Bệnh nhân Mỹ nhiễm Covid-19 "choáng" với hóa đơn viện phí hơn 800 triệu đồng và vấn đề nan giải: Nhiễm virus thì phải chữa, nhưng ai trả tiền?

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 21/03/2020

Câu chuyện éo le của bệnh nhân nhiễm Covid-19 Danni Askini đã hé lộ một vấn đề khiến việc kiểm soát dịch tại Mỹ trở nên khó khăn. Bởi, nếu phải trả nhiều tiền vậy, ai mà đi chữa nữa?

*Câu chuyện của Danni Askini - một bệnh nhân dương tính với Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, được ghi lại trên tạp chí Times.

Một ngày thứ 7 cuối tháng 2, Danni Askini bắt đầu nhận thấy loạt triệu chứng ập đến cùng lúc: đau ngực, đau đầu và khó thở. Cô gọi cho vị bác sĩ cá nhân - người đang giúp cô điều trị bệnh ung thư máu để xin ý kiến.

Vị bác sĩ khi đó nhận định rằng Askini đang có những phản ứng không tốt với thuốc, nên quyết định chuyển cô đến một phòng cấp cứu ở Boston. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm phổi, kê đơn thuốc rồi để cô ra về.

Những ngày kế tiếp, thân nhiệt của cô tăng giảm bất thường và nguy hiểm, thường xuyên ho ra tiếng với âm thanh rất đặc trưng bởi phổi bị tích nước. Sau 2 lần phải cấp cứu trong tuần đó, đến ngày thứ 7 Askini mới được làm xét nghiệm. Nhưng trong thời gian đợi kết quả, cô được bác sĩ cho về hồi phục tại nhà sau khi kiểm soát được phần nào các triệu chứng.

3 ngày sau, kết quả trả về. Askini đã dương tính với Covid-19!

Bệnh nhân Mỹ nhiễm Covid-19 choáng với hóa đơn viện phí hơn 800 triệu đồng và vấn đề nan giải: Nhiễm virus thì phải chữa, nhưng ai trả tiền? - Ảnh 1.

Nhưng mọi chuyện không chỉ có vậy. Những ngày sau, Askini đã phải choáng ngợp khi nhận được tờ hóa đơn lên tới $34.927,43 (tương đương hơn 800 triệu đồng tiền Việt), bao gồm chi phí xét nghiệm và điều trị.

"Tôi thực sự đã choáng," - cô chia sẻ. "Bản thân tôi hình như cũng chẳng quen ai có nổi ngần ấy tiền."

Askini - cũng như 27 triệu người Mỹ khác - không có bảo hiểm khi nhập viện. Vợ chồng cô đang dự tính chuyển đến Washington D.C để phục vụ công việc mới của mình, nhưng đã chưa thể bắt đầu. Và giờ thì kế hoạch ấy chắc chắn phải ngưng lại.

Hiện tại, Askini đang cố gắng nộp đơn vào Medicaid - chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ tài trợ và hy vọng họ sẽ giải quyết giúp cô số tiền khổng lồ kia. Nếu không, đó sẽ là khoản nợ của cô, và việc trả nó chắc chắn là không dễ dàng.

Nhưng Askini chắc chắn không phải trường hợp duy nhất. Các chuyên gia y tế dự đoán sẽ có hàng vạn, thậm chí là hàng triệu người ở Mỹ cần phải nhập viện điều trị vì nhiễm virus corona trong tương lai gần. Và dĩ nhiên, nhiều khả năng rất đông trong số đó cũng không có bảo hiểm, và phải chịu một khoản viện phí trên trời.

Bệnh nhân Mỹ nhiễm Covid-19 choáng với hóa đơn viện phí hơn 800 triệu đồng và vấn đề nan giải: Nhiễm virus thì phải chữa, nhưng ai trả tiền? - Ảnh 2.

Chi phí xét nghiệm giờ đã được miễn, nhưng tiền điều trị thì chưa

Quốc hội Mỹ hiện cũng chưa thể giải quyết câu chuyện này. Ngày 18/3, chính phủ thông qua đạo luật cho phép trang trải chi phí xét nghiệm, nhưng đã không đề cập đến tiền điều trị.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết hầu hết những người nhiễm Covid-19 sẽ không cần phải nhập viện mà có thể tự hồi phục tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp nặng sẽ cần đến dịch vụ chăm sóc đặc biệt (ICU), để lại những khoản viện phí khổng lồ dù có bảo hiểm hay không. Chính phủ Mỹ hiện đang cố gắng sắp xếp những gói cứu trợ để làm giảm gánh nặng kinh tế sau dịch, nhưng chắc chắn vẫn có những hậu quả nhất định.

