“Từ ngày có các con, gia đình lúc nào cũng rộn ràng tiếng khóc cười của trẻ nhỏ”, chị Đỗ Thị Phương Anh vừa âu yếm nhìn các con vừa vui vẻ nói về tổ ấm nhỏ của mình.
Nhiều năm trước, có nằm mơ chị Phương Anh cũng không thể nghĩ rằng mình có niềm hạnh phúc như hiện tại. Chị và chồng - anh Đỗ Xuân Biển (đều sinh năm 1996, quê Thái Bình) kết hôn nhiều năm nhưng mãi vẫn chưa có con. Hai vợ chồng vừa làm công nhân vừa tích cóp kiếm tiền chạy chữa hiếm muộn.
Trong suốt quãng thời gian “tìm con” thất bại, cặp đôi thường xuyên phải chịu điều tiếng, chê bai từ hàng xóm như: “quá béo nên không đẻ được con”, “cây độc không trái”. Mỗi lần như thế, chị Phương Anh lại thấy đau đớn trong lòng. Nhưng may mắn, chị có mẹ chồng rất tâm lý, sẵn sàng đồng hành cùng các con trên hành trình chữa trị.
“Khi thấy những người xung quanh xì xào, bàn tán, mẹ sợ tôi buồn nên luôn động viên: “Mặc kệ họ nói con ạ, đừng để tâm”. Nghe bà an ủi, tôi rưng rưng nước mắt vì xúc động. Bà chính là điểm tựa tinh thần vững chắc, truyền động lực và khích lệ hai vợ chồng vượt qua mọi thử thách trên hành trình tìm kiếm phép màu của hạnh phúc”, chị Phương Anh xúc động khi kể về mẹ chồng.
Năm 2016, sau nhiều lần uống thuốc Đông y nhưng không có tác dụng, mẹ chồng khuyên chị Phương Anh nên chuyển sang điều trị Tây y tìm cơ hội mới.
Nghe lời mẹ, vợ chồng chị Phương Anh tìm tới các bác sĩ. Sau nhiều lần thăm khám, bác sĩ kết luận sức khỏe sinh sản của cả hai đều bình thường. Tuy nhiên, do hiếm muộn lâu năm, để tìm kiếm cơ hội có con, anh chị quyết định thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI). Dù vậy, sau nhiều lần thực hiện kết quả vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Năm 2019, chị Phương Anh vỡ òa hạnh phúc khi bất ngờ nhận tin mang thai tự nhiên. Niềm vui không kéo dài được bao lâu, bác sĩ thông báo chị mang thai ngoài tử cung, đã vỡ và buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một bên vòi tử cung.
Năm 2020, cả hai vay được 70 triệu đồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). May mắn, chị đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi. Thai kỳ của chị Phương Anh diễn ra thuận lợi. Bé gái chào đời khỏe mạnh.
Cuối năm 2023, chị Phương Anh tiếp tục đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để chuyển phôi. Lần này, chị đậu thai đôi, cả thai kỳ khoẻ mạnh. Đến tuần thứ 36, chị sinh hai bé một trai, một gái.
Giờ đây, hai con đã 3 tháng tuổi, ngôi nhà luôn tràn ngập tiếng cười, lời nói của từng thành viên trong gia đình. Chứng kiến các con lớn lên mỗi ngày, chị Phương Anh thấy mọi khó khăn trước đây 2 vợ chồng từng trải qua đều đã lùi xa.
BS CKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học Hiếm muộn và Hà Nội cho biết, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiếm muộn được định nghĩa là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất một năm sinh hoạt bình thường, không ngừa thai. Người càng lớn tuổi, đặc biệt sau 35 tuổi, khả năng có thai sẽ giảm.
Hiện nay người ta có khuynh hướng rút ngắn thời gian chẩn đoán hiếm muộn xuống 6 tháng (thay vì 1 năm) cho những cặp vợ chồng lớn tuổi (trên 35 tuổi).
Hiếm muộn không phải hoàn toàn là do nguyên nhân từ phía người phụ nữ. Khoảng 40% nguyên nhân từ người chồng, khoảng 40% nguyên nhân từ vợ và phần còn lại là do nguyên nhân từ cả hai vợ chồng. Việc đi khám và tìm nguyên nhân của hiếm muộn cần thiết phải có mặt của cả hai vợ chồng.