Một nhà văn đã từng viết: “Con người là vậy, nhất là thời trẻ tuổi. Họ thích rời xa bến quê, đến một miền đất lạ, nơi xa xôi để tìm cái mới, cái đẹp, thậm chí cả những phù phiếm ở đời. Đến khi kiệt quệ, họ quay lưng lại, tìm đến những bóng hình người thương đã từng gần gũi mình…”.
Đã bao lâu rồi bạn chưa gọi điện về nhà? Đã bao lâu rồi bạn quên mất rằng, bố mẹ cũng cần được yêu thương, hỏi han hàng ngày. Hơn cả những câu chuyện về tình yêu, gia đình luôn là suối nguồn trong lành và thiêng liêng nhất đối với con người. Đó là nơi bạn được yêu thương vô điều kiện, là nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón bạn sau những sóng gió, xô bồ của cuộc đời.
Mùa Xuân đến, Tết đến rồi. Đã đến thời gian dành cho gia đình sum vầy, đầm ấm. Những đứa con đã trưởng thành sau 1 năm bôn ba làm ăn này mới trở về quây quần bên gia đình. Thế nhưng, bạn càng trưởng thành bao nhiêu, thì bố mẹ lại càng già đi bấy nhiêu. Đã bao giờ bạn tự hỏi: Chúng ta còn được ăn bao nhiêu cái Tết nữa cùng bố mẹ?
Nếu từng nghĩ đến điều đó thì Tết này, bạn đừng quên ôm, hôn lấy bố mẹ - những người sinh thành và luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho bạn! Đừng để đến khi mọi thứ đã quá muộn mới hối tiếc như những người trong câu chuyện dưới đây:
Khi một người bạn hỏi rằng, điều gì hài lòng nhất tôi từng làm cho bố/mẹ? – bất chợt tôi nhớ tới cậu thanh niên da đen trùi trũi chăm mẹ bệnh. Mẹ cậu là bệnh nhân lưu lại lâu nhất. Lưu lại lâu vì trước đó bà bị tai nạn đa chấn thương, sức khỏe yếu nên bác sĩ giữ lại theo dõi sau mỗi ca phẫu thuật.
Cậu nói: "Mẹ em là một chiến binh kiên cường, hai lần vào phòng mổ rồi đấy. Lần mổ tay chân, lần mổ lá lách, còn lần nữa..." Nói đến đó cậu nhỏ cúi xuống thật gần hôn lên trán mẹ. Trong bệnh viện cậu là người duy nhất biểu lộ tình cảm như vậy. Nụ hôn của cậu dành cho mẹ khiến tôi cay mắt. Tôi chưa bao giờ hôn mẹ tôi một lần như cậu.
Cậu nói sến vậy đó nhưng nào có cách nào hơn. Mẹ thở còn muốn không ra hơi sức đâu mà nói chuyện. Nhưng chắc chắn bà nghe được, biết được cậu hôn bà mà an tâm hơn.
"Khi xưa bà nói đời này chỉ có mày hôn tao. Lúc nào cũng mày tao nhưng mà bà thương em lắm". Và những ngày cuối cùng của mẹ, có lần tôi cúi xuống hôn lên má bà. Nụ hôn đầu tiên tôi dành cho mẹ, không lạ lẫm mà đầy xót xa. Mùi mồ hôi, mùi hàng chục loại thuốc đã đi vào cơ thể mẹ hòa lẫn nhau thành thứ mùi hăng hăng.
Cho tới giờ, mùi hăng hăng trộn lẫn ấy vẫn như một thứ mùi nhớ ám ảnh tôi theo năm tháng. Tôi nhớ người đàn bà trung tuổi dẫn tới thang máy bệnh viện một bà cụ đã lâm râm tóc trắng.
Thang máy đã đầy. Dăm ba người phải quay ra. "Xin cho tôi lên với ba tôi, ba tôi sắp chết rồi" – Giọng bà thảng thốt. "Thang máy đầy rồi chị ơi" – Người trực thang máy khó khăn nói. "Chị ra thang bộ chịu khó leo lên nhé". "Tôi sợ không kịp, hơn nữa ba tôi ở tầng 10…", có vài người đàn ông phía ngoài vội vã lui ra nhường chỗ.
