Một báo cáo mới đây từ UN (Liên Hợp Quốc - LHQ) đã chỉ ra một thông tin tương đối giật mình. Theo đó thì ở thời điểm hiện tại, Trái đất đang có 7,7 tỉ người. Trong vòng 30 năm kế tiếp, con số sẽ lên thành 9,7 tỉ. Và đến cuối thế kỷ 21, dân số thế giới sẽ rơi vào khoảng 11 tỉ người.
Cụ thể theo như báo cáo, quốc gia sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất về dân số trong các thập kỷ tiếp theo là Ấn Độ. Báo cáo cũng dự đoán rằng Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành đất nước đông dân nhất thế giới vào năm 2027.
Ấn Độ cùng 8 quốc gia khác - gồm Nigeria, Pakistan, CHDCND Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cho phân nửa dân số tăng lên trên thế giới tính đến năm 2050. Riêng vùng Hạ Sahara của châu Phi ở thời điểm đó, dân số cũng sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.
"Các quốc gia có sự tăng trưởng nhanh nhất về mặt dân số hầu hết đều rất nghèo, và vì thế sẽ kéo theo nhiều thách thức," - Liu Zhenmin - Tổng thư ký LHQ về các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết. Sự khó khăn liên quan đến vấn đề đói nghèo, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ở thời điểm hiện tại, tuổi thọ tại các quốc gia phát triển chậm hiện đang thấp hơn 7 năm so với các quốc gia giàu có hơn. Các quốc gia phát triển thì ngược lại, dân số đang dần giảm xuống do tỷ lệ ngày càng thấp hơn. Theo báo cáo dự đoán thì trong vòng 3 thập niên kế tiếp, dân số của 55 quốc gia sẽ giảm ít nhất 1%, trong đó có phân nửa giảm hơn 10%.
Vấn đề người nhập cư cũng sẽ khiến dân số nhiều quốc gia giảm hẳn xuống. Hiện tại, Bangladesh, Nepal và Philippines là những quốc gia chứng kiến làn sóng người di cư nhiều nhất, do nhu cầu nhập khẩu lao động từ các quốc gia khác. Ngoài ra, người ta còn di cư nếu đất nước của họ có nhiều bất ổn về mặt chính trị hoặc có chiến tranh.
Dù vậy, việc tỷ lệ sinh ở nhiều quốc gia thấp có thể mang đến một số hiệu ứng có lợi, vì nó đẩy độ tuổi trung bình rơi vào khoảng 24 - 65, vốn là giai đoạn phát triển mạnh nhất. Điều này đảm bảo cho một nền kinh tế mạnh hơn, cho phép các quốc gia đang phát triển đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và y tế.
"Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, số lượng người trên 65 tuổi đang nhiều hơn số trẻ em dưới 5 tuổi. Dự đoán đến năm 2050, độ chênh lệch có thể là gấp đôi." - trích trong báo cáo nghiên cứu.