Sáng 26/10, trước tình hình bão khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điều hành cuộc họp trực tuyến với các địa phương để ứng phó cơn bão số 9.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đây là cơn bão mạnh đặc biệt. Trên biển, bão số 9 có thể khiến sóng cao từ 8-10m, khu vực ven biển các tỉnh Trung Bộ sóng cao 5-7m, trọng tâm là khu vực Đà Nẵng đến Phú Yên; còn ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định, dự báo có nước biển dâng cao đến 1m.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 27 - 29/10, bão số 9 sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to ở các tỉnh Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 200-350mm. Sau đó, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây ra mưa lớn kéo dài cho các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.
Đặc biệt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to, với tổng lượng mưa đạt trên 500mm/đợt. Theo đó, vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ có nguy cơ rất cao xảy ra tiếp tục lũ quét và sạt lở đất.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Cơn bão này đã làm 123 người chết, mất tích và 134 nghìn nhà, hơn 73 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, cùng với đó là 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại Quy Nhơn, Bình Định. Thiệt hại vật chất của cơn bão Damrey lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp khẩn sáng 26/10 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Hồi 7 giờ sáng 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 120,3 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.
Hồi 8 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ vĩ bắc; 119,9 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 650km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Hình ảnh vệ tinh của cơn bão số 9 (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 109,9 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ vĩ bắc; 105,7 độ kinh đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4 (màu đỏ, rủi ro rất lớn).
Theo Quyết định 44/2014/QĐ-TTg, cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai:
a) Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ;
b) Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình;
c) Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn;
d) Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn;
đ) Cấp 5 màu tím là thảm họa.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, cần đặc biệt quan tâm đến 5 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:
- Tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13: 1.279.163 người.
- Tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa: 25.063; Tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế.
- Nuôi trồng thủy sản: 14.063ha và 178.938 lồng, bè.
- Hồ chứa thủy điện từ Hà Tĩnh - Phú Yên có 21 hồ đang xả đón lũ. Hồ chứa thủy lợi: khu vực Nam Trung Bộ có 571 hồ, đã tích 30-90% dung tích; hiện không có hồ xả tràn; hiện có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công.
- Từ Thừa Thiên Huế - Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có văn bản ngày 25/10 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến bão và kỹ năng ứng phó với bão.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo trực tiếp điện cho Bí thư, lãnh đạo UBND các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận về triển khai ứng phó với bão.
Biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức kêu gọi, thông tin đến 59.477 tàu/289.298 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo công tác đối phó với bão cụ thể: Đã tổ chức thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền, phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu; gia cố, di dời, đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.