Bóng đá Việt Nam có nhớ Toshiya Miura?

Tiêu Dao, Theo Trí Thức Trẻ 16:18 11/09/2017

VFF liệu có tính đến phương án mời lại HLV người Nhật Bản, khi đang lên kế hoạch tìm người ngồi vào ghế nóng của đội tuyển quốc gia.

Đầu năm 2016, HLV Miura bị VFF sa thải sau màn trình diễn không mấy ấn tượng của đội trẻ Việt Nam tại VCK U23 châu Á. Đó như một cái kết báo trước sau một thời gian dài HLV người Nhật nhận chỉ trích của bộ phận không nhỏ người hâm mộ, lẫn các quan chức của bóng đá nước nhà.

Giữa muôn vàn lý do, cái lý do quan trọng nhất khiến Miura mất điểm là lối chơi thiên về khoa học, đến mức nhàm chán và việc ông không sử dụng quân của Hoàng Anh Gia Lai, như Công Phượng hay Tuấn Anh. Cái "tội" của Miura là không biết "chiều lòng" khán giả, mặc cho ông đã mang lại những thành công mang tính lịch sử cho bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam có nhớ Toshiya Miura? - Ảnh 1.

Dấu ấn của ông thầy người Nhật trong dáng vẻ thư sinh để lại cho bóng đá Việt Nam rõ rệt, với thành tích: vào vòng 1/8 Asiad 17, vào bán kết AFF Cup 2014 và lần đầu tiên Việt Nam có mặt ở VCK U23 châu Á. Những triết lý bóng đá của người Nhật sau 20 năm học hỏi bóng đá Brazil và Đức đã được ông Miura áp dụng tại Việt Nam.

Công của Miura là áp dụng tư duy chơi bóng hiện đại cho các cầu thủ Việt Nam. Bóng đá ngày nay không phải là sân khấu của những cá nhân ham biểu diễn kỹ thuật và thích rê dắt. Triết lý này được ông thổ lộ trong một bài phỏng vấn trên báo Nhật: "Đặc trưng của cầu thủ ở Đông Nam Á có lẽ là ghét chạy, ghét phòng ngự. Những cầu thủ giỏi ở đây cũng chỉ giống như cầu thủ giỏi ở Nhật Bản 30 năm trước, chỉ giỏi khi giữ bóng. Với bóng đá chuyên nghiệp, điều này là tối kỵ". 

Đó là lý do Miura rất ít khi tin dùng Công Phượng, cầu thủ bị chỉ trích rất nhiều ở thời Hữu Thắng vì chơi bóng cá nhân, không phối hợp với đồng đội. Công Phượng, muốn góp mặt vào đội hình chính, trước hết phải điều chỉnh lối chơi phù hợp với tập thể. 

"Bóng đá là môn thể thao của tập thể" là triết lý được HLV Miura quán triệt. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà các CĐV Việt Nam muốn thấy khi đội tuyển quốc gia có một người Nhật dẫn dắt.

Bóng đá Việt Nam có nhớ Toshiya Miura? - Ảnh 2.

Việt Nam không có danh hiệu nào dưới thời Miura nhưng bộ mặt của các đội tuyển đã thay đổi, với sự chuyên nghiệp và gắn kết hơn. 

Hơn 1 năm rưỡi trôi qua kể từ ngày HLV Hữu Thắng thế chỗ đồng nghiệp người Nhật Bản. Quân của HAGL được trọng dụng. Công Phượng là hạt nhân trong lối chơi của đội tuyển quốc gia lẫn U22 Việt Nam. Vào cái năm mà giới chuyên môn xem Việt Nam có lứa cầu thủ trẻ nổi bật nhất khu vực, thì U22 Việt Nam lại bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games.

"Myanmar lì lợm đấy. Indonesia thật khó chịu. Còn Việt Nam ư? Chỉ là trận đấu dễ dàng", người Thái đã nói như thế về các đối thủ trên hành trình họ bước lên ngôi vô địch.

Tâm lý thi đấu, thể lực và "cái đầu lạnh"  trong những trận đấu quan trọng là điều thiếu sót của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm. Điều đó được cải thiện đáng kể dưới triều đại của HLV Miura. Nếu vẫn còn được tin dùng, ông thầy người Nhật có thể tạo ra những sự thay đổi tích cực, ở mặt nền tảng và có thể rất khó nhận thấy, không giống như danh hiệu hay lối chơi ở một giải đấu đơn thuần. Đó mới là điều đang cần của bóng đá Việt Nam, vốn chỉ loay hoay với việc lợp nhà từ mái.

Nhưng tiếc là ông đã bị lật ghế bởi những thứ xa vời mà người ta áp đặt.

VFF đang tìm thầy ngoại để ngồi lên ghế nóng đội tuyển. Giờ đây, liệu còn ai nhớ đến Miura?