BS Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc con cháu nên làm để giúp ông bà, cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, rối loạn lo âu trong mùa dịch

PV, Theo PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC 17:56 25/10/2021

Những thắc mắc của độc giả liên quan đến sức khoẻ tâm thần người cao tuổi đã được PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trả lời chi tiết.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của toàn xã hội. Trong khi những người trẻ như chúng ta vẫn có đủ sức khỏe để tập luyện, tự tìm cách tạo niềm vui cho bản thân để "sống chung" với dịch (đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội) thì người cao tuổi lại dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu... dẫn đến một loạt những vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe như mất ngủ, tăng huyết áp.

Già đi theo năm tháng được xem là một thử thách lớn cùng với hàng loạt thử thách khác như: Đi lại chậm chạp và khó khăn hơn; Bệnh tật gây phiền hà; Khó thích ứng khi về hưu; Khó chống đỡ với các bệnh mãn tính...

Quá nhiều hụt hẫng với thực tế, người già vì thế mà rất hay gặp phải những trở ngại tinh thần cần được tư vấn của chuyên khoa tâm thần.

Hiểu được điều này, chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề "CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN NGƯỜI CAO TUỔI MÙA DỊCH" nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bệnh viện ĐH Y và VCCorp đã được thực hiện vào lúc 14h00 ngày 25/10/2021.

BS Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc con cháu nên làm để giúp ông bà, cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, rối loạn lo âu trong mùa dịch - Ảnh 1.

Trong chương trình, những thắc mắc của độc giả liên quan đến sức khỏe tâm thần người cao tuổi đã được PGS. Tiến Sĩ Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội, trả lời chi tiết.

1. Trong mùa dịch phải hạn chế giao tiếp, tránh tiếp xúc với nhiều người… khiến cho người cao tuổi (NCT) thường gặp vấn đề gì về sức khỏe tâm thần?

Trong mùa dịch, không chỉ người trẻ tuổi mà ngay cả người lớn tuổi cũng không được ra ngoài, nhất là ở những khu dân cư nghiêm ngặt, thậm chí có nơi không được ra khỏi nhà mình... Do vậy, người cao tuổi có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, buồn rầu, không có người để chia sẻ, không có người để nói chuyện... là điều dễ hiểu.

Hai hội chứng thường gặp nhất ở người cao tuổi là: Rối loạn trầm cảm, lo âu. Từ những rối loạn trầm cảm, lo âu này lại có thể làm cho các bệnh khác nặng lên, nhất là các bệnh nền.

Nhiều người cao tuổi còn có dấu hiệu mắc "bệnh cô đơn" với cảm giác cô lập khỏi gia đình, xã hội, người cao tuổi có cảm giác bị bỏ rơi, không có ai để chia sẻ, nói chuyện, bấu víu vào đâu...

2. Thế nào là rối loạn lo âu, trầm cảm ở NCT?

Trầm cảm rối loạn lo âu là hội chứng rất hay gặp ở người lớn tuổi, không phải chỉ trong mùa dịch. Với sự thay đổi trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều lo lắng hơn, do thay đổi về sức khoẻ, công việc không còn như trước nữa, mỗi người lại tự đánh giá về bản thân mình khác nhau, có người lại thấy mình ít có tác dụng với gia đình, xã hội, cảm thấy ngăn cách với con cháu, ít có giao tiếp, không liên hệ thường xuyên... Trong mùa dịch lại càng làm cho những lo lắng đó tăng lên.

Nếu những lo lắng, buồn phiền 1 chút rồi qua đi thì bình thường, nhưng những rối loạn này diễn ra trong thời gian dài ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người lớn tuổi, giảm hoạt động, tiếp xúc, sinh hoạt cơ bản hàng ngày thì đó là bệnh. Khi đi khám, bệnh nhân sẽ được đánh dấu theo các thang điểm, nếu đánh giá được thì đúng là trầm cảm thật.

BS Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc con cháu nên làm để giúp ông bà, cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, rối loạn lo âu trong mùa dịch - Ảnh 2.

3. Thường người già hay buồn bực, lo lắng, mất ngủ, con cháu cho rằng đó là điều bình thường (người già cả nghĩ). Liệu đó có phải là biểu hiện của trầm cảm không?

Một trong các dấu hiệu nhận biết trầm cảm là rối loạn giấc ngủ. Một tiêu chí của Bộ chẩn đoán rối loạn trầm cảm trên TG là khi một người khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon, trằn trọc...

Tuy nhiên, không phải cứ người cao tuổi có rối loạn giấc ngủ là bị trầm cảm.

Nếu có rối loạn giấc ngủ do không điều chỉnh chế độ sinh hoạt đúng cách (thay đổi chu kì thức ngủ ngày đêm, ngủ thất thường...), uống các chất kích thích như trà, cà phê... thì không phải rối loạn giấc ngủ do trầm cảm.

Còn với những người có biểu hiện như: Tự nhiên thấy buồn quá, buồn không rõ nguyên do, buồn mà không có giúp giải tỏa được... Vì buồn như vậy mà người cũng mệt mỏi chìm xuống, không muốn ăn, vận động chậm chạp, không muốn tương tác, xem tivi, nói chuyện với con cái... thì đó là những dấu hiệu trầm cảm. Con cháu cũng có thể nhận ra những dấu hiệu này.

Dấu hiệu nặng nhất trong các dấu hiệu của trầm cảm: có ý tưởng làm hại bản thân mình, làm cho mình thật đau hoặc tự sát.

Vì vậy, con cháu, người thân cần chú ý sớm nhận thấy những dấu hiệu này của bố mẹ, ông bà. Nếu thấy có các biểu hiện này cần đưa đi khám ngay.

4. Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở NCT như rối loạn lo âu, trầm cảm có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tổng thể của người cao tuổi?

Sức khỏe là trạng thái tổng hòa cả về thể chất, tâm hồn và Xã hội. Người lớn tuổi trung bình mắc 2-3 bệnh (tăng huyết áp, cơ xương khớp...) - gọi là bệnh lý thực tổn. Nhưng chúng ta có thể chung sống với bệnh lý thực tổn này.

Còn về trạng thái tâm thần xã hội, người cao tuổi sống qua nhiều năm tháng, có nhiều kinh nghiệm sống sẽ dẫn đến 2 thái cực:

Một là những người linh hoạt thoải mái về bản thân mình, nên sẽ tìm được cách sống vui vẻ. Họ sẽ cảm thấy sảng khoái.

Hai là những người trầm cảm, hay cảm thấy lo âu quá lo lắng thường cảm thấy cồn cào, nóng ruột, đau thắt ngực mất ngủ, ăn không ngon miệng. Từ đó dẫn đến ăn không ngon miệng, sụt cân, người lờ đờ mệt mỏi.

Chính vì vậy có thể nói các bệnh lý về mặt tinh thần, tâm thần ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng trạng của người lớn tuổi.

BS Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc con cháu nên làm để giúp ông bà, cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, rối loạn lo âu trong mùa dịch - Ảnh 3.

5. Làm thế nào để con cháu nhận ra những dấu hiệu sức khỏe tâm thần NCT trong gia đình có vấn đề?

Việc nhận biết những dấu hiệu sức khỏe tâm thần của người lớn tuổi cũng không quá khó khăn. Chúng ta cần quan sát nét mặt - khuôn viên thể hiện rõ nhất những bất thường của người lớn tuổi.

Nếu thấy cha mẹ, ông bà vẫn ăn uống bình thường, nói chuyện với con cháu, giúp đỡ việc nhà, tham gia góp ý tư vấn... thì là bình thường.

Nếu quan sát thấy nét mặt của ông bà cha mẹ của chúng ta buồn ủ rũ (y học gọi là khí sắc trầm - mắt, cơ mặt ủ rũ), không muốn ăn, bỏ bữa (nếu không phải do bệnh lý đau răng miệng), không muốn nói chuyện, giờ ngủ thất thường... thì cần lưu ý. Đó là có vấn đề. Lúc này, người thân cần:

Bước 1: Hỏi han ông bà, cha mẹ để biết cốt lõi của vấn đề.

Bước 2: Nếu gia đình không giải quyết được thì cần tư vấn của bác sĩ, chuyên gia. Đôi khi, Nhiều người lớn tuổi đi khám rối loạn trầm cảm nhưng lại có biểu hiện đau thắt ruột, dạ dày, đau thắt ngực, người nhà đưa đi khám dạ dày, ruột... khi đến BV khám mới phát hiện ra trầm cảm.

6. Khi phát hiện ra NCT có những vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, con cháu cần làm gì?

Ở người cao tuổi, nếu tự nhiên xuất hiện dấu hiệu lo lắng căng thẳng, trước tiên con cháu cần tâm tình, nói chuyện với các cụ.

Cũng phải xem trong gia đình, các cụ yêu quý nhóm con cháu nào thì trao đổi, chia nhiệm vụ với nhau gặp gỡ, tâm tình với các cụ. Bằng cách hỏi chuyện như vậy có thể giúp các cụ nói ra những tâm tình khiến họ lo lắng giấu trong lòng.

Thứ hai, người lớn tuổi có thể thay đổi về tính tình, dễ cáu gắt hoặc con cháu hỏi không trả lời, hoặc sảng (thay đổi ý thức, nói linh tinh, không nhận biết mình đang ở nhà mình...). Lúc này, cần đưa ông bà, cha mẹ đến gặp bác sĩ để khám.

BS Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc con cháu nên làm để giúp ông bà, cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, rối loạn lo âu trong mùa dịch - Ảnh 4.

7. Trong mùa dịch, việc bảo vệ người cao tuổi không bị nhiễm Covid rất quan trọng vì đây là đối tượng dễ mắc bệnh. Do đó, NCT thường được cách ly tại nhà, thậm chí 1 số gia đình còn hạn chế NCT tiếp xúc với con cháu. Điều đó vô tình làm tăng những vấn đề về sức khỏe tâm thần của NCT. Vậy con cháu cần làm gì để tránh tình trạng trên trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài?

Người cao tuổi (60 tuổi trở lên), có thói quen sống trong tập thể, chia sẻ với tập thể. Chính vì thế, nhu cầu được giao lưu, nói chuyện rất lớn. Họ rất sợ sự cô lập.

Trong thời gian dịch bệnh, phải hạn chế tiếp xúc, ít được giao lưu đi lại. Có những người bị bắt ở nhà, không cho ra ngoài, trong khi ở nhà con cháu cũng không nói chuyện... thì như thế hơi quá.

Chúng ta phải cân nhắc cái được và mất, phải chú ý đến sự chăm sóc tinh thần cho người cao tuổi, đặc biệt là tạo ra sự yên tâm. Yên tâm ở đây là cần được chia sẻ.

Thời đại 4.0, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để giao tiếp với người ở xa nhưng người lớn tuổi lại hạn chế trong sử dụng các trang thiết bị. Để khắc phục tình trạng này, trong khuôn viên của gia đình cần có sự giao lưu, đặc biệt dành thời gian cho người cao tuổi. Nên đặt ra các quy định cho gia đình, ví dụ như "family hours" (giờ dành cho gia đình) - khi đó không ai dùng điện thoại, cùng nhau xem tivi, thảo luận 1 chủ đề.

Nhiều người lớn tuổi thường tự kỉ, sợ không theo kịp con cháu, đặc biệt trong những gia đình có con cháu hay tỏ thái độ ông bà cha mẹ là người không biết gì... khiến các cụ cảm thấy cách xa các thế hệ khác trong gia đình. Điều này không nên, thay vào đó con cái chia sẻ công việc mình đi làm, xin ý kiến ông bà vì họ có thể có những ý kiến rất hay.

Giờ con cháu đi làm, các cụ cũng có thể tạo ra các nhóm, thiết lập qua các trang thiết bị để kết nối: họp hành, tập thể dục với nhau... hoặc gọi cho nhau qua video call... Như vậy sẽ thấy khoảng cách không còn xa nữa.

BS Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc con cháu nên làm để giúp ông bà, cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, rối loạn lo âu trong mùa dịch - Ảnh 5.

8. Mất ngủ kéo dài liệu có phải biểu hiện của bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu ở NCT không?

Mất ngủ kéo dài cũng là một biểu hiệu của rối loạn lo âu. Tuy nhiên, không phải 100% người mất ngủ kéo dài là bị trầm cảm, rối loạn lo âu bởi những người lo lắng quá cũng có thể dẫn đến mất ngủ. Ngược lại, những người ngủ nhiều, ăn nhiều, không muốn giao tiếp với người khác lại là có dấu hiệu rối loạn lo âu.

Với trường hợp mất ngủ kéo dài thì nên tìm hiểu nguyên nhân mà có thể tìm hiểu được trong gia đình và xử lý trước. Chẳng hạn như: ăn uống điều độ, tránh đồ uống có chất kích thích, ngâm chân ấm, đi bộ thư giãn, chia sẻ với con cháu... Nếu tốt rồi thì thôi, nếu không thay đổi thì nên đến bệnh viện để khám.

9. Người cao tuổi lo lắng thái quá về tình hình dịch bệnh thì con cháu cần làm gì?

NCT đã lo lắng thì có thể lo lắng đủ thứ, về dịch bệnh thì lại lo lắng thái quá. Có người nói: "Tôi cũng biết chẳng giải quyết được việc gì nhưng tôi vẫn thấy lo lắng".

Trong trường hợp này, con cháu nên giải thích cho các cụ hiểu: Nên đọc tin tức ở những kênh truyền thông chính thống nào, định hướng cho ông bà không nên đọc quá nhiều tin về dịch, tin không vui... Nếu đọc, xem quá nhiều sẽ tạo thành vòng xoắn, không làm gì được lại càng lo.

Thứ 2, nên hướng luồng tin để các cụ biết nên làm gì để tự bảo vệ bản thân mình. Con cháu khi về nhà tránh kể chuyện buồn, các cụ sẽ càng lo lắng thêm.

BS Đại học Y Hà Nội chia sẻ việc con cháu nên làm để giúp ông bà, cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, rối loạn lo âu trong mùa dịch - Ảnh 6.