Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không mà khiến WHO phải tuyên bố nó là tình trạng khẩn cấp toàn cầu?

Tịnh Tâm, Theo Trí Thức Trẻ 13:41 25/07/2022

Căn bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra không giống như Covid-19, nhưng có nguyên nhân khiến nó trở nên đáng lo ngại. Đây là cách các chuyên gia đang nghĩ về nó.

Các ca bệnh đậu mùa khỉ đang gia tăng trên toàn thế giới. Hôm thứ Bảy (23/7), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Sau hơn 2 năm sống chung với đại dịch (Covid-19), có thể hiểu được thông tin về một loại virus mới lây lan trên toàn cầu có thể gây hoang mang, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng bệnh đậu mùa khỉ khó có thể tạo ra một kịch bản tương tự như virus SARS-CoV-2.

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là một loại virus mới và nó lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần, vì vậy WHO đã yêu cầu các chuyên gia tìm hiểu rõ hơn về mầm bệnh - và căn bệnh mà nó gây ra khác với Covid-19 như thế nào.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không mà khiến WHO phải tuyên bố nó là tình trạng khẩn cấp toàn cầu? - Ảnh 1.

Ảnh: Spanish News

Bệnh đậu mùa khỉ lây như thế nào?

Trước đây, người ta thường mắc bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm bệnh. Ellen Carlin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown, người nghiên cứu về các bệnh lây truyền từ động vật sang người, sự lây nhiễm có thể là do động vật cắn, cào, dịch cơ thể, phân hoặc do ăn thịt chưa được nấu chín.

Loại virus này được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958, nhưng các nhà khoa học cho rằng loài gặm nhấm là vật mang bệnh đậu mùa khỉ chính trong tự nhiên. Nó chủ yếu được tìm thấy ở Trung và Tây Phi, đặc biệt là ở các khu vực gần rừng mưa nhiệt đới - và sóc dây, sóc cây, chuột túi Gambian và chuột ngủ đông đều được xác định là những vật mang mầm bệnh tiềm năng.

Tiến sĩ Carlin nói: ''Virus có thể đã lưu hành trong những con vật này trong một thời gian rất dài. Và phần lớn, nó đã ở trong các quần thể động vật".

Trường hợp mắc bệnh đậu mùa trên người đầu tiên được phát hiện vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Kể từ đó, virus này thường xuyên gây ra các vụ dịch nhỏ, mặc dù hầu hết chỉ giới hạn ở vài trăm trường hợp ở 11 quốc gia Châu Phi.

Trong quá khứ, một số ít trường hợp đã đến các lục địa khác do du khách mang theo hoặc nhập khẩu các động vật ngoại lai đã truyền virus cho vật nuôi trong nhà và sau đó cho chủ nhân của chúng.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không mà khiến WHO phải tuyên bố nó là tình trạng khẩn cấp toàn cầu? - Ảnh 2.

Virus đậu mùa khỉ là một loại virus DNA sợi đôi, lây nhiễm vào các tế bào và sau đó nhân lên bên trong tế bào chất của chúng (Ảnh: Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh)

Có thể virus đã tiến hóa để dễ lây lan hơn trong đợt bùng phát này. Các nhà nghiên cứu xác định trình tự virus đậu mùa khỉ từ các trường hợp gần đây đã ghi nhận một số đột biến, nhưng có thể mất một thời gian để hiểu được vai trò của những thay đổi này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể được kiểm soát. ''Sự lây truyền thực sự xảy ra khi tiếp xúc vật lý gần gũi, tiếp xúc da với da. Vì vậy, nó hoàn toàn khác với Covid'', Tiến sĩ Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19 nói.

Theo WHO, virus đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan khi chạm vào hoặc dùng chung các vật dụng bị nhiễm bệnh như quần áo và giường ngủ, hoặc do các giọt bắn tiết ra khi hắt hơi hoặc ho.

Điều đó nghe có vẻ quen thuộc một cách kỳ lạ vì trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia đã nói rằng SARS-CoV-2 cũng ít lây truyền từ người sang người ngoài các giọt bắn và các bề mặt bị chứa virus. Nghiên cứu sau đó cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây lan qua các hạt nhỏ hơn nhiều được gọi là sol khí với khả năng di chuyển khoảng cách lớn hơn 6 feet (khoảng 2 mét). Nhưng điều đó không có nghĩa là điều tương tự cũng sẽ đúng với virus đậu mùa khỉ, Luis Sigal, một chuyên gia về bệnh đậu mùa tại Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia cho biết.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không mà khiến WHO phải tuyên bố nó là tình trạng khẩn cấp toàn cầu? - Ảnh 3.

Ảnh: The Economic Times

Các đường lây truyền bệnh đậu khỉ khác bao gồm từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh cho đến nay là ở nam giới trẻ tuổi, nhiều người trong số đó tự nhận mình là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy việc lây truyền bệnh đậu khỉ xảy ra qua tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác được trao đổi trong quá trình quan hệ tình dục. Thay vào đó, tiếp xúc với các tổn thương bị nhiễm trùng khi quan hệ tình dục có thể là một con đường hợp lý hơn. Tiến sĩ Andy Seale, cố vấn của Chương trình HIV, viêm gan và STIs của WHO, cho biết mọi người có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ khi tiếp xúc gần gũi.

Các triệu chứng và mức độ tồi tệ của nhiễm trùng đậu mùa khỉ có thể xảy ra?

