Bị rắn độc cắn vào mặt, người đàn ông tử vong ngay sau đó

Đức Ngọc, Theo Người lao động 17:31 12/05/2022

Trong lúc đi đánh cá, một người đàn ông bất ngờ bị rắn hổ mang cắn vào mặt khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó.

Chiều 12/5, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Lô Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An, cho biết một người dân trên địa bàn vừa bị rắn cắn tử vong.

Bị rắn độc cắn vào mặt, người đàn ông tử vong ngay sau đó - Ảnh 1.

Con rắn cắn ông D. tử vong đã bị đánh chết (Ảnh: Facebook)

Trước đó, theo thông tin ban đầu, vào khoảng 13 giờ 30 ngày 10/5, ông V.V.D. (SN 1969, trú tại bản Mòng 1, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong) cùng một người bạn đi quăng chài đánh cá ở xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong thì bất ngờ bị một con rắn hổ mang cắn vào vùng mặt.

Sau khi bị rắn cắn, đến khoảng 15 giờ cùng ngày, ông D. đã tử vong. Con rắn cắn ông D. bị người đàn ông 53 tuổi này và bạn đi cùng đánh chết rồi đem về nhà.

"Ông D. bị rắn hổ mang cắn tử vong khi đi đánh cá, hoàn cảnh gia đình người này khá khó khăn" - ông Tùng cho biết.

Rắn hổ mang là loại rắn độc cắn thường gặp nhất ở Việt Nam.

Nọc của rắn hổ mang chứa thành phần chính là các độc tố có bản chất là các enzyme, polypeptide gây tổn thương tổ chức, gây sưng nề và hoại tử, độc với thần kinh (độc tố thần kinh hậu synape, loại alpha) gây liệt cơ.

Rắn hổ mang cắn có thể gây tử vong sớm ở một số trường hợp do liệt cơ gây suy hô hấp. Tuy nhiên, tổn thương thường gặp nhất là hoại tử và sưng nề. Hoại tử thường xuất hiện rất nhanh sau khi bị cắn và dẫn tới các biến chứng, đặc biệt là di chứng mất một phần cơ thể và tàn phế.

Chẩn đoán và điều trị rắn hổ mang cắn cần nhanh chóng, đặc biệt cần dùng sớm và tích cực huyết thanh kháng nọc rắn khi có biểu hiện nhiễm độc rõ mới có thể phòng tránh hoặc hạn chế hoại tử cho bệnh nhân.