Đối tượng xét tuyển bổ sung là những thí sinh dự thi đại học khối B từ 25,5 điểm trở lên. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 21 đến 31/8/2012 tại phòng đào tạo ĐH Y dược TP.HCM. Mức điểm chuẩn và điểm nhận hồ sơ xét tuyển dành cho TS ở KV3. Mỗi đối tượng ưu tiên kế tiếp giảm 1 điểm, khu vực ưu tiên kế tiếp giảm 0,5 điểm.
Thông báo chính thức của ĐH Y Dược TP.HCM.
Trước đó, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã ấn định ngành Bác sỹ đa khoa có có điểm chuẩn là 26,5. Với mức điểm này, trường đã tự động cắt 200 chỉ tiêu ngành học này để đào tạo cho vùng Tây Nam Bộ. Trước động thái này, các bậc phụ huynh có con dự thi đã kéo đến trường và Văn phòng 2 của Bộ GD-ĐT để bày tỏ bức xúc của mình.
Sau khi nắm tình hình, ngày 15/8 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có công văn yêu cầu Trường ĐH Y dược TP.HCM phải xét tuyển 600 chỉ tiêu ngành Bác sỹ đa khoa theo đúng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu trường nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc thông báo xét tuyển gây bức xúc cho thí sinh.
Sau khi chỉ tiêu ngành Bác sỹ đa khoa được điều chỉnh, các phụ huynh và thí sinh tiếp tục phản ánh những dấu hiệu mập mờ của hai ngành còn lại gồm Bác sỹ răng hàm mặt và Dược sỹ.
Theo thông báo tuyển sinh của Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngành Bác sỹ đa khoa tuyển 120 chỉ tiêu và Dược sỹ là 300 chỉ tiêu. Với mức điểm chuẩn mà trường ấn định, điểm chuẩn ngành Bác sỹ răng hàm mặt là 26,0 và Dược sỹ là 25,5 thì số thí sinh trúng tuyển từ kết quả tuyển sinh lần lượt là 92 và 246. Bên cạnh đó, số chỉ tiêu tuyển thẳng mà trường thông báo tương ứng là 2 và 23.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Theo báo cáo từ nhà trường, ngoài ngành Bác sỹ đa khoa thì các ngành còn lại đều xác định số trúng tuyển dư so với chỉ tiêu. Tất nhiên ở đây không không có chỉ tiêu cắt xén để đào tạo theo địa chỉ”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường. Việc xét tuyển như thế nào các trường phải công khai để xã hội biết. Nếu xã hội có nghi vấn về cách xét tuyển thì trường phải có trách nhiệm giải thích. Trong trường hợp trường không giải thích được, lúc đó Bộ GD-ĐT sẽ can thiệp.