Ngày 28/11/2023, thông tin từ Công an tỉnh Lương Sơn (Trung Quốc) cho biết, cơ quan này vừa triệt phá một vụ lừa đảo qua mạng phức tạp. Trong vụ việc, một người dân tại huyện Hỉ Đức đã bị lừa số tiền lên tới 198.000 NDT (tương đương gần 700 triệu VNĐ) bởi các đối tượng giả danh cán bộ. Bằng nghiệp vụ điều tra, đội cảnh sát Trung Quốc đã truy bắt được 4 nghi phạm tại các thành phố lớn như Lan Châu, Quảng Châu, Trịnh Châu và Hải Khẩu.
Trong vụ án này, anh Tiểu Trương (*tên đã thay đổi) bị lừa bởi một thủ đoạn phổ biến nhưng vô cùng tinh vi: các đối tượng giả danh cán bộ chính quyền. Đây là một bài học cảnh giác cho cộng đồng về những chiêu trò lừa đảo ngày càng phức tạp.
Ngày 3/11, Công an huyện Hỉ Đức nhận được tin báo từ anh Tiểu Trương. Anh cho biết mình bị một người tự nhận là cán bộ địa phương lừa đảo qua mạng xã hội, chiếm đoạt tổng cộng 198.000 NDT.
Theo lời kể của anh Tiểu Trương, vào chiều 2/11, anh nhận được lời mời kết bạn trên ứng dụng TikTok từ một tài khoản có tên và ảnh đại diện giống hệt một cán bộ tại địa phương. Do trước đó anh từng gặp rắc rối về vấn đề môi trường tại trang trại của mình, nên việc “cán bộ” chủ động kết bạn khiến anh cho rằng mình được “quan tâm đặc biệt”.
Sau khi kết bạn, người này tự xưng là cán bộ và trò chuyện thân mật với anh. Tiếp đó, anh được mời vào một nhóm chat chỉ có hai người. Đối tượng cho biết cần nhờ anh giúp chuyển tiền đến tài khoản của một đối tác vì lý do “không tiện dùng danh nghĩa cá nhân”.
Anh Tiểu Trương, mong muốn gây ấn tượng tốt với lãnh đạo, đã đồng ý cung cấp thông tin tài khoản của mình. Sau đó, đối tượng gửi anh một biên lai chuyển khoản trị giá 128.000 NDT, đồng thời viện lý do chuyển tiền “chậm trễ” để yêu cầu anh ứng trước số tiền này. Tin tưởng tuyệt đối, anh đã thực hiện lệnh chuyển khoản.
Không dừng lại ở đó, đối tượng tiếp tục yêu cầu anh chuyển thêm 70.000 NDT với lý do cần xử lý gấp một việc khác. Lúc này, do tài khoản không còn đủ tiền mặt, anh Tiểu Trương gọi cho thư ký cá nhân là cô Lý để nhờ chuyển khoản hộ.
Dù nửa đêm nhận điện thoại của sếp nhưng cô Lý vẫn làm theo, chỉ nghĩ đây là khoản tiền chuyển cho đối tác. Sau khi hoàn thành, cô Lý mới hỏi chi tiết giao dịch để ghi chép vào sổ thu chi. Lúc này, cô mới được kể cho đầu đuôi câu chuyện thì không khỏi bày tỏ sự nghi ngờ. Trong cuộc đối thoại với anh Tiểu Trương, đối tượng đã vô tình để lộ một số điểm khả nghi. Điều này càng làm cô Lý lăn tăn, rơi vào suy ngẫm.
Cuối cùng, vào khoảng hơn 23 giờ, cô Lý đã gọi điện cho cảnh sát địa phương để trình báo vụ việc, đồng thời cũng khuyên anh Tiểu Trương nên tới cơ quan chính quyền để trực tiếp làm việc với các cán bộ. Đến lúc anh Tiểu Trương phát hiện mình bị lừa, các đối tượng đã “cao chạy xa bay” cùng toàn bộ số tiền.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh Lương Sơn đã lập tức sử dụng các nghiệp vụ điều tra để truy vết và bắt giữ 4 nghi phạm tại các thành phố lớn như Lan Châu, Quảng Châu, Trịnh Châu và Hải Khẩu. Đội cảnh sát triệt phá vụ án thu giữ 4 chiếc điện thoại di động, 11 thẻ ngân hàng liên quan đến các giao dịch lừa đảo.
Vụ việc của anh Tiểu Trương không phải là trường hợp duy nhất. Đây là một chiêu trò lừa đảo đã xuất hiện ở nhiều địa phương với ba bước điển hình:
Bước 1. Giả danh cán bộ chính quyền để lấy niềm tin
Các đối tượng thường lấy cắp thông tin cá nhân của lãnh đạo từ các nguồn công khai hoặc qua mạng xã hội. Sau đó, chúng sử dụng hình ảnh và tên thật để lập tài khoản giả, rồi tìm cách tiếp cận những người dân thông qua nhắn tin hoặc kết bạn trên các ứng dụng phổ biến.
Bước 2: Tạo mối quan hệ thân mật
Đối tượng thường mở đầu bằng những câu chuyện gần gũi, tỏ ra quan tâm đến các vấn đề của nạn nhân. Thậm chí, chúng có thể giả vờ hỗ trợ giải quyết khó khăn nhằm tạo dựng lòng tin tuyệt đối.
Bước 3: Bắt đầu “tấn công”
Khi đã lấy được lòng tin, các đối tượng đưa ra yêu cầu chuyển tiền với những lý do như: hỗ trợ dự án, nhờ vả cá nhân, hoặc giúp đỡ tài chính trong ngắn hạn. Đối tượng còn giả mạo biên lai chuyển tiền để khiến nạn nhân không kịp nghi ngờ. Một khi tiền được chuyển đi, các đối tượng lập tức chặn liên lạc và biến mất.
Những vụ lừa đảo như trên cho thấy sự tinh vi và chuyên nghiệp của các nhóm tội phạm mạng. Để tránh trở thành nạn nhân, mọi người cần lưu ý:
Cẩn trọng với các lời mời kết bạn bất thường: Cán bộ chính quyền hiếm khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để liên hệ công việc. Hãy xác minh danh tính nếu nhận được những yêu cầu bất thường.
Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng: Dù đối phương có đưa ra lý do thuyết phục đến đâu, hãy từ chối và liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để kiểm tra.
Không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào: Trước khi chuyển khoản, hãy xác minh qua nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt khi đối phương yêu cầu ứng trước số tiền lớn.
Sự việc này là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Công an địa phương này cũng khuyến nghị mọi người cần chủ động bảo vệ hình ảnh cá nhân, tránh để các đối tượng lợi dụng.
(Nguồn: Sichuan Legal News)