Nội dung trên được Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu trong báo cáo thẩm tra dự Luật Quảng cáo sửa đổi trình Quốc hội khoá XV thảo luận trong khuôn khổ Kỳ họp 9, diễn ra sáng nay (10/5).
Theo dự thảo luật, người tham gia quảng cáo có trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời phải cung cấp thông tin chính xác về tính năng, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi quảng cáo. Trường hợp nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng quy định, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu sáng nay. (Ảnh: Quochoi.vn)
Dự luật lần đầu đưa ra định nghĩa chính thức về "người có ảnh hưởng", gồm chuyên gia, người có uy tín hoặc cá nhân được xã hội quan tâm trong các lĩnh vực cụ thể. Khi quảng cáo, những người này phải kiểm chứng độ tin cậy và xem xét tài liệu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; đồng thời có nghĩa vụ thông báo rõ với người tiêu dùng rằng mình đang thực hiện quảng cáo.
So với trước đây, dự thảo lần này đã bỏ quy định người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo, vì tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Giải thích về việc áp dụng một số nghĩa vụ riêng biệt với người nổi tiếng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đây là nhóm người có lượng lớn người theo dõi và tin tưởng, lời nói, hành động của họ tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Quy định như dự thảo sẽ buộc người nổi tiếng phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn đối tác quảng cáo, tránh tiếp tay cho hành vi quảng cáo gian dối.
Về chế tài xử lý đối với người có ảnh hưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác theo góp ý của đại biểu.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng nói thêm, dự luật bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện. Thay vào đó, dự luật quy định chung về nghĩa vụ, trách nhiệm của người có ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo đối với các loại hàng hóa.
Với ý kiến đề nghị rà soát các yêu cầu với nội dung quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã chỉ đạo rà soát Điều 19 dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu đối với nội dung quảng cáo phải trung thực, đầy đủ, chính xác, rõ ràng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tránh tình trạng quảng cáo chất lượng nhưng thực tế sản phẩm không như quảng cáo.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Quochoi.vn)
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quy định chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này chưa phù hợp với trường hợp chuyển tải các sản phẩm quảng cáo không đúng, nhất là đối với quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Vì thế, dự thảo Luật đã chỉnh sửa thành "chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này".
Dự án Luật Quảng cáo sửa đổi dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11/6.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình từng nhận định với sự phát triển của mạng xã hội, tình trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng ngày càng phổ biến, đòi hỏi khung pháp lý chặt chẽ hơn.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ) đã phối hợp ban hành các bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho người hoạt động nghệ thuật, nhằm siết chặt và nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong quảng cáo trực tuyến.
Cơ quan quản lý đề xuất tăng chế tài xử phạt, có thể cấm người nổi tiếng tham gia quảng cáo nếu vi phạm, đặc biệt trong các trường hợp quảng cáo sai sự thật. Họ cũng có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật và xuất hiện trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội.