Chiều 10/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Ân - Chủ tịch UBND TX. Bến Cát (Bình Dương) cho biết, trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, địa phương đã quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ 15 ngày, bắt đầu từ hôm nay.
Ngay sau khi có quyết định, các phường trên địa bàn TX. Bến Cát đã gửi thông báo đến người dân về việc thực hiện quy định phòng, chống dịch COVID-19. Theo thông báo, người nào ra đường trong trường hợp không cần thiết; giao tiếp trong phạm vi dưới 2m; không đeo hoặc quên đeo khẩu trang... đều bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng; tụ tập từ 3 người trở lên bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 đến 40 triệu đồng đối với tổ chức; vẫn tiếp tục kinh doanh ăn uống mang về bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với cá nhân và từ 20 đến 40 triệu đồng với tổ chức.
Bình Dương lấy mẫu xét nghiệm toàn dân để tìm F0
Nhự vậy, hiện Bình Dương ngoài thị xã Bến Cát còn có 4 địa phương khác, gồm: TP. Thủ Dầu Một; TP. Thuận An; TP. Dĩ An và TX. Tân Uyên thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Bình Dương hiện có 1.126 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 ca tử vong. Bình Dương xét nghiệm đồng loạt người dân để tìm F0.
Hôm nay, TP. Thủ Dầu Một đã ra quân lấy mẫu xét nghiệm cho người dân toàn thành phố. Trong ngày, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại các phường Phú Tân, Phú Hòa và Hòa Phú. Ngoài lực lượng chuyên trách, Thành đoàn TP. Thủ Dầu Một đã cử 150 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Ngày 10/7, TP. Thủ Dầu Một ra quân lấy mẫu xét nghiệm người dân toàn thành phố
Có 150 tình nguyện viên được Thành đoàn Thủ Dầu Một cử đến hỗ trợ lực lượng
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Dương tiếp tục tuyển 1.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia Đội thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đề nghị các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 2601/VPCP-KGVX về việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, quy định rõ, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình được tiếp tục hoạt động, bao gồm:
Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng. Cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng dầu; điện; nước; nhiên liệu... Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, như: công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm... Chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...
Quy định dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Quy định cũng nêu rõ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp, như: Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định và khuyến cáo của cơ quan y tế.
Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp. Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung đông người lao động. Tổ chức quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động.
Yêu cầu của Chỉ thị số 16, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,...