Bệnh đậu mùa khỉ cùng họ virus với bệnh đậu mùa, nhưng nó thường là một tình trạng nhẹ hơn nhiều, theo CDC Hoa Kỳ. Trung bình, các triệu chứng xuất hiện trong vòng 6 đến 13 ngày kể từ ngày tiếp xúc, nhưng có thể mất đến 3 tuần. Những người bị bệnh thường bị sốt, nhức đầu, đau lưng và đau cơ, sưng hạch bạch huyết và kiệt sức.

Khoảng 1 đến 3 ngày sau khi bị sốt, hầu hết mọi người cũng phát ban đau đớn, đó là đặc điểm của bệnh do họ poxvirus gây ra. Bệnh bắt đầu với những vết đỏ phẳng trên mặt, bàn tay, bàn chân, miệng hoặc bộ phận sinh dục của bệnh nhân, chúng dần nổi lên và chứa đầy mủ trong vòng 5 đến 7 ngày tiếp theo. Nhiều trường hợp gần đây chỉ có một tổn thương duy nhất hoặc một vài mụn mủ trên bộ phận sinh dục mà không lan ra các phần còn lại của cơ thể. (Mặc dù bệnh thủy đậu gây ra phát ban trông tương tự, nhưng nó không phải là một loại virus họ poxvirus mà là do virus varicella-zoster không liên quan gây ra).

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không mà khiến WHO phải tuyên bố nó là tình trạng khẩn cấp toàn cầu? - Ảnh 4.

Nguồn: CDC Hoa Kỳ, WHO. Ảnh: CNN

Angela Rasmussen, nhà virus học tại Tổ chức vắc xin và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan ở Canada, cho biết một khi mụn mủ của người bệnh đóng vảy và bong ra, trong vòng 2-4 tuần, virus sẽ không còn khả năng lây nhiễm nữa.

Trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch cơ bản có thể bị các trường hợp nghiêm trọng hơn, nhưng bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong. Mặc dù một chủng virus được tìm thấy ở Trung Phi có thể giết chết tới 10% số người bị nhiễm bệnh, nhưng chưa có trường hợp tử vong nào được xác nhận bên ngoài Châu Phi trong đợt bùng phát hiện tại.

Phát ban dễ nhận biết của bệnh đậu mùa khỉ, cũng như các triệu chứng trước đó của nó, có thể được coi là dấu hiệu nhận biết bệnh sớm - điều có lợi cho việc ngăn chặn dịch bệnh. Tiến sĩ Rasmussen cho biết: ''Một trong những điều thách thức nhất đối với Covid-19 là nó có thể lây lan không triệu chứng hoặc ít có triệu chứng, bởi những người bệnh không biết rằng họ đang bị nhiễm bệnh''. Hầu hết các chuyên gia nói rằng bệnh đậu mùa khỉ thường dễ lây lan sau khi các triệu chứng xuất hiện, mặc dù trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể nhẹ. Vẫn có nhiều cơ hội để truyền bệnh đậu mùa khỉ trong những ngày đầu nhiễm trùng, khi các triệu chứng không đáng chú ý.

Mối đe dọa đang gia tăng, cách nào để phòng tránh?

Tiến sĩ Sigal cho biết các loại virus DNA như bệnh đậu mùa khỉ thường rất ổn định và tiến hóa cực kỳ chậm so với các loại virus RNA như SAR-CoV-2 hoặc Ebola. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu xem khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng hoặc các đặc điểm khác của virus có thay đổi hay không dựa trên các chuỗi gen được thu thập từ một số bệnh nhân.

Tuy nhiên, các chuyên gia có một số giải thích cho sự gia tăng tần suất bùng phát dịch bệnh ở Châu Phi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ con người nhiễm virus do tiếp xúc với động vật - còn được gọi là lan truyền từ động vật - đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây. Sự gia tăng đô thị hóa và nạn phá rừng đồng nghĩa với việc con người và động vật hoang dã tiếp xúc thường xuyên hơn. Một số loài động vật mang virus truyền bệnh từ động vật sang người, như dơi và động vật gặm nhấm, đã thực sự trở nên quen thuộc hơn, trong khi những loài khác đã mở rộng (phạm vi sống) hoặc thích nghi môi trường sống của chúng do sự phát triển đô thị và biến đổi khí hậu.

Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không mà khiến WHO phải tuyên bố nó là tình trạng khẩn cấp toàn cầu? - Ảnh 5.

Những biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 cũng có hiệu quả trong việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Daily Express)

Tiến sĩ Rasmussen nói: ''Có nhiều cơ hội hơn để các mầm bệnh tương đối hiếm xâm nhập vào các cộng đồng mới, tìm vật chủ mới và đi đến những nơi mới''.

Mặc dù đại dịch tạm lắng trong thời gian ngắn, mọi người cũng đi du lịch thường xuyên hơn và đến nhiều nơi trên thế giới hơn so với chỉ một thập kỷ trước. Và hiện nay sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, những trường hợp mới có thể không phải lúc nào cũng có tiền sử đi trực tiếp đến các quốc gia lưu hành bệnh ở Châu Phi.

Tiến sĩ Rasmussen nói: ''Nguy cơ chính đối với mọi người ngày nay liên quan đến virus vẫn là Covid-19. Tin tốt là nhiều biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Covid - cách xa xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hành vệ sinh tay tốt và khử trùng bề mặt - cũng sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ''.

Nguồn: The New York Times

https://kenh14.vn/benh-dau-mua-khi-co-nguy-hiem-khong-ma-khien-who-phai-tuyen-bo-no-la-tinh-trang-khan-cap-toan-cau-20220725112518666.chn