Đừng thấy F1 được cách ly tại nhà mà mừng: Điều này đồng nghĩa với y tế quá tải

Ngọc Anh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 15:03 10/07/2021

Khi F1 cách ly tại nhà nếu thêm F0 theo dõi tại nhà thì lúc đó hệ thống y tế đã quá tải không thể điều trị cho người bệnh và bạn nên "run sợ" hơn là mừng vì Việt Nam sẽ làm giống phương Tây.

Đừng thấy F1 được cách ly tại nhà mà mừng: Điều này đồng nghĩa với y tế quá tải - Ảnh 1.

4 lần vào tâm dịch Covid-19, Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa A9, BV Bạch Mai cho biết, ngày nào trong nhóm "F0 không triệu chứng" chiếm gần 60% bệnh nhân ấy cũng có người tiến triển nặng lên và phải chuyển đi, chưa kể suy hô hấp "diễn tiến trong thầm lặng" là thứ "kinh hãi" nhất trong cuộc đời những người làm bác sĩ.

Trong các khu bệnh viện dã chiến, các bác sĩ như bác sĩ Hùng chỉ hướng dẫn đội nhân viên y tế cách phát hiện các dấu hiệu nặng để phát hiện kịp thời và chuyển đi kịp thời. Tuy nhiên, chỉ phát hiện bệnh nhân nào có dấu hiệu nặng để chuyển đi thôi bác sĩ cũng đủ "hụt hơi".

Vì vậy, bác sĩ Hùng khuyến cáo cộng đồng, nếu thấy F1 được quyết định cách ly tại nhà. Thay vì nói rằng nên cách ly F1 tại nhà như phương Tây mới đúng thì hãy run sợ. Vì điều này đồng nghĩa với y tế đã và đang quá tải không còn đủ chỗ để cách ly tập trung nữa và chấp nhận để người nguy cơ tự giám sát ở nhà.

Đừng thấy F1 được cách ly tại nhà mà mừng: Điều này đồng nghĩa với y tế quá tải - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM

Nếu thấy F0 được quyết định cho theo dõi ở nhà. Thay vì có suy nghĩ F0 nhẹ, cần gì phải chữa nó tự khỏi thì hãy run sợ. Vì điều này đồng nghĩa với y tế không còn đủ chỗ để điều trị.

Và những người F0 đó sẽ biến cả gia đình thành F1. Với văn hóa con cái ở cùng bố mẹ, thì làm sao các bạn bảo vệ được người già trong gia đình mình cùng bệnh lý nền?

Đó là chưa kể tình trạng thiếu oxy máu trong nhiều trường hợp sẽ diễn biến thầm lặng, ngay cả 1 bác sĩ thông thường còn khó phát hiện nữa là tự theo dõi. Như thế tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên, có ai tình nguyện để mình và người thân mình nhiễm bệnh, rồi chết?

BS Hùng cho rằng, mỗi giai đoạn dịch bệnh sẽ có những phương án khác nhau. Việc để đối tượng có nguy cơ ở nhà theo dõi là tình huống chẳng đặng chẳng đừng, nó thể hiện sự quá tải và nguy cơ "vỡ trận". Không nên so sánh với các nước phương Tây bởi vì nước mình khác họ.

Cùng quan điểm, BS Phạm Văn Phúc - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng đừng vui mừng vì đã có chính sách cho F1 tự cách ly tại nhà mà hãy nghĩ rằng đó là lúc số F1 quá nhiều và không thể kiểm soát.

Còn nếu đến một lúc F0 phải điều trị tại nhà thì cũng đừng mừng vì đã đến lúc bệnh viện không còn chỗ điều trị. Các nước Châu Âu, Châu Mỹ họ đã trải qua thời kỳ có đến hàng chục nghìn ca nhiễm và nghìn ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.

BS Phúc cho biết khoa của anh đã nhận tổng cộng 69 ca thở máy trong 2 tháng kể từ khi đợt bùng phát dịch lần 4 này, đã có những lúc không còn chỗ để cho bệnh nhân thở máy.

GS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết để điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả, TP.HCM cần phân chia điều trị theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh. Theo đó, với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng cần điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19...

Lưu ý tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sang nhân viên chăm sóc, phục vụ và các khu vực xung quanh.

Với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng sẽ điều trị tại các bệnh viện. Nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch sẽ điều trị tại 4 cơ sở y tế là: BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, BV Nhân dân 115 và BV Nhân dân Gia Định, nơi có đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục và máy can thiệp tim, phổi nhân tạo (ECMO)…

Đừng thấy F1 được cách ly tại nhà mà mừng: Điều này đồng nghĩa với y tế quá tải - Ảnh 3.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày