Bi kịch của những người "Remainders" Hàn Quốc: Thế hệ những người trẻ thất nghiệp, bị tụt lại phía sau đám đông

Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 12:07 16/12/2017
Chia sẻ

Tỷ lệ thất nghiệp của các thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi từ 15 - 29 đang ở mức cao chưa từng thấy.

Người lao động tại Hàn Quốc đi làm không chỉ bởi lương mà vì cả điều tiếng xã hội. Tại xứ sở kim chi, một thanh niên thất nghiệp, hoặc không có chức danh tại một công ty ổn định sẽ bị cho là vô dụng và mang nặng tâm lý của kẻ thất bại.

Người trẻ tuổi sợ tình huống đó nhất. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người từ 15 – 19 tuổi là trên 8% - tức là gấp đôi so với con số tương tự trên tổng thể dân số.

Bi kịch của những người Remainders Hàn Quốc: Thế hệ những người trẻ thất nghiệp, bị tụt lại phía sau đám đông - Ảnh 1.

Choi Seo-yoon – 31 tuổi là người hiểu rất rõ điều đó. Cô tốt nghiệp từ một trường đại học tại Seoul nhưng lại không thể tìm được một công việc về truyền thông như mình mong muốn. Cuối cùng, cô đành phải nhận cộng tác viết báo, giúp bạn bán trà chanh tự làm và vẽ chân dung trên đường phố để kiếm sống. Số tiền kiếm được chỉ đủ để Choi mua thức ăn nhưng không đủ để cô dự tính bất kỳ kế hoạch nào khác cho tương lai.

"Tôi không tự tin mình sẽ kiếm đủ tiền trong dài hạn. Tôi không thể dự đoán được thu nhập của mình và chi phí trong vài tháng tới. Tôi cũng không có thẻ tín dụng để mua bất kỳ đồ dùng gì trả góp hay đại loại như vậy. Kiếm được bao nhiêu thì tôi tiêu bấy nhiêu thôi", Choi tâm sự.

Trong năm 2012, sau 2 năm nỗ lực tìm kiếm việc tại một tờ báo hoặc đài truyền hình, Choi quyết định sẽ biến sự không may mắn của mình thành thành công. Cô tạo ra một tạp chí mang tên Remainders – từ mà cô dùng để mô tả những người như mình, họ bị tụt lại trong quá trình cạnh tranh nghề nghiệp, hoặc bởi họ ngừng tìm kiếm công việc hoặc đơn giản họ từ chối việc làm giống như đám đông.

Một số liệu từ Statistics Korea cho thấy có khoảng 288.000 người trong độ tuổi từ 15 – 29 thuộc nhóm trên – tăng 18,4% so với năm ngoái.

Tạo ra Remainders là một lựa chọn thay thế của Choi để vẫn có thể tiếp tục công việc mà cô mơ ước. Tạp chí này đăng tải mọi thông tin từ chính trị, văn hóa tới hẹn hò và cưới xin. Tuy nhiên sau 18 tháng, cô đã đã phải ngừng bán, thôi theo đuổi ước mơ và tập trung kiếm sống bằng những công việc bán thời gian.

Đó là tình huống rất quen thuộc xảy ra với những người trẻ tuổi. Những nhà hàng, quán ăn nhỏ được điều hành bởi những người chủ trẻ tuổi tiếp tục mọc lên như nấm tại Seoul và những thành phố lớn khác. Nhưng đa phần đều nhanh chóng bị đóng cửa nguyên do là chi phí thuê nhà cao, ông/bà chủ thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh. Trong số 228.460 doanh nghiệp được thành lập bởi những người trong độ tuổi từ 15 – 34 trong năm 2011, chỉ 24,5% trong số đó sống sót trong 5 năm.

Vậy nếu thất nghiệp, trở thành doanh nhân không phải là giải pháp thì câu trả lời là gì?

Bi kịch của những người Remainders Hàn Quốc: Thế hệ những người trẻ thất nghiệp, bị tụt lại phía sau đám đông - Ảnh 2.

Tờ Nikkei cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên Hàn Quốc xuất phát chủ yếu từ chênh lệch giữa thực tế việc làm có trên thị trường và những công việc mà giới trẻ muốn. Ngoài ra, tổ chức OECD chỉ ra rằng khoảng cách lớn về cả lương và vị thế xã hội giữa chaebol - các tập đoàn gia đình trị và những công ty trung bình và nhỏ rất lớn cũng là một vấn đề.

Dữ liệu cho thấy những công ty lớn với 300 hoặc hơn nhân viên trả trung bình 4,96 triệu won (tương đương 4.500 USD) mỗi tháng trong năm 2016. Trong khi đó, với những công ty quy mô nhỏ hơn chỉ được trả 3.05 tiệu won.

Khó khăn vì lương thấp và công việc "làng nhàng", nhiều người trẻ buộc phải vay nợ để sống. Trung bình những người trong độ tuổi 19 – 31 gánh 13 triệu won tiền nợ ngân hàng và những vấn đề tài chính khác.

"Thế hệ mất mát" là cụm từ được sử dụng ở Nhật Bản để mô tả những người phải đối mặt với tình trạng việc làm khan hiếm từ cuối những năm 1990 đang trở thành thuật ngữ được sử dụng nhiều tại Hàn Quốc.

Một vài người trẻ tuổi mắc nợ nhiều thậm chí đâm ra chán nản, gọi đất nước của họ là "Địa ngục Hàn Quốc". "Tôi nghĩ đất nước của mình là địa ngục bởi thế hệ của chúng tôi quá nghèo so với những người đi trước khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao", theo Park Ji-hyun – 28 tuổi – một sinh viên học ngành văn học Nhật Bản tại Đại học Hankuk nói. "Nhưng tôi không thể làm gì để thay đổi thực trạng này cả. Vì vậy tôi cũng không muốn nghĩ đến nó nữa".

Để giải quyết tình trạng này, chính quyền tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố sẽ nỗ lực tăng thêm việc làm trong các lĩnh vực cộng đồng thời bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích công ty tư nhân để thúc đẩy họ tuyển dụng.

Nhưng về cơ bản, những nỗ lực này chưa đạt được nhiều hiệu quả. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15 – 29 đã đạt 8,6% trong tháng 10, tăng một chút so với mức 8,5% vào năm trước. Tỷ lệ tương tự của tất cả các nhóm tuổi là 3,2%.

Một vài người đã phải tìm cách ra nước ngoài để tìm việc ví dụ như Canada, Đức và Nhật Bản. Anh Park – 38 tuổi là người từng làm việc tại một công ty máy móc nhỏ ở phía Tây Seoul đã đến Canada vào đầu năm nay để trở thành một đầu bếp sushi. Dù chẳng biết gì về đồ ăn Nhật Bản nhưng anh nghĩ sẽ tốt hơn là ở trong nước làm việc cho một công ty sắp phá sản.

Rhee Chang-yong – Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của IMF nói rằng: "Chính phủ Hàn Quốc nên cân nhắc tạo ra việc làm cho người trẻ và kiến tạo một xã hội an toàn bằng cách sử dụng các quỹ công. Nếu không nhanh chóng giải quyết thực trạng thất nghiệp của những người trẻ ngay lúc này, các quỹ nhà nước sẽ phải chật vật trong tương lai".

Còn ông Kim Joo-young – chuyên gia nghiên cứu tại Viện kinh tế thương mại công nghiệp Hàn Quốc thì nói: "Chúng ta cần tạo ra những công việc chất lượng bằng việc khuyến khích các công ty đầu tư vào những ngành công nghiệp liên quan tới môi trường, xã hội già hóa... Điều đó sẽ thúc đẩy các khoản đầu tư và tạo ra việc làm trong các lĩnh vực về năng lượng, dịch vụ giao thông, sức khỏe và dịch vụ xã hội".

Theo Nikkei

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày