Bé gái sốt không rõ nguyên nhân cả tháng, đi nhiều viện nhưng không tìm ra bệnh
Sốt không rõ nguyên nhân, xương khắp cơ thể đều xuất hiện triệu chứng bất thường, gan lá lách to, hạch cổ... bé gái 9 tuổi người Trung Quốc đã đến rất nhiều bệnh viện để điều trị nhưng không có kết quả. Một số bệnh viện, cơ sở y tế nghi ngờ các bệnh nhiễm trùng nhưng sau khi điều trị, trẻ vẫn sốt tái phát. Có bệnh viện nghi ngờ xuất hiện khối u nhưng không tìm được bằng chứng thuyết phục.
Cuối cùng, bé được chuyển đến Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải thuộc Trường Y trực thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải (trước đó là Đại học Y khoa số 2 Thượng Hải, Trung Quốc) để điều trị.
Bác sĩ Tào Thanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải cho biết, khi trẻ nhập viện đã có hiện tượng sốt không rõ nguyên nhân trong vòng một tháng. Cứ trong khoảng từ 6 - 8 giờ, cơn sốt lặp lại một lần, trung bình khoảng 3 - 4 cơn sốt mỗi ngày. Nhiệt độ cao nhất từ 39 - 40 độ C.
Ngoài ra, trẻ không có triệu chứng gì khác. Tuy nhiên, khi khám thấy trẻ có gan lách to, sờ thấy hạch 20mm*10mm ở cổ trái. Đồng thời, sau khi chụp MRI cũng có dấu hiệu bất thường về xương khắp cơ thể.
Anh MRI toàn thân trẻ
Khám sơ bộ cho thấy trẻ bị thiếu máu nhẹ (Hb 94 g/L), protein phản ứng C tăng nhẹ (18 mg/L) và tốc độ máu lắng tăng cao (90 mm/h). Nhưng bạch cầu, ferritin, LDH, chức năng miễn dịch, chức năng gan và thận đều ở mức bình thường.
Theo hồ sơ bệnh án, trẻ được tiêm ceftriaxone tĩnh mạch trong 5 ngày tại bệnh viện địa phương, sau đó được dùng meropenem và linezolid trong 7 ngày nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm.
Đồng thời, nhiều xét nghiệm khác cho thấy khả năng trẻ mắc bệnh lây nhiễm dường như đã được loại trừ. Sau khi siêu âm B và chụp MRI vùng bụng, bác sĩ Tào Thanh nghi ngờ trẻ có khối u ác tính:
"Đặc biệt là tốc độ lắng đọng hồng cầu của trẻ em cũng cao, cộng với những thay đổi về xương trên toàn cơ thể, điều này cũng thường thấy ở bệnh ung thư hạch".
Ảnh MRI
Tuy nhiên, kết quả chụp PET-CT lại cho thấy, có nhiều thay đổi về mật độ xương trên toàn cơ thể trẻ và sự phì đại của gan, lá lách nhưng kết quả sinh thiết tủy xương vẫn không phát hiện tế bào khối u, điều này làm giảm khả năng có u ác tính trong cơ thể và loại trừ nhiễm trùng.
“Sau khi trẻ nhập viện, dù đã uống azithromycin và các loại thuốc khác nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn được duy trì ở khoảng 38°C”. Tào Thanh nói “Cha mẹ của trẻ muốn chẩn đoán rõ ràng nguyên nhân nên cuối cùng chúng tôi quyết định sử dụng phương pháp nội soi xâm lấn tối thiểu gan và lá lách”.
Vào ngày nội soi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm, bác sĩ huyết học và bác sĩ phẫu thuật tổng quát của Trung tâm Y tế Nhi đồng Thượng Hải đã cùng vào phòng mổ và phát hiện các tổn thương trên gan. Những tổn thương này một lần nữa gợi ý các bác sĩ về một số bệnh nhiễm nấm, vi khuẩn và bệnh ký sinh trùng hiếm gặp.
