Bóng đá thời Covid-19: Nhà giàu lao đao, người nghèo hưởng lợi

THANH ĐÌNH (SPORT5), Theo Trí Thức Trẻ 16:08 18/03/2020
Chia sẻ

Các giải đấu bị hoãn vì Covid-19 và nhiều đội bóng hạng trên ở Anh đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Nhưng thật ngạc nhiên, các CLB bán chuyên vẫn sống. Thậm chí sống rất tốt trong những ngày này.

Euro 2020 trở thành Euro 2021, Premier League cùng với các giải đấu hàng đầu châu Âu bị hoãn vì Covid-19. Cầu thủ tập luyện ở nhà còn các sân vận động đóng cửa. Old Trafford của MU hay Etihad của Man City đều nằm im lìm, khác hẳn vẻ sôi động mỗi dịp cuối tuần.

Nhưng cách đó khoảng 16 cây số, sân Broadhurst Park lại nhộn nhịp khác thường. Hai cửa hàng thực phẩm cung cấp xúc xích, bánh nướng, café, chocolate và khoai tây chiên hoạt động hết công suất. Trời mưa khiến sân ẩm ướt và lầy lội, đồng thời những đoạn đường mới được đổ cát hằn lên những rãnh lớn. Song không ai cảm thấy phiền lòng. Đoàn cổ động viên vẫn kéo về mỗi lúc một nhiều.

Broadhurst Park là sân của FC United of Manchester, được thành lập năm 2005 bởi những người hâm mộ MU phản đối nhà Glazer. Sau 15 năm, họ leo lên được hạng 7 trong hệ thống bóng đá Anh.

Bóng đá thời Covid-19: Nhà giàu lao đao, người nghèo hưởng lợi - Ảnh 1.

Quang cảnh trong sân Broadhurst Park của FC United.

Dĩ nhiên FC United không có các ngôi sao cỡ bự giá trị hàng chục triệu bảng như Paul Pogba hay Bruno Fernandes. Các cầu thủ của họ chỉ là dân bán chuyên, tập luyện 2 lần mỗi tuần và làm những công việc khác để mưu sinh. Họ có thể là sinh viên, lính cứu hỏa, thợ nề hoặc giáo viên thể dục.

Khi trận đấu bắt đầu, thay vì ra ngoài và khởi động trong tiếng hò reo, các cầu thủ phải dọn dẹp lại sân bãi, ngồi trên vai nhau để buộc lưới cầu môn hay khệ nệ bê thùng nước uống. Tuy vậy, ngay sau tiếng còi khai cuộc, họ cung cấp cho các khán giả những màn trình diễn máu lửa không kém gì những trận Premier League. Nhất là vào những ngày này, khi trên khán đài chật ních CĐV.

Thường thì các trận đấu của FC United hay mọi đội khác ở giải hạng 7 chỉ thu hút khoảng 300 khán giả. Vào những ngày này, nó tăng lên hơn 400, thậm chí nhiều hơn. Ngồi trên khán đài, ngoài các CĐV ruột còn có những người mặc áo MU, Man City hay Chelsea, Wolves.

Vào thứ Tư, ngày 18/03, ở Anh đã có gần 2.000 người nhiễm Covid-19, trong đó 71 người thiệt mạng. Sự bùng phát của virus corona buộc Premier League và các giải đấu thuộc quản lý của EFL gồm Championship (tương đương giải hạng 2), League One (hạng 3), League Two (hạng 4) phải tạm dừng. Những người yêu bóng đá ở xứ sương mù, với thói quen đến sân để thưởng thức các trận đấu vào cuối tuần đã hình thành cả trăm năm nay, bỗng hẫng hụt.

Bóng đá thời Covid-19: Nhà giàu lao đao, người nghèo hưởng lợi - Ảnh 2.

Một trận đấu của Radcliffe ở giải hạng 7, trân mặt sân lầy lội bùn đất.

Tuy nhiên các giải đấu cấp thấp, ví dụ như hạng bán chuyên vẫn diễn ra. Vì vậy, người hâm mộ đổ tới các sân vận động của những đội bán chuyên để có thể đắm mình trong mỗi pha bóng, để hò reo, lo âu hay phấn khích suốt 90 phút.

"Tôi là fan của Wolves", Gary, người đến sân cùng con trai nói với ESPN, "Nhưng xem các trận đấu ở đây cũng thật tuyệt vời. Chỉ cần 9 bảng là có thể vào, sau đó uống bia và xem trận đấu. Virus corona đã phá hủy nhiều thứ, nhưng ở đây bóng đá vẫn diễn ra, chứ không tôi không biết phải làm gì trong vài tuần tới".

Sir Patrick Vallance, cố vấn khoa học của chính phủ Anh từng tuyên bố vào tuần trước, rằng "không có bằng chứng chắc chắn nào về việc gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở đám đông tham dự các sự kiện thể thao". Mặc dù vậy, trước tình hình bùng phát, Anh quốc vẫn khuyến cáo không nên tổ chức các sự kiện quá 500 người. Mà ở các trận đấu ở giải hạng dưới thường không nhiều đến vậy. Chỉ 400 người đã khiến các CLB hạnh phúc.

Thứ Bảy trước đã có 480 người chứng kiến trận đấu của Radcliffe, một đội cũng thuộc hạng 7 như FC United. Con số này nhiều hơn bất cứ trận nào khác của họ trong 1 năm qua, với trung bình chỉ 360 người tham dự, giúp thu nhập tăng thêm hơn 1.000 bảng.

Bóng đá thời Covid-19: Nhà giàu lao đao, người nghèo hưởng lợi - Ảnh 3.

Ở các sân thuộc giải hạng 7, đôi khi không có khán đài và CĐV đứng xem sau bức tường gạch.

Với các đội bóng thuộc Premier League hay EFL, số tiền 1.000 bảng chả thấm vào đâu. Nhưng với FC United hay Radcliffe, nó thậm chí cải thiện vận mệnh đội bóng.

Không cầu thủ nào chơi ở giải bán chuyên hoặc nghiệp dư với mong muốn cải thiện thu nhập. Nhưng các CLB vẫn cần tiền để tồn tại. Eddie McNamee, Chủ tịch đội Whitby Town, cho biết: "Không CLB nào có thể duy trì mà không có thu nhập từ trận đấu. Ít nhất chúng tôi cần trả lương cho cầu thủ. Tuy chỉ 200-300 bảng mỗi tuần nhưng có đến 20 cầu thủ trong đội".

Việc khán giả đến sân nhiều hơn, họ có thể tăng doanh thu từ bán vé và đồ ăn thức uống, đồ lưu niệm trong sân. Ngoài ra còn có những hình thức kiếm tiền khác. Ví dụ như khi trận đấu đang diễn ra, một nhân viên của Radcliffe sẽ cầm cái xô nhựa đi khắp khán đài, kêu gọi và thu nhận những đồng tiền xu ủng hộ cho quỹ phát triển sân vận động.

Đó là lý do trong khi nhiều đội ở Championship hay League One đối mặt với nguy cơ phá sản vì giải đấu bị hoãn nhưng vẫn phải trả lương và thuế, các CLB bán chuyên vẫn sống khỏe. Thậm chí còn tốt hơn.

Mặc dù vậy vì Covid-19 vẫn hoành hành và mọi thứ có thể thay đổi hàng ngày, không biết những trận như vậy còn có thể tiếp tục diễn ra.

Bóng đá thời Covid-19: Nhà giàu lao đao, người nghèo hưởng lợi - Ảnh 4.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày