Mới đây, tại TP HCM đã có một phụ nữ (52 tuổi, ở Bình Chánh) tử vong do bệnh viêm não mô cầu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng do não mô cầu thể tối cấp, phát ban.
Nữ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) cấp cứu trong tình trạng thở nhanh, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, hoại tử một vài vị trí trên cơ thể. Trước đó 1 ngày, bệnh nhân sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân buổi sáng, đến chiều cùng ngày xuất hiện các mảng ban màu hồng tím từ cánh tay lan ra toàn thân. Ngay sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh, thuốc vận mạch, được chẩn đoán viêm não mô cầu. Tuy nhiên, tình trạng nặng, bệnh nhân đã tử vong sau 6 giờ nhập viện.
Qua điều tra dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đã xác định 2 người tiếp xúc gần (người nhà bệnh nhân). Cả 2 đều chưa có triệu chứng nghi ngờ bệnh, đang được theo dõi, cấp kháng sinh dự phòng, theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngoài thực hiện các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định, HCDC cũng đã kích hoạt quy trình chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các tỉnh liên kết vùng để phối hợp điều tra dịch tễ.
Giữa tháng 6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân là cha con đến từ tỉnh Bắc Kạn do viêm màng não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết. Trước đó, 2 người thân trong gia đình này đã tử vong với những triệu chứng giống nhau. Đầu tiên là con gái (22 tháng tuổi) xuất hiện sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, kèm theo nổi ban xuất huyết vùng gối và mặt sau lan ra toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém. Dù được điều trị tích cực nhưng bé đã không qua khỏi. Ba ngày sau, mẹ bé cũng bị sốt cao, đi ngoài phân lỏng nhiều lần kèm theo nổi ban xuất huyết. Bà nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và tử vong sau vài giờ vào viện.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn cũng ghi nhận ca mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Đó là bệnh nhân nam, 22 tuổi, khởi phát với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt, có cơn rét run. Hai ngày sau, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ, sốt cao lơ mơ, cứng gáy…
Theo các bác sĩ, bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính vi khuẩn (Neisseria meningitidis), thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra (người bệnh và người lành mang trùng). Trong đó, nhóm đối tượng nguy cơ cao là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi đang học tập, sinh hoạt trong khu vực đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư…) và người cơ địa suy giảm miễn dịch.
Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Đây là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với các ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Bệnh nguy hiểm bởi diễn biến rất nhanh, thậm chí trong 24-48 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên có thể giết chết một người đang khỏe mạnh. Người bệnh cũng có thể phải đối diện với những di chứng nặng nề như hoại tử chi, điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý. Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi họng, từ đó lan tỏa vào máu gây nhiễm trùng máu hoặc đến màng não gây viêm màng não mủ. Người bị viêm não mô cầu thể viêm mũi họng thường bị sốt 38-39 độ C, tình trạng sốt kéo dài 1-7 ngày... kèm theo đó là biểu hiện đau đầu, rát họng, chảy nước mũi.
BS Trần Quang Đại, Phòng Tiêm chủng vắc-xin - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh viêm não mô cầu không phải là bệnh hiếm gặp nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Viêm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường khó chẩn đoán sớm và tiến triển nhanh. Bệnh xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Đối với những ca không điển hình thường có biểu hiện như sốt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng; đối với ca đặc trưng thường xuất hiện phát ban xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng…
Theo TS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm màng não do não mô cầu rất khó để chẩn đoán đúng ở giai đoạn sớm. Nhiều trường hợp được người nhà cho nhập viện khi đã xuất hiện tử ban, co giật, hôn mê, khi đó đã muộn để can thiệp y tế. Nguyên nhân là bởi bệnh diễn tiến rất nhanh nhưng các triệu chứng ban đầu chỉ giống như một số bệnh cảnh thông thường, không đặc hiệu như sốt, đau họng, buồn nôn... khiến bệnh nhân và người nhà dễ nhầm với cúm hoặc sốt virus. Do đó, người dân thường chủ quan, chọn chăm sóc và điều trị tại nhà chứ không đến khám tại cơ sở y tế. "Vì thế, ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng cổ, ù tai, sợ ánh sáng... cần nghĩ ngay tới bệnh viêm màng não và cho trẻ đi thăm khám kịp thời" - BS Hải khuyến cáo.
Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh viêm màng não mô cầu có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn, điển hình như co giật, hôn mê... thì não đã bị ảnh hưởng, có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. "Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, nơi ở, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh, dự phòng bằng thuốc và tiêm vắc-xin để phòng bệnh. Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin đủ và đúng lịch. Thường sau 3 mũi tiêm ở 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm nhắc lại các mũi sau 3-5 năm sau, đến khi 16 tuổi" - một chuyên gia lưu ý.
25% người lành mang trùng
Theo Sở Y tế TP HCM, trong cộng đồng có đến từ 5%-25% người lành mang trùng ở mũi, hầu, họng bệnh viêm não mô cầu; tại khu vực ổ dịch, tỉ lệ này cao hơn. Bệnh có các thể lâm sàng như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim,... trong đó thường gặp viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt, bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10%-20%; tỉ lệ tử vong từ 8%-15%.