Đến thời điểm hiện tại, mình đã thanh toán được một nửa. Còn lại bao nhiêu nợ, mình vẫn cố gắng làm mỗi ngày, trích thu nhập từ lợi nhuận của brand mới startup và công việc freelancer để hỗ trợ chi trả một phần nào đó. Mình không nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình để chi trả nợ tín dụng. Vì tự nhiên có thêm ‘gánh nặng’ thì chắc ba mẹ đánh mình xỉu luôn (cười)”.

Từng dùng thẻ tín dụng quẹt không ngừng tay và đây là những gì tôi nhận ra- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Kiểm soát chi tiêu như thế nào?

Thẻ tín dụng có lợi cho người biết sử dụng, song có thể trở thành "con dao" nếu chủ nhân dùng chúng bừa bãi, vay nợ nhưng không quan tâm đến tình hình tài chính của bản thân.

Hồng Việt nhận định, dù thẻ tín dụng có nhiều tiện lợi song cũng có thể đem lại cho người dùng vài “hạn chế” như phí thường niên và lãi suất trả chậm của một số ngân hàng còn cao, hay nếu mất thẻ thì có thể mất tiền lớn nếu như không kịp khóa thẻ khẩn cấp,... Tuy nhiên, việc biến “hạn chế” của thẻ thành “nhược điểm" khi chi tiêu hay không còn phụ thuộc vào cách quản lý của người dùng.

Với những người trẻ đang có ý định sử dụng thẻ tín dụng, Hồng Việt đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân: “Mình mong các bạn trẻ như mình có thể tự biết cách quản lý tài chính, sử dụng thẻ thông minh và thấy rằng ‘tiền mình thì khó xài chứ tiền ngân hàng mình xài mê ly lắm’. Nên là hãy sử dụng thẻ tín dụng khi cần thiết và thật sự thông minh để nó không trở thành ‘con dao 2 lưỡi’, cũng như rơi vào trường hợp giống mình nha".

Còn với Thu Hoài, cô cho rằng trước khi chi tiêu khoản tiền đắt đỏ bằng thẻ tín dụng, bạn nên suy nghĩ trước khi quẹt thẻ. Nếu chắc chắn đó là khoản chi đáng tiền và bản thân không rơi vào tình trạng áp lực trả nợ tín dụng trong tương lai thì hãy mua chúng.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày