Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa chất hành tinh Cynthia B. Phillips từ Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA cho thấy đã có sự thay đổi bí ẩn trong các hình ảnh chụp một khu vực trên "mặt trăng sự sống" Enceladus của Sao Thổ từ năm 2009 đến gần đây.
Sử dụng dữ liệu từ hai tàu vũ trụ Voyager và Cassini, TS Phillips chỉ ra một cấu trúc dạng đốm đen rõ ràng xuất hiện trong dữ liệu tháng 11-2009 tại một khu vực trên bề mặt Enceladus.
Thế nhưng, đến năm 2012, đốm đen này mờ dần đến mức khó nhận diện và giờ đây, nó đã hoàn toàn biến mất trong các hình ảnh rõ ràng hơn.
Theo Space.com, TS Phillips và các cộng sự tại NASA vẫn chưa thể giải đáp đốm đen đó là gì; vì sao nó hiện ra và biến mất.
Tuy nhiên, một sự thay đổi rõ rệt như vậy cho thấy có một thứ đang chuyển động trên "mặt trăng sự sống" mà NASA đã đặt rất nhiều kỳ vọng này. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số lập luận, giả thuyết.
Họ không cho rằng đó là người ngoài hành tinh.
Mặc dù tin tưởng Enceladus có sự sống nhưng các nhà khoa học NASA cho rằng đó là các dạng sống thô sơ hơn trên Trái Đất nhiều và hầu hết là sinh vật dưới nước, trú ngụ trong đại dương ngầm bên dưới vỏ băng.
Đầu tiên, các phân tích đã loại trừ khả năng quan sát năm 2009 là lầm lẫn, cũng như khẳng định đây không phải bóng của thứ gì đó.
Họ cũng xem xét các hình ảnh chụp bằng tia cực tím và màu, tiết lộ rằng đốm đen thực ra có màu nâu đỏ, không giống các vùng tối màu xanh lam ở các nơi khác của mặt trăng này.
TS Philipps cho rằng khả năng cao nhất đó là một hố va chạm.
"Nó tối có thể là do một khối vật chất tối nào đó rơi xuống bề mặt. Bạn có thể thấy một số vật thể va chạm còn sót lại, giải thích tại sao nó có màu kỳ lạ đó. Hoặc bạn thấy rằng khi va chạm, sự kiện đã để lộ ra một loại đá nền băng có màu khác" - TS Philipps giải thích.
Kịch bản tiếp theo còn thú vị hơn: Màu nâu đỏ này là của một thứ xuất hiện từ bên dưới, có thể phản ánh thành phần ẩn giấu của Enceladus. Mặc dù vậy, kịch bản này được cho là không khả thi lắm.
Ngoài ra, việc đốm đen hiện ra rồi biến mất cũng có khả năng phản ánh hoạt động địa chất nơi Enceladus, một hiện tượng mà các nhà khoa học kỳ vọng sẽ thấy. Trên Trái Đất, hoạt động địa chất góp phần không nhỏ trong việc duy trì một môi trường cần thiết cho sự sống.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng đốm đen dường như đang mờ dần vì các trầm tích từ các luồng khí Enceladus băng giá có thể đã che phủ nó.
"Chúng tôi biết toàn bộ bề mặt được bao phủ bởi các trầm tích luồng khí, giống như các lớp băng nhỏ tích tụ theo thời gian" - TS Phillips giải thích.
Việc phát hiện đốm đen kỳ lạ cũng là cơ hội đặc biệt tốt để nghiên cứu cơ chế này, dù bản chất của nó là cái gì.
Câu chuyện về đốm đen và Enceladus vẫn sẽ còn dài. Với niềm tin đặc biệt về khả năng tồn tại một đại dương sự sống, NASA đã có các kế hoạch thám hiểm kỹ lưỡng hơn hành tinh này.