Bóng ma trong gió – Tinh tế như gió thoảng, ám ảnh như một trận cuồng phong

Phúc Logic, Theo Trí Thức Trẻ 00:15 14/10/2016

Không "kèn trống rộn rã" ngày ra rạp, phim kinh dị mới của đạo diễn Babak Anvari - "Bóng ma trong gió" vẫn thừa sự hấp dẫn đối với các tín đồ điện ảnh.

Được đánh giá là một trong những tựa phim đáng xem nhất của LHP Sundance 2016, Under the Shadow (Tựa Việt: Bóng ma trong gió) thu hút khán giả yêu phim bởi ý tưởng kết hợp hai yếu tố tưởng chừng không liên quan đến nhau: Chiến tranh Trung Đông và ma quỷ. Điểm nhấn của phim cũng không nằm ở các chi tiết hù dọa, mà là nỗi sợ tâm lý được xây dựng chặt chẽ và xuyên suốt.

Bóng ma trong gió – Tinh tế như gió thoảng, ám ảnh như một trận cuồng phong - Ảnh 1.

Lấy mốc thời gian cuộc chiến hậu cách mạng diễn ra tại thủ đô Tehran của Iran vào thập niên 1980, hai nhân vật chính của phim thuộc về một gia đình trẻ gồm ba thành viên. Sau khi người bố phải tòng quân theo chỉ thị, người vợ Shideh (Narges Rashidi) và cô con gái nhỏ Dorsa (Avin Manshadi) phải cố thủ cùng những người láng giềng tại khu chung cư của họ, bởi quân địch có thể rải bom bất cứ lúc nào. Lần nọ, con búp bê yêu thích của bé Dorsa bỗng dưng biến mất, kéo theo đó là hàng loạt những sự kiện bất thường đậm màu sắc siêu nhiên. Dù không muốn tin, nhưng người mẹ Shideh đã bị thuyết phục rằng con gái mình đang bị tấn công bởi Djinn – Những ác ma ẩn mình trong gió vô cùng tàn ác.

Nói thêm về những kẻ "phản diện", thì phim không phải lần đầu các Djinn được giới thiệu đến khán giả quốc tế. Vốn là những thực thể kỳ bí trong thần thoại Ả Rập, Djinn (hay Jinn) còn có tên gọi khác thân quen hơn tại Việt Nam là "thần đèn". Vị thần đèn da xanh đáng yêu trong phim hoạt hình Aladdin, trong truyện kể gốc vốn đề cập rằng ông ta là ác ma, chỉ vì bị giam trong cây đèn nên mới phải cho người phàm ba điều ước. Xét riêng ở mảng phim kinh dị, Djinn từng xuất hiện trong loạt phim hạng B nổi tiếng Wishmaster, với hình dáng gớm ghiếc như ác quỷ.

Bóng ma trong gió – Tinh tế như gió thoảng, ám ảnh như một trận cuồng phong - Ảnh 2.

Djinn trong loạt phim "Wishmaster"

Còn trong Under the Shadow, họ là những bóng ma vô hình, độc ác và lôi kéo con người vào sâu trong bóng tối. Con người chỉ có thể nghe chứ không thấy được họ, chỉ có thể trốn chạy chứ làm sao đánh tay đôi được với một cơn gió! Chính thế, bọn chúng đáng sợ hơn bất kỳ loài quái vật hữu hình khác, mỗi tiếng gió rít lên có thể là tiếng thở báo hiệu các Djinn đang lao thẳng vào cắn xé con mồi.

Việc khiến bọn quỷ này hiện hữu thông qua âm thanh thay vì hình ảnh không chỉ bởi dụng ý tiết kiệm kinh phí, mà còn bởi Babak Avandi nắm bắt được nỗi sợ hoang sơ nhất của loài người: "Chúng ta sợ những gì chúng ta không nhìn thấy được". Khá thú vị khi đặc tính này lại tương đối giống với loài chồn gió Kamaitachi – loài yêu quái nguy hiểm luôn ẩn mình trong gió của cổ tích Nhật Bản.

Bóng ma trong gió – Tinh tế như gió thoảng, ám ảnh như một trận cuồng phong - Ảnh 3.