Thang máy chạy, người đàn bà trung tuổi nói: "May mà con gặp được dì, ba con mong gặp dì lần cuối". "Bằng đó năm ông ấy vẫn mong gặp sao?" - Người đàn bà lớn tuổi vê tà áo bật khóc. Vài người trong thang máy sụt sùi theo.
Có hoàn cảnh éo le đằng sau cuộc gặp gỡ ấy là điều ai cũng thể đoán biết. Việc một cô con gái tuổi ngoại ngũ tuần sẻ chia những giây phút cuối cùng của mình để tìm về người mà ba mình mong gặp. Người ấy không phải trong gia đình mình.
Tôi cứ bâng khuâng mãi về câu chuyện ấy. Một người bạn tôi biết trên facebook có ba vừa qua đời. Anh làm một điều vô cùng khó khăn là cho phép bác sĩ mổ lấy trái tim nhân tạo trong lồng ngực ba mình. Trái tim có trị giá gần 2.000 đô la, còn đập được hơn 12 năm nữa.
Quyết định ấy không dễ dàng. Anh đã khóc khi chấp nhận điều ấy. Đơn giản vì anh hiểu ba anh là người tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Hẳn nhiên ba anh sẽ rất vui lòng vì mình ra đi mà trái tim mình còn hữu ích. Và anh muốn làm điều ấy chỉ vì có rất nhiều người nghèo có trái tim khuyết tật như ba anh cần sự chia sẻ ấy, vì anh muốn sự ra đi của ba mình không vô ích, cũng như hết thảy ngày ông đã sống rất có ích với anh và với nhân gian.
Có lần, anh bạn kể, đêm qua, mẹ bị nhức chân không ngủ được, lần đầu tiên anh hòa muối với nước gừng, rửa chân cho mẹ. Cảm giác lạ lẫm lắm khi nắm bàn chân nhăn nheo của mẹ. Bàn chân cứng xơ như một trái mướp già, khác hẳn bàn chân mũm mĩm của con mình mỗi đêm anh vẫn rửa xong lại áp lên má mình cưng nựng, hít hà.
Cho tới khi mẹ đã bớt đau nhức, ngủ yên, anh vẫn ngồi thật lâu bên cạnh và thấy thật có lỗi khi đó là lần đầu tiên anh rửa chân cho mẹ. Chỉ là một việc thật nhỏ thôi mà khiến anh khó ngủ cả đêm.
Một cô bạn trên facebook viết về năm điều bạn muốn làm cho ba mẹ trong cuộc đời: nấu hết những món ngon bố mẹ muốn ăn, đưa bố mẹ đến nơi đẹp nhất mà mình đã qua, đưa bố mẹ đi xem phim hoặc kịch về tình mẫu tử/phụ tử để cùng nắm tay nhau và khóc, đưa bố/mẹ lên công ty (hoặc trường lớp) giới thiệu với mọi người rằng đây là người tôi thương nhất, hoặc đơn giản là một buổi sáng mai khi trời còn tinh sương sẽ đặt chuông báo thức dậy và gọi điện chỉ để nói rằng: "Con yêu bố mẹ...".
Bố mẹ sẽ vừa tủm tỉm cười vừa nói: "Con bé này hôm nay bị "mát mát" làm sao đấy?" khi lần đầu nghe lời yêu từ đứa con đã sắp già đầu của mình. Nhưng hẳn nhiên, sau nụ cười tủm tỉm ấy là hạnh phúc lớn lao. Vậy thôi mà bao năm xa ba mẹ đi học đại học, lập nghiệp, lấy chồng… bạn cũng như tôi, chưa làm được thật đầy đủ. Thiếu chỗ nọ, khuyết chỗ kia. Bạn nói, nhất định phải cố làm cả 5 điều ấy.
Tôi nói với bạn rằng, bạn may mắn còn có cơ hội để làm. Những điều nho nhỏ ấy tôi chưa kịp làm cho xong thì mẹ đã ra đi... Thời gian khắc nghiệt lắm, chẳng đợi chờ ai, và có khi những điều tưởng là bình thường trong tầm với bỗng ngày kia hóa mù khơi…
*Trích từ cuốn sách Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa? của tác giả Võ Thu Hương.