Bỏ hơn 100 món đồ trước khi chuyển nhà, tôi nhận ra 3 bí quyết "dễ như ăn kẹo" để bắt đầu chi tiêu thông minh hơn

AMT, Theo Phụ Nữ Mới 16:16 07/12/2023

Nếu bạn vẫn băn khoăn liệu mình có đang chi tiêu thông minh hay không, hãy thử chuyển nhà đi, chắc chắn bạn sẽ tìm được câu trả lời.

Tôi khá chắc hành trình bén duyên với lối sống tối giản của nhiều người đều bắt đầu từ một sự kiện tốn nhiều tiền bạc, tâm sức - không gì khác, chính là chuyển chỗ ở. Và chỉ có chuyển chỗ ở thì bạn mới thấy được sự thật rằng: Bạn đã chi tiêu thông minh hay chưa?

Là một cô nàng còn độc thân, sống một mình cùng "người bạn 4 chân" trong căn hộ 1 khách 1 ngủ, tôi luôn tin rằng mình đã sống tối giản lắm rồi. Sự tự tin này một phần đến từ thói quen dọn nhà 2 lần/tuần của tôi. Nhà cửa luôn gọn gàng, thoáng mát khiến tôi có cảm giác mình cũng chẳng nhiều đồ cho lắm. Nhưng đó thực sự chỉ là cảm giác thôi.

1 tháng trước khi chuyển nhà, tôi đã bắt đầu "bới móc" từng ngóc ngách nhỏ trong căn hộ hiện tại và tự cảm thấy hoảng hốt. Bên cung cấp dịch vụ chuyển nhà có tới xem trước và nói với tôi rằng với số lượng đồ đạc như hiện tại, một chiếc xe tải 1,2 tấn mới chở được hết đồ của tôi trong 1 lần.

Bỏ hơn 100 món đồ trước khi chuyển nhà, tôi nhận ra 3 bí quyết dễ như ăn kẹo để bắt đầu chi tiêu thông minh hơn - Ảnh 1.

Đây chỉ là 1/3 chỗ đồ của tôi cần chuyển trong lần chuyển nhà trước

Nghĩ lại những lần chuyển nhà trước đây, tôi chợt nhận ra càng ngày khối lượng đồ của tôi càng nhiều thêm dù vẫn chỉ có 1 người, 1 cún chứ không có thêm ai. Vậy nên lần chuyển nhà này, tôi quyết tâm không đi vào vết xe đổ "tiền thuê dịch vụ chuyển nhà đắt hơn cả tiền thuê nhà 1 tháng" nữa.

Tôi đã bỏ đi hơn 100 món đồ chỉ trong vòng 10 ngày. Với tôi, sách - quần áo - nến thơm chính là những thứ tốn nhiều không gian, tiền bạc của tôi nhất. Giờ thì tôi sẽ chia sẻ cụ thể những cách tôi đã làm để tối giản khối lượng đồ đạc của mình.

1. Phân chia từng nhóm đồ theo nhu cầu sử dụng

Dù sở thích hoặc thói quen ăn mặc, đầu tư cho không gian sống của bạn có là gì đi nữa, chắc chắn sẽ luôn có những món đồ đang hiện diện ở thì hiện tại nhưng việc sử dụng lại ở thì tương lai nào đó xa lắm. "Kiểu gì cũng có lúc dùng tới" chính là câu miêu tả chính xác nhất cho những món đồ... chẳng bao giờ được sử dụng.

Thế nên khi bắt đồng công cuộc tối giản đồ đạc, việc phân chia từng nhóm đồ theo nhu cầu sử dụng là vô cùng thiết thực.

Với quần áo, tôi sẽ chia ra những món đồ tôi thường mặc hàng ngày, rồi tới hàng tuần/hàng tháng và những món đồ "cứ để đó, kiểu gì cũng có lúc mặc" - chính là những món đồ mà tôi không thể nhớ nổi lần gần nhất mình mặc chúng là khi nào.

Bỏ hơn 100 món đồ trước khi chuyển nhà, tôi nhận ra 3 bí quyết dễ như ăn kẹo để bắt đầu chi tiêu thông minh hơn - Ảnh 2.

