Chuỗi nhà hàng Yotteba có mặt tại hơn chục địa điểm trên khắp Nhật Bản, nổi tiếng với dịch vụ "tát cho tỉnh rượu", được gọi là "binta".
"Món" tát do nữ nhân viên nhà hàng phục vụ với giá 500 yên (khoảng 82.000 đồng). Nếu chi thêm 100 yên (khoảng 16.000 đồng), khách hàng có thể chọn nhân viên thực hiện cú tát.
Dịch vụ "tát cho tỉnh rượu" dường như khá được ưa chuộng. Các đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy cảnh thực khách vỗ tay hưởng ứng sau khi một khách hàng ăn cú tát mạnh thẳng mặt mà không phàn nàn.
Tuy nhiên, công ty điều hành chuỗi nhà hàng - Project M - gần đây tuyên bố dừng dịch vụ "tát cho tỉnh rượu".
“Các nhà hàng cung cấp dịch vụ đó hơn hai năm nay nhưng chúng tôi không nghĩ rằng nó thực sự được ưa chuộng. Dịch vụ này giống như một trò đùa và chúng tôi cho rằng khách hàng không còn thích điều đó nữa” , nhân viên marketing của công ty cho biết. “Thêm vào đó, chuỗi nhà hàng của chúng tôi ngày càng phát triển và chúng tôi muốn thay đổi hình ảnh”.
Người này xác nhận rằng quyết định ngừng dịch vụ "tát cho tỉnh rượu" được đưa ra hai tháng trước, sau khi một khách hàng khiếu nại bị thương do "thưởng thức" cái tát tại một nhà hàng chi nhánh.
Yotteba không phải là chuỗi nhà hàng đầu tiên ở Nhật Bản cung cấp dịch vụ như vậy. Chuỗi nhà hàng Shachihoko-ya từng cung cấp loại hình dịch vụ tương tự nhưng dừng phục vụ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và không khôi phục lại.
Thuật ngữ "binta" được cho là có nguồn gốc từ vùng Kagoshima ở miền nam Nhật Bản, có nghĩa là “đầu” trong một phương ngữ địa phương.
Sau đó, trở thành từ đồng nghĩa với cái tát vào thời Minh Trị (1868 - 1912) khi cảnh sát trên khắp Nhật Bản được biết đến với việc thực thi công lý bằng cách tát vào đầu người khác.