Câu chuyện bắt đầu khi người phụ nữ này đang chuẩn bị nấu món arroz caldo, một loại súp gà. Trong lúc bóc vỏ hành, một mảnh nhỏ từ phần rễ khô của củ hành đã găm vào ngón tay cái của cô. Ban đầu, nghĩ rằng mảnh hành sẽ tự rơi ra nên cô không cảm thấy quá lo lắng. Tuy nhiên, đến sáng hôm sau, cánh tay cô sưng to, đau nhức và xuất hiện những vệt đỏ lan rộng.
Lo lắng về tình trạng của mình, cô đã liên hệ với dịch vụ cấp cứu trực tuyến. Các bác sĩ ngay lập tức nhận định đây là tình trạng "nhiễm trùng nghiêm trọng đang tiến triển" và "bất cứ thứ gì trên củ hành đó đều rất nguy hiểm". Cô được khuyên nên đến gặp trực tiếp bác sĩ ngay lập tức.
Tuy nhiên, sau đó, tại phòng khám cấp cứu, nhận thấy tình trạng quá nghiêm trọng nên các bác sĩ đã chuyển cô đến phòng cấp cứu của bệnh viện. Tại đây, mảnh hành được gắp ra, cô được tiêm kháng sinh mạnh qua đường tĩnh mạch và sau đó được cho về nhà. Thêm một bất ngờ nữa là củ hành mà cô sử dụng hóa ra đã bị thối rữa từ bên trong.
Câu chuyện của người phụ nữ này được chia sẻ trên Reddit và đã gây xôn xao cộng đồng mạng về những nguy hiểm tiềm ẩn trong công việc bếp núc hàng ngày. Ngay cả việc chuẩn bị bữa tối đơn giản nhất cũng có thể gây ra những hậu quả bất ngờ do vi khuẩn từ thực phẩm dẫn đến nhiễm trùng.
Một người bình luận: "Hãy tưởng tượng, bạn có thể chết vì bóc hành" trong khi một người khác lo lắng: "Ôi trời ơi, tôi thường xuyên làm việc với hành tây và điều này thật kinh hoàng. Tôi đang kiểm tra tất cả củ hành của mình".
Một số người khác cũng chia sẻ những sự cố hy hữu tương tự. Một phụ nữ kể lại: "Dì tôi đã từng bị đứt gân ngón tay khi thò tay vào một túi phô mai cắt nhỏ". Một người khác chia sẻ trải nghiệm suýt mất chân vì một vết phồng rộp nhỏ: "Tôi suýt mất một phần chân, hoặc có thể tệ hơn, từ một vết phồng rộp. Chúng tôi nghi ngờ tôi bị nhện cắn và có phản ứng rất tệ, nhưng thực sự đó chỉ là một vết phồng rộp nhỏ xíu bị vỡ ra rồi không lành trong ba tháng. Tôi đã đến phòng khám cấp cứu nhiều lần, cuối cùng đến gặp bác sĩ da liễu, người đã khâu vết thương lại và yêu cầu tôi bôi bạc keo lên đó trong vài tuần. Cuối cùng nó cũng lành lại".
Không ít trường hợp nhiễm trùng liên quan đến chế biến thực phẩm
Nhiễm trùng do vết thương khi chế biến thực phẩm là tình trạng không hiếm gặp, đặc biệt là liên quan đến hải sản. Các vết thương có thể từ nhẹ đến nặng và đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi không may gặp vết thương.
Một người đàn ông 52 tuổi ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã vô tình bị thương ở tay và gây nhiễm trùng nặng khi đang rửa tôm hùm đất. Theo thông tin đưa trên tờ The Pape, người đàn ông này vốn có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường và bệnh thận mãn tính, sau khi bị gai tôm hùm đất vô tình chọc vào tay trong quá trình chế biến đã nhiễm khuẩn Aeromonas veronii khiến cơ thể vốn suy yếu nay lại thêm khuẩn tấn công khiến bệnh tình nhanh chóng chuyển biến nặng.
"Khi nhập viện cấp cứu, toàn bộ phần da trên cánh tay trái của bệnh nhân đã thâm đen, cùng với đó là những nốt phồng rộp rải rác trên da. Toàn bộ khớp ngón tay trái cũng chuyển màu đen. Đây là hiện tượng nhiễm trùng huyết nặng và sốc nhiễm trùng, người bệnh tiên lượng xấu" - Trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Y Chiết Giang - ông sĩ Lục Viễn Cường cho biết.
Một người đàn ông 81 tuổi, đến từ Quảng Đông, Trung Quốc, cũng đã phải cắt bỏ cả cánh tay để giữ mạng sống khi không may bị tôm cứa vào tay trong lúc sơ chế. Ngay lúc đó, vết thương không đau, không chảy máu nên ông cũng không quan tâm lắm nhưng vài ngày sau thì sưng tấy, đau tới mức không cử động được. Người đàn ông ngất xỉu và rơi vào hôn mê. Sau khi được đưa đến bệnh viện, tình trạng chuyển biến xấu, các bác sĩ xác định ông nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus và phải cắt bỏ cánh tay cũng như ở trong phòng chăm sóc đặc biệt để cứu mạng sống.
Vết xước nhỏ trong quá trình chế biến thực phẩm có thể là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Thực phẩm sống, đặc biệt là thịt gia cầm, hải sản, trứng và rau sống, có thể chứa nhiều loại vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Campylobacter. Vết xước trên da tay tạo điều kiện cho vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể. Vi khuẩn Vibrio có nhiều trong hải sản sống hoặc nấu chưa chín, đặc biệt là hàu, sò, trai. Nhiễm trùng Vibrio có thể gây ra tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, thậm chí nhiễm trùng máu.
Nếu vết xước sâu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, đau nhức, chảy mủ, hãy đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Ngoài ra, luôn cẩn trọng và tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thực phẩm để an toàn cho bản thân, gia đình.