Chi phí nhập viện điều trị Covid-19 tại Mỹ là bao nhiêu?

Con số sẽ không thể nói rõ ràng, vì hệ thống y tế của Mỹ chưa có sự đồng nhất. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào việc người bệnh có bảo hiểm hay không, loại bảo hiểm là gì và số tiền đã đóng nữa.

Theo báo cáo mới từ tổ chức y tế phi chính phủ Kaiser Family Foundation tại Mỹ, ước tính tổng chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 - có bảo hiểm lao động và bệnh không có biến chứng - sẽ rơi vào khoảng 9.763 USD (hơn 224 triệu đồng). Trường hợp có biến chứng, hóa đơn viện phí có thể lên tới hơn 20.200 USD.

Bệnh nhân Mỹ nhiễm Covid-19 choáng với hóa đơn viện phí hơn 800 triệu đồng và vấn đề nan giải: Nhiễm virus thì phải chữa, nhưng ai trả tiền? - Ảnh 3.

Có bảo hiểm và không có bảo hiểm

Hầu hết các công ty bảo hiểm y tế tư nhân sẽ đứng ra chi trả các khoản tiền cần thiết khi có biến chứng, nhưng sẽ không bao gồm khoản khấu trừ - số tiền bạn phải trả trước khi bảo hiểm được áp dụng.

80% bảo hiểm lao động ở Mỹ có khoản khấu trừ, và mức trung bình mỗi người rơi vào khoảng $1655 (hơn 38 triệu đồng). Để cho dễ hiểu thì khi có bệnh, bạn sẽ phải trả $1655 trước, bảo hiểm sẽ thanh toán phần còn lại. Và trong trường hợp viện phí dưới mức khấu trừ, bạn sẽ phải chịu hoàn toàn.

Bệnh nhân Mỹ nhiễm Covid-19 choáng với hóa đơn viện phí hơn 800 triệu đồng và vấn đề nan giải: Nhiễm virus thì phải chữa, nhưng ai trả tiền? - Ảnh 4.

Với loại hình bảo hiểm cá nhân, chi phí khấu trừ cũng sẽ cao hơn. Như năm 2019, khoản khấu trừ của một người lên tới $5861 (khoảng 135 triệu đồng). Theo tính toán của tổ chức Kaiser, nhìn chung người bệnh có bảo hiểm sẽ phải trả tầm 1300 USD, bất kể biến chứng, vì đa số nhập viện sẽ tiêu tốn nhiều hơn thế.

Nhưng đó là với những người "may mắn" có bảo hiểm. Như đã đề cập, 27 triệu người Mỹ hiện không có bảo hiểm y tế, và họ sẽ phải trả toàn bộ viện phí - có thể lên tới vài chục ngàn đô.

Trên thực tế, chi phí điều trị trong bệnh viện ở Mỹ sẽ cao hơn rất nhiều ở một phòng khám thông thường. Như trường hợp của Danni Askini, lần nhập viện ở Boston vào ngày 29/2 đã ngốn của cô $1.804 tiền cấp cứu, kèm $3.841 phí dịch vụ bệnh viện. Tiền làm xét nghiệm cũng sẽ rất cao, bởi đôi khi chúng sẽ không được bao gồm trong phí bảo hiểm.

Nhiễm virus thì buộc phải chữa, nhưng ai trả tiền?

Những gì nêu trên thực chất là chuyện không hề mới. Từ trước đến nay, nước Mỹ đã nổi tiếng với chi phí khám bệnh ở mức cao bậc nhất thế giới. Nhưng với tình hình đại dịch Covid-19 đang quét qua, nó lại trở thành vấn đề cấp bách.

Rất nhiều người tại Mỹ nhiễm bệnh phải đối mặt với số tiền viện phí khổng lồ. Sẽ có những người không thể trả nổi, và họ chọn cách không cần xét nghiệm, cũng chẳng cần chữa. Vô hình chung, nó khiến việc kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ trở nên khó khăn.

"Xã hội sẽ chẳng được lợi ích gì khi những người nhiễm virus không được chữa mà phải giấu bệnh, để rồi khiến người khác bị lây." - Caitlin Donovan, chuyên gia từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân Quốc gia (NPAF).

Tham khảo: Times

Bệnh nhân Mỹ nhiễm Covid-19 choáng với hóa đơn viện phí hơn 800 triệu đồng và vấn đề nan giải: Nhiễm virus thì phải chữa, nhưng ai trả tiền? - Ảnh 6.