Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Gói 30.000 tỷ hỗ trợ 12,8 triệu lao động "chắc chắn hoàn thành"

LUÂN DŨNG (thực hiện), Theo Tiền phong 08:53 29/09/2021
Chia sẻ

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, ngoài quyết tâm giảm ít nhất một nửa thời gian, việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho 12,8 triệu lao động "chắc chắn sẽ hoàn thành theo kế hoạch".

Theo Bộ trưởng, việc thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người lao động lần này liệu có dễ dàng và thuận lợi hơn những lần trước không?

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Gói 30.000 tỷ hỗ trợ 12,8 triệu lao động chắc chắn hoàn thành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Quả thực là không dễ. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này cũng thuận lợi vì đã có cơ sở dữ liệu tương đối tốt. Theo báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết vừa được ban hành, sẽ cố gắng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng theo các mức Chính phủ đề xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là vấn đề thời gian thực hiện. Dự kiến, chúng tôi được giao thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian ba tháng (từ 1/10 đến 31/12) phải hỗ trợ xong cho 12,8 triệu lao động. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH sẽ cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện xuống chỉ còn tối đa 45 ngày.

Ông vừa nói thực hiện chính sách này không dễ, nhưng vì sao lại rút ngắn thời gian như vậy?

Khó thì rất khó, nhưng cái khó của người lao động, cái thiếu thốn, cái khổ của người lao động còn lớn hơn rất nhiều cái khó của chúng ta… Chúng ta phải lựa chọn ưu tiên cho người lao động trước… Do các quỹ bảo hiểm hoạt động hiệu quả, có tích lũy, chúng ta đã quyết định được hai chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, Nghị quyết 03 của Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 116 của Chính phủ đã dành tổng cộng tới 38.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động (30.000 tỷ đồng) và người sử dụng lao động (8.000 tỷ đồng). Đây là quyết định chưa có tiền lệ.

Ðúng 1/10 "bấm nút" chuyển tiền

Vậy gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện thế nào cho hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra?

Để thực hiện chủ trương này, chúng tôi sẽ chia ra thành ba nhóm đối tượng. Thứ nhất, trên cơ sở dữ liệu của 12,8 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm và người bảo lưu, xem ai đã có tài khoản cá nhân. Qua đó, bắt đầu từ ngày 1/10, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp tài khoản cá nhân của từng người. Trên cơ sở đó, cơ quan bảo hiểm sẽ gửi thẳng tiền hỗ trợ vào tài khoản theo định mức từng người được hưởng. Như vậy, nhóm thứ nhất sẽ gửi tiền hỗ trợ đến thẳng tài khoản cá nhân của từng người.

Nhóm thứ hai, với những người chưa có tài khoản cá nhân mà có nhu cầu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ phối hợp với bốn ngân hàng thương mại lớn, mở tài khoản cho người lao động và sẽ chuyển thẳng tiền vào đó. Còn đối tượng thứ ba, người ta không có nhu cầu, cũng không muốn mở tài khoản thì lúc đó sẽ phải thông qua doanh nghiệp. Nghĩa là tôi sẽ chuyển tiền hỗ trợ đó cho doanh nghiệp và họ có trách nhiệm chuyển tiền trực tiếp cho người lao động.

"Tinh thần là sẽ cố gắng rút rất ngắn thời gian, và cố gắng làm sao chuyển tiền qua tài khoản cho người lao động, đi liền với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát".

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Đến thời điểm này, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đúng ngày 1/10, khi quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, sẽ tiến hành ngay. Từ nay đến lúc đó, BHXH Việt Nam được giao chuẩn bị toàn bộ cơ sở dữ liệu, phân loại thế nào đấy để đúng đến ngày 1/10 là có thể "bấm nút" chuyển tiền được ngay cho người lao động.

Ông có tin tưởng lần hỗ trợ này sẽ hoàn thành theo kế hoạch?

Tôi chắc chắn sẽ hoàn thành.

Cảm ơn ông!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày