Bịa đặt thông tin "không đeo đồng hồ Gshock, phạt 102 triệu đồng", thanh niên nhận ngay cái kết đắng!

Huỳnh Duy, Theo Thể thao & Văn hoá 14:35 18/04/2023

Bịa tin "từ ngày 16-3-2023, đối tượng nào không đeo đồng hồ Gshock phạt tiền 102.000.000 vnđ", một người trú tại Hà Nội đã bị công an xử phạt.

Anh N.X.T. (trú tại Hà Nội) bị công an xử phạt năm triệu đồng vì bịa tin "từ ngày 16/3/2023, đối tượng nào không đeo đồng hồ Gshock phạt tiền 102.000.000 vnđ".

Ngày 14/4, Công an TP Hà Nội cho biết Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt năm triệu đồng đối với anh N.X.T. (27 tuổi, trú tại Hoài Đức) về hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật , xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân.

Bịa đặt thông tin không đeo đồng hồ Gshock, phạt 102 triệu đồng, thanh niên nhận ngay cái kết đắng! - Ảnh 1.

Bài đăng "Từ ngày 16-3-2023, đối tượng nào không đeo đồng hồ Gshock phạt tiền 102.000.000 vnđ" của nhân vật N.X.T

Trước đó, qua rà soát, nắm tình hình trên mạng xã hội, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội và Công an huyện Hoài Đức phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải nội dung:

"Từ ngày 16/3/2023, đối tượng nào không đeo đồng hồ Gshock phạt tiền 102.000.000vnđ" kèm theo hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Qua xác minh, các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội xác định tài khoản trên là của anh N.X.T.

Làm việc với công an, anh T. thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật.

Trước trường hợp của N.X.T, một người phụ nữ tên T. (sinh năm 1989, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cũng bị phạt về hành vi "Cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân".

Cụ thể, ngày 29/3, một người phụ nữ tên T.  điều khiển xe mô tô tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm tại khu vực chợ Ngọc Thụy. T. bị tổ công tác của Công an phường Ngọc Thụy kiểm tra, lập biên bản vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Sau đó, người phụ này đã sử dụng tài khoản zalo đăng tải bài viết với nội dung nói xấu, xúc phạm uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an.

Qua xác minh, Công an quận Long Biên đã tiến hành làm việc với T. Tại cơ quan Công an, T. đã khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Công an quận Long Biên đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với T. về hành vi "Cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân".

Theo thống kê của cơ quan Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong Nhân dân.

Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, không "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo, lực lượng Công an khuyến cáo người dân cần lưu ý một số nội dung như sau:

- Chủ động nâng cao ý thức cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.

- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số Chứng minh thư, Căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

- Khi nhận các cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền, cung cấp mật khẩu OTP, tài khoản ngân hàng, đóng các loại phí hoặc được các đối tượng tự xưng là cán bộ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, là nhân viên y tế bệnh viện, nhân viên y tế nhà trường có dấu hiệu nghi vấn... người dân cần giữ bình tĩnh, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng. Đồng thời, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em để kiểm tra thông tin hoặc liên hệ trực tiếp với các cơ quan, đơn vị chức năng (Bệnh viện, Ngân hàng, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các nhà mạng...) để được tư vấn, hỗ trợ. Đối với các trường hợp nhận tin nhắn, cuộc gọi vay mượn tiền thông qua mạng xã hội (kể cả cuộc gọi video) cần gọi điện trực tiếp qua số điện thoại của người đó để xác minh.

- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục "Hướng dẫn tố giác tội phạm" của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Tổng hợp