Bí quyết tạo nên thiên tài đã tồn tại hàng thế kỷ nay nhưng không mấy ai hay biết: Dù bận đến đâu, Einstein hay Darwin vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt điều này

Ngọc Hà, Theo Trí Thức Trẻ 08:07 10/11/2020

Những người duy trì thói quen ổn định mỗi ngày sẽ làm việc hiệu quả hơn, hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và ít căng thẳng hơn.

Mọi người vẫn tự hỏi những bộ óc vĩ đại thường làm gì mỗi ngày - những thói quen nhỏ giúp họ hoàn thành mục tiêu của mình? Họ có đọc sách hay làm việc trong một khoảng thời gian nhất định không? Việc nghỉ ngơi ảnh hưởng như thế nào đến công việc của họ? Họ nghĩ gì khi ở một mình? Tại sao có những người làm việc rất nhiều, nhưng có những người làm việc tuy ít nhưng vẫn thành công?

Cuốn sách Daily Rituals: How Great Minds Make Time, Find Inspiration And Get To Work của tác giả Mason Curry đã trả lời phần lớn những câu hỏi này. Con đường dẫn tới sự vĩ đại nằm ở thói quen và kỷ luật.

***

Những bộ óc vĩ đại luôn bắt đầu ngày mới một cách có chủ đích.

Triết gia Aristotle từng nói: “Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm. Vì vậy sự hoàn hảo là thói quen chứ không phải hành động”. Thói quen đem lại cảm giác quen thuộc và kỷ luật. Bạn sẽ thức dậy mỗi sáng với cảm giác làm chủ bản thân, quản lý ngăn nắp cuộc đời mình.

Thói quen cũng là vũ khí bí mật của các bộ óc thiên tài suốt hàng thế kỷ qua. Họ thực hiện mọi thứ bằng kỷ luật thép.

Nhờ đó, họ có thể nỗ lực hết mình mà không cần phải nghĩ quá nhiều về năng suất. Thói quen giải phóng não bộ chúng ta khỏi những quyết định nhỏ nhặt, nhờ đó chúng ta có thể cố gắng hết sức.

Bí quyết tạo nên thiên tài đã tồn tại hàng thế kỷ nay nhưng không mấy ai hay biết: Dù bận đến đâu, Einstein hay Darwin vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt điều này - Ảnh 1.

Nhà thơ W. H. Auden từng chia sẻ bí quyết để làm việc hiệu quả hơn: “Hãy quyết định xem bạn muốn hoặc phải làm gì trong ngày, sau đó luôn thực hiện nó vào cùng một thời điểm mỗi ngày, và đam mê sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn”.

Đối với các triết gia, các vĩ nhân thời xưa, thói quen chính là thứ giúp họ làm việc hiệu quả, là thiên đường của công việc.

Nhà hiền triết người Đức Friedrich Nietzsche - một trong những người có ảnh hưởng nhất tới các nhà tư tưởng hiện đại - thường dậy rất sớm. Ở đỉnh cao sự nghiệp, ông lựa chọn dành phần lớn gian ở một mình.

Trong cuốn sách Friedrich Nietzsche: A Biography, tác giả Curtis Cate viết: “Với sự nghiêm khắc của một chiến binh Sparta, Nietzsche chưa từng khiến chủ nhà hay người bán tạp hóa bớt ngạc nhiên. Ông thức dậy mỗi sáng khi bình minh chưa ló rạng và làm việc liên tục cho tới 11h trưa”.

Sau đó, ông ấy sẽ đi bộ khoảng 2 tiếng qua khu rừng gần nhà, hoặc dọc theo hồ Silvaplana hoặc hồ Sils. Thỉnh thoảng, ông sẽ dừng lại, ghi chép những suy nghĩ mới nhất vào cuốn sổ luôn mang theo người”.

Nietzsche làm việc rất nhiều. Thói quen của ông xoay quanh việc viết lách, đọc sách và tìm hiểu các tư tưởng. Thời gian biểu của ông nghiêm ngặt và cố định, nhưng luôn có chỗ để suy nghĩ.

Nhà hiền triết này từng nói: “Mọi tư tưởng vĩ đại đều được thai nghén khi đi bộ”.

Bí quyết tạo nên thiên tài đã tồn tại hàng thế kỷ nay nhưng không mấy ai hay biết: Dù bận đến đâu, Einstein hay Darwin vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt điều này - Ảnh 2.

Immanuel Kant

Immanuel Kant - một nhà hiền triết người Đức khác cũng luôn duy trì thói quen không đổi. Manfred Kuehn - tác giả cuốn sách Kant: A Biography - đã miêu tả một ngày của Kant như sau:

Ông ấy dậy lúc 5h sáng. Martin Lampe - người hầu cận đã làm việc cho ông từ năm 1762 đến 1802 - sẽ đánh thức ông. Người này được lệnh phải kiên trì, nhờ đó Kant sẽ không thể ngủ tiếp. Kant tự hào rằng ông chưa từng dậy muộn dù chỉ nửa giờ, kể cả khi thèm ngủ đến mức nào. Dường như khi còn trẻ, thỉnh thoảng ông cũng ngủ nướng. Sau khi thức giấc, Kant sẽ uống 1-2 chén trà và hút 1 điếu thuốc lá. Ông coi đây là thời gian dành cho ‘thiền định’”.

“Lớp học của ông bắt đầu lúc 7h sáng và kéo dài tới 11h trưa. Sau khi dạy xong, ông sẽ làm việc cho tới tận bữa trưa. Ông ra ngoài ăn trưa, đi bộ và dành cả buổi chiều bên người bạn Green. Sau khi về nhà, ông sẽ làm một số việc nhẹ và đọc sách”.

Một cuộc sống thiếu đi thói quen và kỷ luật sẽ khiến bạn kiệt sức về cả thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Không có thói quen, bạn sẽ để mặc bản thân trôi theo dòng đời. Bạn sẽ lãng phí cả ngày trời chỉ để quyết định nên làm gì, hoặc bối rối giữa những nhu cầu và mong muốn của người. Thói quen giúp bạn hoàn thành mục tiêu.

Bí quyết tạo nên thiên tài đã tồn tại hàng thế kỷ nay nhưng không mấy ai hay biết: Dù bận đến đâu, Einstein hay Darwin vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt điều này - Ảnh 3.

***

Benjamin Franklin - cha đẻ của nước Mỹ - thường tự hỏi bản thân: “Tôi sẽ làm điều gì tốt hôm nay?” vào lúc 5h sáng khi thức dậy và “Tôi đã làm điều gì tốt hôm nay?” vào lúc 10h tối trước khi đi ngủ. Thói quen này giúp ông tập trung cho các ưu tiên quan trọng nhất của mình.

Nhà văn Charles Dickens luôn đi dạo 3 tiếng mỗi buổi chiều. Ông dùng những gì mình quan sát được làm tư liệu viết lách.

Nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven cũng thường xuyên đi dạo sau bữa trưa. Ông sẽ mang theo giấy bút, đề phòng cảm xúc sáng tác đến bất chợt.

Nhà văn gạo cội Ernest Hemingway thì ghi lại số lượng từ viết được mỗi ngày để “không đùa cợt với bản thân”.

Thói quen không chỉ giúp năng suất của bạn tăng lên, mà nó còn khiến cuộc sống thêm nhịp điệu, kỷ luật và thậm chí cả niềm vui.

***

Marie Curie - người nổi tiếng với những đóng góp trong việc điều trị bệnh ung thư - được người đời gọi là “nhà khoa học điên” hoặc “kẻ cuồng việc”. Bởi lẽ, bà thường vô cùng hứng thú với những gì mình đang làm.

Nikola Tesla - nhà khoa học đã tạo ra hàng loạt bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và ứng dụng năng lượng điện - cũng tuân theo thời gian biểu nghiêm ngặt. Ông luôn đi bộ 10 dặm/ngày để suy nghĩ về các phát minh mới. Dần dần, thói quen này trở thành một điều bắt buộc.

Thời còn học việc cho Thomas Edison tại văn phòng ở New York, Tesla thường xuyên làm việc từ 10h30 sáng cho đến 5h sáng hôm sau”, tác giả Curry cho biết.

Những bộ óc vĩ đại của lịch sử luôn biết cách nghỉ ngơi và thư giãn, để có thể suy nghĩ hiệu quả hơn và giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nghỉ ngơi thường xuyên sẽ giúp con người tỉnh táo, tràn đầy năng lượng, nâng cao năng suất, cải thiện sáng tạo và tăng cường tập trung.

Dù tuân thủ một thời gian biểu nghiêm ngặt, Charles Darwin vẫn luôn dành thời gian để đi dạo.

Khi đang nghiên cứu thuyết tiến hóa nổi tiếng, ông thường đi bộ để suy nghĩ, quan sát và chú ý thế giới tự nhiên. Con đường đi bộ từ nhà xuyên qua khu rừng tối tăm mỗi ngày được Darwin coi như “con đường tư duy” của mình.

Albert Einstein chơi violin để thư giãn và suy ngẫm về các dự án đang làm. Ông cho rằng đây là một cách để mở rộng tư duy, giúp ông giải quyết những vấn đề khó nhằn. Nhà bác học này cũng ngủ 10 tiếng/đêm, thậm chí còn chợp mắt vài lần trong ngày.

Bí quyết tạo nên thiên tài đã tồn tại hàng thế kỷ nay nhưng không mấy ai hay biết: Dù bận đến đâu, Einstein hay Darwin vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt điều này - Ảnh 4.

Charles Darwin

Cuộc sống hiện đại đầy rẫy bất ngờ đôi khi khiến con người cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, duy trì thói quen tích cực sẽ giúp bạn hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Danh họa Pablo Picasso từng nói: “Ta chỉ có thể đến được đích nhờ chiếc xe kế hoạch, trong nó ta phải tin tưởng mãnh liệt, và với nó ta phải hành động mạnh mẽ. Không có đường khác dẫn đến thành công”.

Những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sự luôn tối ưu hóa mỗi ngày để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Thói quen chính là vũ khí bí mật giúp họ thành công. Nhờ thói quen hàng ngày, chúng ta có thời gian dành cho những điều quan trọng nhất.

Duy trì thói quen mỗi ngày sẽ thay đổi cả cuộc sống lẫn sự nghiệp của bạn, nhưng chỉ khi bạn biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Bằng cách đó, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn, ít lãng phí thời gian cho những hoạt động chẳng mấy quan trọng.

Theo Medium