Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô vợ đã chia sẻ nỗi ấm ức của bản thân khi bị chồng coi thường.
Cô cho biết bản thân không may thất nghiệp vào tháng cuối năm. Trước đó, cô làm lễ tân khách sạn và chỉ làm ca giờ hành chính. Sau khi nghỉ việc, cô ở nhà lo cơm nước cho chồng con và dạy con học. Tuy nhiên, người chồng lại cho rằng cô “chẳng làm tốt việc gì, đang tự biến mình thành người giúp việc”.
Bức ảnh đoạn chat của cô và chồng. Trong đó, anh chồng có nhắn: "Càng ngày em càng tự trở thành người giúp việc, là do em chứ không phải anh biến em thành như vậy"
“- Việc nhà: Em làm tất cả công việc nội trợ, chồng đi làm về em sẽ nấu nước cho anh tắm, dọn cơm, rót nước tận tay. Em nghĩ rằng nếu mình đã ở nhà thì phải cố gắng làm hết, để chồng yên tâm đi làm kiếm tiền.
- Dạy con: Em dạy những điều cơ bản, ứng xử và nói chuyện lịch sự với mọi người, dạy hai đứa học bài, đọc sách, rèn tiếng Việt, toán, tiếng Anh. Em có 2 con trai, 1 bé 8 tuổi, 1 bé 5 tuổi.
- Nấu ăn: Tuần 7 ngày sẽ có 7 mâm cơm khác nhau, nhưng đan xen chứ không có việc mỗi ngày đều khác, vì anh yêu cầu ăn uống đi chợ không được quá 150k/ngày.
Giờ anh nói vậy, em cảm thấy những cố gắng trong từng việc em làm điều là vô nghĩa, em thực sự thấy ấm ức. Em bị tổn thương là do em quá nhạy cảm, em sai, hay em thấy bị xúc phạm là em đúng?” - Cô vợ viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều đứng về phía cô vợ, đồng cảm với cảm giác tổn thương của cô lúc này. Nhưng cũng có người cho rằng có thể anh chồng không thực sự có ý coi cô là “người giúp việc”, anh chỉ muốn chia sẻ để cô có động lực phấn đấu nhưng cách nói có phần chưa được khéo léo mà thôi.
“Bạn không sai gì cả. Nếu có sai thì chỉ là chọn sai chồng thôi. Nhanh nhanh kiếm việc làm, tự chủ tài chính, việc nhà thì phân chia ra cùng làm, dạy con thì cùng dạy” - Một người an ủi cô vợ.
“Mình thấy ấn tượng câu "tự em biến em thành người giúp việc". Có nghĩa là những điều bạn đang làm, thì chỉ mình bạn nghĩ là đúng thôi, còn chồng bạn thì không cần điều ấy. Mình phải biết cách tạo nên giá trị cho bản thân mình bạn à, đừng để người khác coi thường. Chồng mình lương gấp đôi mình, đưa 100% lương cho mình nhưng chưa bao giờ dám chê mình 1 câu, mà công việc của mình là lao động chân tay thôi chứ cũng chẳng cao sang gì” - Một người bày tỏ quan điểm.
“Thất nghiệp là tạm thời thôi mà, chứ có phải ở nhà luôn đâu, thế nên mình thấy bạn đúng là đang tự biến mình thành osin. Lúc còn đi làm sao thì giờ vẫn nên như vậy, sao tự dưng phải cơm bưng nước rót, hạ thấp bản thân chỉ vì tạm thời thất nghiệp. Chính bạn đang cho chồng cơ hội ở cửa trên để giáo huấn bạn đấy” - Một người thẳng thắn chia sẻ.
Trong quá trình chung sống, xây dựng gia đình, chắc chắn không thể tránh khỏi việc bất đồng quan điểm/suy nghĩ, dù là trong khía cạnh tài chính hay bất kỳ khía cạnh nào khác.
Dẫu vậy, để việc tranh luận không khiến tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ nghiêm trọng, bạn phải tuyệt đối lưu tâm 3 vấn đề dưới đây.
1 - Hạn chế tranh luận qua tin nhắn
Nếu có phát sinh bất đồng, tốt nhất là vợ chồng nên ngồi xuống, mặt đối mặt và chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của mình với đối phương. Việc này đảm bảo cả hai không hiểu sai ý nhau, vì tranh luận qua tin nhắn rất dễ dẫn tới tình cảnh “ông nói một đằng, bà hiểu một nẻo”. Tựu trung là không hiệu quả.
2 - Chuẩn bị tinh thần và tiền bạc cho những tình huống phát sinh ngoài ý muốn
Trong bối cảnh hiện nay, ai cũng có thể bất ngờ rơi vào cảnh thất nghiệp, giống như cô vợ trong câu chuyện phía trên. Chính bởi vậy, việc chuẩn bị tinh thần và tài chính cho những tình huống không mong muốn, là bước quan trọng để tình cảm vợ chồng không bị sứt mẻ, đồng thời, đảm bảo cuộc sống của gia đình không bị bấp bênh do thiếu tiền bạc, tài chính.
Tuỳ vào mức thu nhập hiện tại của gia đình mà bạn có thể cân nhắc trích ra 10% hoặc hơn, để xây dựng quỹ dự phòng, phòng khi cấp bách. Cần phân biệt rạch ròi giữa quỹ dự phòng với tiền tiết kiệm. Một khoản là để trang trải cuộc sống khi có biến cố bất ngờ, một khoản là để tích luỹ cho tương lai dài hạn. Chúng không giống nhau, và không nên gộp vào làm 1.
3 - Trân trọng và tôn trọng mọi nỗ lực, cố gắng của đối phương
Dù đó là nỗ lực kiếm tiền hay nỗ lực lo chuyện cơm nước, dạy con, vun vén gia đình. Nỗ lực nào cũng quan trọng và đáng được trân trọng như nhau. Học cách tôn trọng và trân trọng sự cố gắng của đối phương là nền tảng để vợ chồng chung sống hoà thuận.