Những ngày này, đến làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, đâu đâu cũng thấy các vỉ bánh trắng phau phơi "rợp trời"
Bánh tráng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết của bà con miền Tây - Ảnh: Kim Hà
Để kịp giao hàng cho khách dịp Tết, từ 1h sáng, các lò bánh tráng đã "đỏ lửa", đến 15h chiều mới tráng xong - Ảnh: Kim Hà
Bà Huỳnh Thị Giáo (67 tuổi, chủ lò bánh tráng ở phường Thuận Hưng) cho biết, từ tháng 11 Âm lịch làng nghề bắt đầu "vào mùa". "Để tạo ra chiếc bánh tráng phục vụ các bữa ăn ngày Tết của người dân miền Tây, từ sáng hôm trước tôi bắt đầu ngâm gạo, chiều đến thì xay bột, rồi để lắng qua đêm. Khoảng 1h sáng vợ chồng tôi đã thức dậy để nhóm lửa, chuẩn bị vỉ, khuấy bột,...tới 3h các thợ tráng bánh đến làm. Cứ đến đợt Tết là mỗi ngày 2 vợ chồng tôi chỉ ngủ được vài giờ. Cực nhưng vui", bà Giáo chia sẻ - Ảnh: Kim Hà
Năm nay, lò bánh tráng của bà Giáo chỉ làm mỗi loại bánh tráng lạt (còn gọi là bánh tráng giòn). Đây là loại bánh này được dùng để cuốn thức ăn trong mâm cơm ngày Tết và được tráng thủ công truyền thống nên khách hàng rất ưa chuộng và chọn mua nhiều nhất - Ảnh: Kim Hà
Vất vả là thế nhưng thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Nếu bình thường tráng 3 - 5 ngày là nghỉ đến khi bán hết bánh mới tráng tiếp nên trung bình mỗi ngày bà Giáo chỉ thu lãi 200.000 - 300.000 đồng. Nhưng vào đợt Tết, mỗi ngày bà có thể lãi hơn 1 triệu đồng. Vì vậy nên ở làng nghề bánh tráng ai cũng háo hức, tranh thủ làm để gia tăng thu nhập dịp Tết - Ảnh: Kim Hà
Tuy chỉ là chiếc bánh tráng mỏng manh, đơn giản nhưng để làm ra được chúng, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn, mà công đoạn nào cũng khó; nhất là phải phụ thuộc vào “ông trời”. Bà Giáo cho biết, hôm nào nắng thì làm rất khoẻ, còn gặp gió hoặc mưa thì ở ngoài đường không vô nhà được luôn, vì phải dọn các vỉ bánh kẻo gió bay, mưa ướt - Ảnh: Kim Hà
“Hôm rồi, có trận gió lớn, chỉ có 2 vợ chồng già phơi bánh nên làm không kịp. Chỉ trong tích tắc, những vỉ bánh phơi cặp đường bị gió cuốn văng hết xuống sông luôn”, bà Giáo kể - Ảnh: Kim Hà
Mỗi ngày, lò bánh tráng của bà Giáo sản xuất được 55 bịch bánh tráng lạt (mỗi bịch 1,6kg) tương đương với 88kg. Thời điểm này, bánh tráng bỏ mối cho khách có 62.000 đồng/bịch, rằm dự kiến sẽ tăng lên 70.000 đồng/bịch. Năm nay, bánh có giá hơn năm trước khoảng 5.000 đồng nhưng giá nguyên liệu thì cái nào cũng tăng, chưa kể nhân công nhưng bù lại, lượng bánh tráng sản xuất nhiều hơn, làm ra bao nhiêu khách lấy bấy nhiêu nên bà con ở làng nghề cũng rất phấn khởi - Ảnh: Kim Hà
Có tuổi nghề hơn 30 năm, cụ Đỗ Thị Đượm (88 tuổi, ngụ phường Thuận Hưng) nhớ về những ngày khi mới khởi nghiệp nghề làm bánh tráng với nhiều thăng trầm. "Nghề này cực khổ lắm. Hồi đó, gia đình nghèo, tôi phải đi cắt lúa mướn, rồi ở lại mót lúa còn sót lại, bắt cá cạn để về làm mắm ăn. Sau đó, con dâu tôi mới dành dụm tiền xây được cái lò, rồi tôi và con gái cùng làm. Mấy chục năm trước tráng có cái Tết, mà chỉ tráng bánh tráng mặn thôi. Còn bây giờ tráng quanh năm, rồi con gái tôi mới tráng thêm bánh tráng lạt, bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa. Nhu cầu của khách hàng ngày càng nhiều, gần đây nó đầu tư thêm máy tráng để kịp sản xuất cung ứng", cụ Đượm tâm sự - Ảnh: Kim Hà
Bà Hà Thị Sáu (con gái cụ Đượm) cho biết, bánh tráng Thuận Hưng có tiếng từ xưa đến giờ, khách ở các quận, huyện trong TP Cần Thơ hay khách ở An Giang, Đồng Tháp,... đều tìm tới đây mua - Ảnh: Kim Hà
Mỗi ngày, cơ sở của bà Sáu cho “ra lò” khoảng 1 muôn bánh (10.000 chiếc). Năm nay ngoài những mối quen thì có nhiều khách hàng mới cũng tìm đến đặt hàng ở cơ sở bánh tráng của bà Sáu - Ảnh: Kim Hà
Nhân công thu các vỉ về sau khi bánh tráng đã đủ độ khô - Ảnh: Kim Hà
Bánh tráng dừa - Ảnh: Kim Hà
Cũng như loại bánh tráng lạt, bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa cũng đắt hàng hơn. Khách hàng tìm mua rất nhiều nhưng giá cũng chỉ nhỉnh hơn năm trước một chút. Cụ thể, bánh tráng ngọt có giá 120.000 - 300.000 đồng/100 bánh, bánh tráng dừa 330.000/100 bánh - Ảnh: Kim Hà