Tương tự nến thơm và sách. Có những cuốn tôi đã đọc và giữ lại với suy nghĩ "mình sẽ đọc lại vào lúc nào đó" nhưng thực ra là chẳng bao giờ. Có những cuốn sách tôi chưa đọc và giữ lại với suy nghĩ "rồi mình sẽ đọc", nhưng sự thật là nó đã nằm đó gần nửa thập kỷ mà tôi còn chưa lật được quá trang thứ 3.

Sau khi sắp xếp các nhóm đồ theo nhu cầu sử dụng, tôi chỉ giữ lại những bộ quần áo mà bản thân mặc hàng ngày, hàng tuần/tháng; những cuốn sách mà tôi thường xuyên phải tra cứu để phục vụ công việc hoặc sách "quý" được bạn bè tặng; những hũ nến thơm mà tôi đốt hàng tuần. Tôi chỉ thường xuyên đốt 5 hũ trong tổng 50 hũ nến thơm mà tôi có mà thôi.

2. Nói không với những món đồ chỉ để trang trí mà không có tính sử dụng cao

Nếu bạn thắc mắc như thế nào được coi là một món đồ "chỉ để trang trí", hãy nghĩ về chiếc đồng hồ chạy bằng pin mà bạn đặt ở đầu giường, treo trên tường phòng khách thử xem. Chúng ta có thật sự cần phải có đồng hồ trong nhà chỉ để dậy đúng giờ, hoặc biết giờ giấc hay không? Với tôi, câu trả lời là không vì tôi đặt báo thức và xem giờ bằng điện thoại.

Thậm chí khi dọn đồ để chuẩn bị chuyển nhà, tôi mới nhận ra mình có tới, 2 chiếc đèn ngủ, 2 bàn chải điện, 6 gối nhỏ để ở sofa. Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại đầu tư nhiều món đồ không có tính sử dụng mà chỉ để trang trí như vậy.

Bỏ hơn 100 món đồ trước khi chuyển nhà, tôi nhận ra 3 bí quyết dễ như ăn kẹo để bắt đầu chi tiêu thông minh hơn - Ảnh 3.

3. Đem tặng hoặc bán lại những món đồ không còn sử dụng trên chợ đồ cũ

Tùy vào độ mới của từng món đồ mà tôi đã bán chúng với mức giá bằng một nửa hoặc 1/3 so với giá mua mới. "Cũ người mới ta", đồ mình không dùng nữa nhưng vẫn còn đủ mới, đủ tốt để sử dụng, đều có thể đăng bán được.

Tôi đã tặng 10 chiếc áo len, 45 cuốn sách cho CLB tình nguyện ở trường Đại học mà tôi từng theo học; cho bạn 3 chiếc gối sofa, đèn ngủ, đèn đọc sách; và đăng bán lại 45 hũ nến với mức giá 150k/hũ. So với giá mua mới khoảng 350k/hũ, tôi có phần "lỗ". Nhưng vì tôi muốn bánh thật nhanh để còn chuyển nhà, chịu lỗ một chút cũng chẳng sao, còn hơn phải tốn bội tiền để vận chuyển những món đồ mình chẳng dùng sang nhà mới, và tiếp tục lưu cữu chúng.

Bỏ hơn 100 món đồ trước khi chuyển nhà, tôi nhận ra 3 bí quyết dễ như ăn kẹo để bắt đầu chi tiêu thông minh hơn - Ảnh 4.

Sau khi "bỏ đi" 103 món đồ, tôi có thể tự đóng số đồ đạc cần chuyển và chỉ cần thuê xe chở đồ từ nhà cũ sang nhà mới, thay vì thuê dịch vụ chuyển nhà trọn gói như xưa. Sau lần chuyển nhà này, tôi mới nhận ra xưa nay, mình giỏi tích trữ đồ chứ chẳng hề biết sống tối giản chút nào.

Thế nên nếu còn chưa chắc bản thân liệu đã chi tiêu thông minh hay chưa, chí ít hãy thử nghĩ về việc sẽ chuyển chỗ ở mà xem. Khi chưa tự tin mình có thể chuyển đồ mà không cần tới dịch vụ hỗ trợ trọn gói, có lẽ, khoảng cách giữa bạn với lối sống tối giản vẫn còn khá xa đấy!