Các bóng ma trong gió vô hình nhưng cùng vô cùng đáng sợ

Ngay từ những phút mở đầu, Under the Shadow đã thể hiện rõ đẳng cấp của mình bằng những thước phim đậm màu sắc chính trị và rất chân thật. Một trong những điểm khác biệt giữa một tác phẩm điện ảnh chỉn chu và các sản phẩm "mì ăn liền" chính là ở việc tác phẩm chỉn chu ấy xây dựng được một thế giới trong phim đáng tin và có thể khiến người xem đồng cảm.

Under the Shadow đã thực hiện rất tốt điều này, thông qua chuỗi mâu thuẫn của những nhân vật chính. Do từng tham gia tuyên truyền phản động chống phá nhà nước, cánh cửa Trường Đại học Y đã đóng lại với Shideh mãi mãi. Nhân vật luôn được đặc tả là rất cứng đầu và có dấu hiệu của bệnh hoang tưởng. Trong nhiều phân đoạn, thứ khiến người xem thót tim không phải các Djinn vô hình, mà chính là những biểu cảm khó lường vô cùng rợn gáy của cô vợ trẻ.

Có thể thấy Under the Shadow không đặt nặng việc hù ma theo phong cách "jump scare" như những Insidious, The Conjuring… mà liên tục xáo trộn nỗi bất an của người xem bằng một kịch bản chặt chẽ và nhiều tầng lớp. Trước khi mặt đối mặt với các "bóng ma trong gió", chỉ yếu tố chiến tranh cũng đã đủ tạo kịch tính liên hoàn. Chiến tranh vốn là đề tài thường được nghĩ đến khi đề cập đến những bộ phim lấy bối cảnh Trung Đông, nhưng việc thêm thắt yếu tố kinh dị càng khiến Under the Shadow trở nên độc đáo.

Bóng ma trong gió – Tinh tế như gió thoảng, ám ảnh như một trận cuồng phong - Ảnh 4.

Nỗi lo sợ trong chiến tranh cũng là yếu tố rợn gáy của phim

Hình ảnh những gia đình phải chào hỏi nhau trong hầm chống bom với nét u buồn khó tả, hay chạy trối chết khi một quả tên lửa đâm thủng tầng thượng của tòa nhà là những thước phim tạo ám ảnh thị giác vô cùng đắt giá. Sinh ra và trưởng thành tại chính Tehran, Avandi từng thành thật bày tỏ rằng chất liệu làm nên phim phần lớn được lấy từ những trải nghiệm thời thơ ấu của chính anh, một số ký ức đến giờ nhắc lại vẫn khiến đạo diễn rùng mình. Sự sợ hãi cứ thế bắt rễ từ những căng thẳng tâm lý được cài cắm rải rác, và cũng như các Djinn, nó nhẹ tựa cơn gió nhưng khi đã cảm nhận được thì khán giả cứng cựa nhất cũng phải toát mồ hôi.

Tất nhiên, phim vẫn có những điểm trừ nho nhỏ, chủ yếu xoay quanh sự cứng đầu đến vô lý của cô vợ. Chuộng lối sống phương Tây, Shideh không tiếc lời đôi co cùng chồng mình, đồng thời luôn quả quyết là không có ma, dẫu mười mươi là con cô sắp bị bắt đến nơi rồi. Trong phim có một phân đoạn khi người chồng gọi điện và nài nỉ cô cùng con gái hãy về nhà mẹ chồng trú cho an toàn, nhưng Shideh kịch liệt phản đối chỉ vì… không hợp với nhà đó. Thiết nghĩ nếu cô chịu nghe lời chồng ngay từ đầu, thì có khi bọn Djinn kia chỉ còn biết "chơi với dế".

Bóng ma trong gió – Tinh tế như gió thoảng, ám ảnh như một trận cuồng phong - Ảnh 5.

Sự cứng đầu của nữ chính là điểm trừ của phim

Nếu những phim kinh dị thị trường thường được ví như một "nồi lẩu thập cẩm hoành tráng", thì Under the Shadow chính là một món ăn tinh tế, liên tục kích thích giác quan và thể hiện được kỹ năng chuyên nghiệp của người "đầu bếp". Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho nền điện ảnh Trung Đông, khi đã có những sự tươi mới, chứ không có cố trụ theo những lề thói làm phim xưa cũ nữa.