Đồng thời, mẫu bệnh phẩm tổn thương gan cũng được gửi đi giải trình tự NGS, kết quả cho thấy có 17 mẫu Bartonella henselae trong mô gan, với tỷ lệ tương đối là 1,9%. Không phát hiện mầm bệnh nào khác ngoại trừ Bartonella henselae.
Cuối cùng, các bác sĩ kết luận bệnh nhi mắc bệnh sốt mèo cào (CSD) - một bệnh truyền nhiễm do Bartonella henselae hoặc các loài Bartonella khác gây ra, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Bệnh sốt mèo cào gây ra bởi nguyên nhân nào?
Bệnh sốt mèo cào ở người thường do tổn thương da do mèo cào hoặc cắn, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tổn thương tại chỗ da bị tổn thương, có hoặc không có hạch vùng. Khoảng 2 đến 10% bệnh nhân có thể biểu hiện liên quan đến bệnh nhiễm trùng sâu như sốt không rõ nguyên nhân, viêm thần kinh võng mạc và gan lách to.
Cuối cùng sau khi xác nhận được nguyên nhân, bác sĩ Tào Thanh đã hỏi lại gia đình bệnh nhi, cuối cùng, gia đình đã nhớ ra từng thường xuyên cho một con mèo hoang ăn trước nhà trước khi trẻ bị bệnh.
"Trên thực tế, kể từ khi trẻ chuyển đến viện, chúng tôi cũng đã tiến hành phỏng vấn bệnh sử với các thành viên trong gia đình nhiều lần, bao gồm cả lịch sử tiếp xúc với động vật, nhưng chúng tôi chưa bao giờ được kể việc cho mèo hoang ăn", bác sĩ Tào Thanh cho biết: "Việc điều tra chi tiết bệnh sử kết hợp với kết quả khám, kiểm tra thực tế là điều vô cùng quan trọng để xác định chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh".
Tuy nhiên, tổn thương xương do bệnh sốt mèo cào là cực kỳ hiếm. Một cuộc khảo sát dịch tễ học ở Chile cho thấy 2 đến 10% trường hợp mắc bệnh mèo cào có triệu chứng nghiêm trọng nhưng chỉ có 0,3% trường hợp có biểu hiện tổn thương xương.
Một phân tích hồi cứu trên 1200 bệnh nhân mắc bệnh mèo cào cho thấy chỉ có 60 bệnh nhân (5%) có biểu hiện tổn thương toàn cơ thể, trong đó chỉ có 2 bệnh nhân (0,17%) có biểu hiện nhiễm trùng xương. Một nghiên cứu khác cho thấy viêm tủy xương chỉ xảy ra ở 5 (0,27%) trong số 852 bệnh nhân.
Bác sĩ Tào Thanh cho biết: "Trường hợp này cũng nhắc nhở rằng các biểu hiện của nhiễm trùng Bartonella đôi khi có thể rất giống với các khối u, cần phải cẩn thận để ngăn ngừa chẩn đoán sai".
Thông thường, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh sốt mèo cào đều có bệnh hạch bạch huyết tự giới hạn kéo dài từ 2 đến 8 tuần và không cần điều trị bằng kháng sinh. Đối với những bệnh nhân xuất hiện tổn thương liên quan đến gan, lá lách, mắt hoặc hệ thần kinh trung ương, có thể sử dụng macrolide. “Tuy nhiên, với trường hợp của trẻ đã tiến triển khá nặng nên chúng tôi đã cho cháu dùng doxycycline để điều trị” - bác sĩ Tào Thanh cho biết.
Sau 5 ngày điều trị, nhiệt độ cơ thể trẻ trở lại bình thường. Theo dõi sau khi xuất viện cho thấy sự cải thiện đáng kể các tổn thương nội tạng và các bất thường về xương.
"Bệnh sốt mèo cào là một bệnh lây truyền từ động vật. Trong những năm gần đây, với sự gia tăng số lượng vật nuôi trong gia đình ở Trung Quốc, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Chúng tôi hy vọng thông qua những trường hợp này, chúng ta có thể nâng cao hiểu biết lâm sàng về bệnh sốt mèo cào" - bác sĩ Tào Thanh cho biết.
Nguồn: Newqq