Với sự cải thiện về môi trường sống và dinh dưỡng, độ tuổi dậy thì của trẻ em dần thấp xuống, theo một cuộc khảo sát ở quốc gia đông dân nhất thế giới (Trung Quốc), độ tuổi dậy thì ở nước này đã giảm từ 12 tuổi xuống 11,3 tuổi đối với bé trai và 9,5 tuổi đối với bé gái.
Sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ sớm sẽ không cân đối, chiều cao nhìn chung sẽ thấp khi trưởng thành. Kinh nguyệt sớm ở các bé gái thường dẫn đến tâm lý ngại ngùng, lo lắng, căng thẳng, có thể làm nảy sinh tâm lý tự ti ở trẻ.
Cô Trần là mẹ của một bé gái 5 tuổi ở Trung Quốc, trong cuộc sống hàng ngày, cô rất chú trọng đến việc cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con, thực phẩm chủ yếu (tinh bột) và thực phẩm bổ sung mà con cô ăn là những nguyên liệu tươi sống do chính cô mua và hầu như không ăn đồ chế biến sẵn ở ngoài.
Ảnh minh họa: QQ
Tuy nhiên, gần đây, cô Trần thấy ngực con gái bắt đầu căng phồng, có biểu hiện phát triển rõ rệt, nên hoảng sợ và vội vàng đưa con gái đến bệnh viện khám.
Kết quả kiểm tra cho thấy ngực của con cô Trần đã bắt đầu phát triển sớm và bé được chẩn đoán là dậy thì sớm.
Cô Trần nhất thời không thể chấp nhận được, cô không hiểu tại sao con gái mình lại trở nên như thế này. Bác sĩ hỏi về chế độ ăn uống hàng ngày của bé và nhận thấy có vấn đề.
Cô Trần cho biết, vì chiều cao của bé rõ ràng là thấp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi nên cô thường nấu canh xương cho con uống vì cho rằng canh xương giúp ích cho sự phát triển chiều cao của trẻ và không thể gây ra vấn đề gì.
Ảnh minh họa: Sohu
Bác sĩ nói rõ, canh xương không có tác dụng bổ sung canxi, giá trị dinh dưỡng trong đó cũng không cao. Ngược lại, phần tủy của xương chứa nhiều chất béo, trẻ uống nhiều dễ bị béo phì, làm rối loạn lượng hormone, từ đó khiến trẻ dậy thì sớm.
Nước hầm xương được đun lâu, nước canh trở nên đặc quánh và có màu trắng đục, nhiều người tưởng đó là dấu hiệu nó chứa nhiều canxi. Tuy nhiên, canxi xương động vật thực chất rất khó hòa tan, dù có cho giấm vào cũng hòa tan được rất ít, vì vậy nước hầm xương không thực sự có tác dụng bổ sung canxi. Thậm chí, đun sôi lâu cũng có thể sinh ra nitrit nên không nên dùng cho trẻ uống trong thời gian dài.
Theo bác sĩ Li Hui, Phó trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Giang Tô, trẻ em không nên ăn nhiều những thực phẩm sau trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển:
1. Đồ chiên rán và đồ ăn nhiều đường
Hàm lượng calo và chất béo trong loại thực phẩm này quá cao, tiêu thụ quá nhiều dễ dẫn đến tích tụ chất béo trong cơ thể, làm rối loạn lượng hormone, từ đó khiến trẻ dậy thì sớm.
Ảnh minh họa: New York Post
2. Đồ chua
Thực phẩm bảo quản dễ tạo ra nitrit hơn thực phẩm tươi sống, nếu trẻ ăn thực phẩm bảo quản này trong thời gian dài sẽ gây hại cho lá lách và chức năng dạ dày của trẻ, dẫn đến suy dinh dưỡng.
3. Trứng gà/vịt lộn
Các loại thực phẩm như trứng gà/vịt lộn chứa nhiều estrogen và progesterone, nếu trẻ ăn thường xuyên, hấp thụ quá nhiều hormone ngoại sinh sẽ dễ gây dậy thì sớm.
4. Thuốc bổ
Hầu hết trẻ em không cần bổ sung thuốc bổ. Uống quá nhiều thuốc bổ có thể thúc đẩy sự phát triển xương ở trẻ em trong thời gian ngắn, nhưng cách thúc đẩy ''cây con'' này có khả năng dẫn đến kết thúc sớm sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, do đó ảnh hưởng đến chiều cao cuối cùng.
Sữa ong chúa (có chứa một lượng nhỏ kích thích tố, có thể thúc đẩy sự bài tiết của tuyến thượng thận, trẻ ăn nhiều dẫn đến thừa dinh dưỡng và dậy thì sớm), yến sào (chứa estrogen, khi cho trẻ ăn tổ yến chắc chắn sẽ dẫn đến tăng nồng độ hormone của trẻ)... hay các loại thuốc bổ khác đều không nên cho trẻ ăn thường xuyên.
Nguồn: Sina, Tin tức buổi tối Giang Tô