Khi nói đến việc tiêu tiền, có rất nhiều cách. Bạn có thể là người tiết kiệm, thích mua sắm, thích tiêu tiền cho trải nghiệm cuộc sống... Có rất nhiều khuynh hướng thể hiện việc tiêu tiền trong cuộc sống, cách chúng ta xử lý đồng tiền của mình.
Nhưng dù cách bạn tiêu tiền như thế nào thì cũng có đôi lần cảm thấy bản thân hối hận về một quyết định mua hàng đúng không. Đặc biệt là sau mỗi một đợt giảm giá mạnh trong năm, bạn lại thấy mình mua sắm hay tích trữ quá nhiều đồ đạc không cần thiết. Và sự hối hận đó ngày càng tăng lên thêm.
Buyer's remorse (mua sắm hối hận) là cảm giác hối tiếc khủng khiếp đôi khi có thể xảy ra sau khi bạn mua một món hàng bất kể lớn hay nhỏ. Đối với một số người, cảm giác này thậm chí đến nhanh tới nỗi khi mới bước vào một cửa hàng họ đã cảm nhận được.
Dịch bệnh cũng là một nguyên nhân lớn góp phần vào sự chuyển dịch trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. New York Times gọi 2020 là năm của “mua sắm hối hận" khi nhiều người đã mua online nhiều hơn những gì họ cần.
Sự hối hận xảy ra khi ban đầu bạn cho rằng mình đã đưa ra một lựa chọn tối ưu khi mua món hàng, nhưng sau đó lại bắt đầu cảm thấy quyết định đó thực ra là sai lầm. Về mặt tâm lý, đây là một dạng bất hòa nhận thức (cognitive dissonance). Hiện tượng này miêu tả cảm giác căng thẳng, lo lắng khi xuất hiện sự mâu thuẫn giữa hành động và suy nghĩ.
Thông thường, bạn mua hàng với rất nhiều hứng thú, hy vọng rằng nó sẽ thay đổi cuộc sống của bạn, hoặc đơn giản là đáp ứng nhu cầu nào đó. Nhưng khi giao dịch mua đó không thực hiện được bất kỳ điều nào trong số dự định của bạn thì sự hối hận đến rất nhanh chóng.
Sự hối hận có thể xảy ra ngay khi bạn trả tiền cho một thứ gì đó, hoặc nó có thể đến chậm hơn một chút. Khoảng thời gian có thể là trong vài ngày (hoặc thậm chí vài năm) sau khi mua hàng. Và không có khung thời gian nhất định cho điều này.
1. Ngân sách
Đúng vậy, ngay cả với một người chi tiêu thoải mái cũng cần phải lập ngân sách chi tiêu. Ngân sách là điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho sức khỏe tài chính của mình. Khi bạn lập ngân sách, bạn đang nói cho tiền của bạn biết ai là ông chủ bằng cách giao từng đồng vào một công việc để làm thay vì tự hỏi nó đã đi đâu.
Khi bạn lập ngân sách , bạn giảm nguy cơ khiến bản thân hối hận sau khi tiêu tiền. Tại sao? Bởi vì ngân sách khiến bạn phải suy nghĩ thấu đáo từng lần mua hàng mà bạn sẽ thực hiện trong cả tháng.
2. Lập danh sách
Một danh sách chi tiêu tốt cũng như bạn có một ngân sách tốt. Đặc biệt là khi nói đến việc mua sắm các mặt hàng tạp hóa. Nó giúp bạn chỉ mua những thứ bạn cần, đi đúng hướng. Nhưng cũng giống như với ngân sách, bạn phải làm phần việc của mình và bám sát nó.
3. Học cách bằng lòng
Đây thực sự là một điều khó. Khi vào mạng xã hội, dù tự nhủ không tiêu tiền nhưng bạn vẫn thèm thuồng với những món quần áo đẹp mắt, đôi giày kiểu mới, cái túi đang là xu hướng... Đó là một cái bẫy mua sắm ai cũng phải đối mặt, không chỉ riêng bạn. Thế nên hãy học cách bằng lòng với thực tại, biết ơn những gì bạn đang có.
4. Hãy cho một quyết định mua của bạn một thời gian suy nghĩ
Đừng vội vàng quyết định mua một thứ gì đó. Với mỗi quyết định mua sắm hãy suy nghĩ thật kỹ. Chờ một hoặc hai ngày (hoặc thậm chí là 1 tháng nếu đó là một giao dịch mua có giá trị lớn).
Nếu sau một thời gian dài suy nghĩ, bạn vẫn muốn mua nó thì đó chính là một quyết định tốt. Vì bạn thật sự cần nó, cần thiết cho cuộc sống của bạn. Còn nếu sau khi suy nghĩ bạn cảm thấy hối tiếc thì đó không phải là một giao dịch mua tốt và bạn hủy bỏ món hàng đó trong giỏ hàng.