Dâu thì con mà rể là khách vốn đã là một quan niệm về mối quan hệ dâu – rể trong một gia đình từ xa xưa. Thế nhưng, nếu như coi con dâu là con mình thì tại sao căng thẳng trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vẫn leo thang? Nói rể là khách nhưng chẳng phải những người khách này sống cũng rất nặng ân tình hay sao? Vậy thử tìm xem, những bà mẹ vợ, mẹ chồng trong bộ phim Cả Một Đời Ân Oán có gì giống và khác nhau.
Đây có lẽ là câu thành ngữ hợp lý nhất dành cho bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) và bà Hảo (NSƯT Thanh Quý). Cả hai bà mẹ này đều yêu và thương con một cách vô bờ. Tình yêu ấy tuy đáng quý, nhưng cũng có phần đáng trách.
Đối với bà Lan, chuyện định hướng và ép con theo ý mình có lẽ còn chưa rạch ròi. Ấy cũng là một phần lý do để Đăng (Mạnh Trường) cảm thấy an toàn khi làm sai. Có nghĩa là từ nhỏ, nếu cậu có làm sai thì bà Lan cũng sẽ mắng người khác chứ không mắng cậu. Đến tận khi lớn lên, lập gia đình lần thứ hai, dù cho vợ cậu là Dung (Hồng Diễm) có không mắc lỗi nhưng vẫn nghe mắng thay cho cậu. Thực ra, Đăng rất không cam lòng, nhưng lại chẳng dám nói điều gì. Và đó chính là khởi nguồn cho bi kịch cuộc đời toàn bộ dàn diễn viên.
Bà Lan luôn khắc nghiệt với mọi người, trừ con trai mình
Còn bà Hảo – một người không xuất hiện nhiều trên màn ảnh, mỗi khi thấy mặt chỉ nhìn thấy ngay chữ tiền chứ không có gì khác. Bà Hảo cũng vì thương Dung phải vất vả một mình nuôi con, rồi lại lo đối phó với nhà chồng, thế nên sau này, khi Dung gặp tai nạn nhập viện, dù Đăng có giúp đỡ nhiều thế nào, bà cũng nhất quyết cự tuyệt. Rồi khi Đăng mở lời thanh toán mọi loại chi phí thì bà lại tươi cười khác ngay, bởi một phần vì bà ham tiền, còn phần khác là vì bà hiểu như thế con mình sẽ có thời gian nằm viện tiện nghi hơn.
Nếu như bà Hảo chỉ nói với Dung rằng đừng tư tưởng gì đến Vũ gia nữa, chia tay rồi cũng chớ có quay lại, thì bà Lan lại khác. Cùng là xúi các con bỏ đi hạnh phúc gia đình đang có, nhưng quen thói chuyên quyền, bà Lan ép Đăng phải ly dị bằng cách lôi mạng sống của mình ra để doạ dẫm.
Dung luôn trong tình trạng bị mắng
Không chỉ đối với hạnh phúc của gia đình Đăng - Dung, mà trước đó, với gia đình của Khôi (Thanh Sơn) bà cũng như vậy. Dù Ngọc (Đan Lê) đã phủ nhận việc mình ra đi là bởi sức ép của mẹ chồng, nhưng Khôi đã giải thích tất cả. Sự o ép và hà khắc của bà Lan chính là lý di Ngọc không chịu đựng được nên bỏ đi.
Với bà Lan có lẽ không cần phải nói nhiều nữa. Điển hình cho việc này có lẽ phải kể được cả một danh sách những điều tủi thân mà Dung phải chịu. Lúc nào cũng phải dậy sớm nấu ăn rồi lại dọn dẹp đến khuya trong khi nhà có giúp việc, thậm chí bà Lan còn tuyên bố "Ở cái nhà này, nếu người đàn ông chưa đi ngủ thì mình không được nghỉ ngơi". Rồi cả chuyện chăm sóc cho Nguyên (khi nhỏ), Dung cũng bị hạch sách đủ điều. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng đổi lại, Dung chưa bao giờ được một câu khen. Lúc nào cũng chỉ luôn là "Chị có biết chăm con nhỏ không thế" hoặc những câu đay nghiến "Mấy đời bánh đúc có xương"...
Sau khi mỗi người một ngả rồi nhưng bà Lan vẫn không tha cho Dung
May mắn là, bà Hảo không thế. Sở dĩ xuất thân đã kém Vũ gia nhiều bậc, nên khi nói chuyện với con rể, bà như hạ mình xuống. Lúc nào cũng có nét như năn nỉ, xin xỏ thành ra nhiều lúc người xem ái ngại thay cho bà. Dĩ nhiên, bà Hảo không hạch sách Đăng như con gái mình phải chịu, nhưng điều mà bà muốn chỉ có tiền. Hết tiền để tiêu, lại là tiền cho Lâm (hồi đó còn ham cờ bạc), tiền cho đủ loại chi phí không tên.
Bà Hảo cãi nhau tay đôi với bà Lan để bênh con
Nhưng nói trắng ra, những điều dù tốt, dù xấu mà những người mẹ ấy hành xử, thực chất đều vì thương những đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Con mình ai chẳng xót, nhưng khi một gia đình nhỏ mới được xây nên trong một gia đình lớn, những bà mẹ cũng nên chấp nhận rằng mình mới có thêm một đứa con - người mà suốt quãng đời sau sẽ thay mình chăm sóc con.
Hãy tiếp tục đón xem Cả Một Đời Ân Oán trên VTV3 vào mỗi 21h40 thứ tư, thứ năm hàng tuần để xem những người mẹ này rồi sẽ thay đổi như thế nào nhé.