Trong lễ khai giảng, ông Phạm Hồng Hải là cựu sinh viên khoá 17, chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế TP HCM đã giành 40 phút để tâm sự cùng các bạn sinh viên. Ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam từ tháng 12/2014, trở thành người Việt Nam đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại nhà băng này.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - (Ảnh chụp màn hình)
Trước khi trao đổi, ông Hồng Hải nhấn mạnh rằng, ông sẽ chia sẻ thất bại trong 4 năm học đại học và những bài học rút ra khi đi làm để các em sinh viên không lặp lại những sai lầm đó.
Khi mà đậu đại học, tôi đã rất tự hào. Quen với cách học hồi phổ thông, tôi lên lớp chỉ nghe thầy cô giảng và ghi chép vào vở nhưng lâu dần thấy rằng cách học đó không ổn. Thời đó việc đi tìm tài liệu trên internet cũng cực kỳ khó khăn.
Đa phần kiến thức thầy cô cung cấp trên giảng đường mang tính định hướng, sinh viên phải tự đọc và tìm thêm tài liệu. Cách học chỉ ngồi nghe và ghi là không hề ổn chút nào.
Thời gian trên lớp nên là lúc chúng ta tranh luận với bạn bè, nghe thầy cô hệ thống lại hơn là việc học một kiến thức mới. Với sự phát triển của Internet ngày nay, việc tiếp cận kiến thức mới rất dễ dàng nhưng việc khó hơn là chọn lọc thông tin chính xác và hữu ích.
Sinh viên cũng cần rèn luyện khả năng trình bày ý tưởng để người khác hiểu được công việc và kết quả mình làm được.
Khi ra đời, người làm tốt chưa hẳn thành công mà phải nói hay, trình bày được ý tưởng của mình.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC
Kết quả học tập của tôi hồi đại học rất làng nhàng. Nguyên nhân do tôi không trả lời được câu hỏi học để làm gì. 12 năm học phổ thông, học do bố mẹ yêu cầu, phải học giỏi, phải đỗ được đại học. Không trả lời câu hỏi này thì mình sẽ lan man, không tìm được đâu là trọng tâm mình cần chú ý. Sinh viên cần biết học để làm gì, học vì mục tiêu gì?
Mục tiêu của việc học rất quan trọng bởi nó giúp sinh viên định hình được mục tiêu của mỗi ngày. Khi xác định được mục tiêu, cố gắng thực hiện và đạt được kết quả, bản thân sẽ cảm thấy hạnh phúc chứ không áp lực.
"Kết quả học tập của tôi hồi đại học rất làng nhàng."
Năm 1995, tôi ra trường và bắt đầu vị trí nhân viên phòng kế toán ở HSBC dù không biết ngân hàng đó là gì. Kế toán là vị trí thấp nhất trong ngân hàng, là môn tôi từng rất ghét.
Năm 2014, tôi là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc HSBC.
Trong quá trình làm việc, tôi phát hiện nhiều người học rất giỏi ở đại học nhưng lại không thành công.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC
Điều này có vẻ phi logic, không ổn, bởi theo lý thuyết, những người học giỏi thì ra trường thường thành công. Tôi nhận ra, giảng đường hiện nay tập trung giảng dạy yếu tố IQ - chỉ số thông minh nhưng một yếu tố khác quan trọng không kém hơn là CQ - chỉ số tò mò và EQ - chỉ số cảm xúc.
Chúng ta nên bắt đầu ngay từ bây giờ bằng cách kết nối với bạn bè, mở rộng mối quan hệ với người khác. Bên cạnh đó, khi nói chuyện với bất cứ ai, dù người đó làm công việc gì, ở vị trí nào, mình đều học hỏi được một điều gì đó mới lạ. Chúng ta nên tò mò mỗi ngày để học hỏi.
Giảng đường hiện nay tập trung giảng dạy yếu tố IQ - chỉ số thông minh nhưng một yếu tố khác quan trọng không kém hơn là CQ - chỉ số tò mò và EQ - chỉ số cảm xúc.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC
Có hai cách tiếp cận trước một điều mới mẻ. Người sẽ bảo nghe khái niệm này quen quen nhưng thôi bỏ qua, có người sẽ tìm hiểu để biết nó là gì. Ví dụ khi nghe về Blockchain, sẽ có bạn tìm bằng được cách để hiểu tác động đến nền kinh tế, việc làm của mình trong tương lai là gì? Chính sự tò mò này sẽ làm các bạn khác biệt hơn người khác trong môi trường lao động.
Cuộc đời chúng ta như việc đang lái 1 chiếc xe hơi. Một người có thể chạy rất nhanh nhưng mãi không tìm được đích do không xác định được mục tiêu cần đến.
Có nhiều người giàu có, thành công nhưng cuối đời họ thất bại, bởi cái họ tìm kiếm thực chất là 1 cái khác.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC
Trả lời được câu hỏi mục đích cuộc đời là gì rất khó! Khi ra trường, mục đích của tôi là về hưu càng sớm càng tốt, vì muốn hưởng thụ, tức là phải kiếm thật nhiều tiền, giàu càng sớm càng tốt. Sau đó tôi nhận thấy nếu mình có kiếm thêm được nhiều tiền và giàu thêm cũng không làm mình hạnh phúc thêm.
Rồi tôi chuyển sang mục tiêu càng nổi tiếng càng tốt, nhưng lại nhận ra đó là sự phù du. Hôm nay bạn có thể nổi tiếng, nhiều người biết nhưng ngày mai, bạn sẽ chẳng là ai hết.
Tôi nghĩ, mục tiêu quan trọng nhất là đóng góp được gì cho đời, cho xã hội. Đó là cái tồn tại vĩnh viễn, khi mình mất đi người ta vẫn nhớ!
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC
Mình nên đặt ra tình huống nếu ngày mai là ngày cuối cùng thì mình nên làm gì? Nếu có cơ hội được tham dự đám tang... của chính mình, được nghe người khác nói về mình, mình sẽ nhận ra được cái gì thực sự quan trọng nhất.
Người trẻ cũng thường có quá nhiều đam mê và không biết chọn theo đam mê nào để nỗ lực hết sức phát triển nó. (Ảnh chụp màn hình)
Sức khỏe cũng là 1 điều đáng lưu tâm. Khi còn trẻ người ta không quan tâm đến nó vì nghĩ mình trẻ, mình khỏe. Nhưng khi già đi mới thấm thía. Vì thế nên buổi sáng ra công viên cũng chỉ thấy người già tập thể dục.
Về làm thêm, nó rất quan trọng vì khi đi phỏng vấn, chúng ta đã có kinh nghiệm thực tế về làm việc nhóm, xử lý tình huống.
Tuy nhiên, nếu sa đà vào kiếm tiền sẽ quên mất việc học. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc học. 4 năm đại học cực kỳ quan trọng để xây dựng nền tảng kiến thức.
Về ngoại ngữ, sinh viên cần phải giỏi tiếng Anh nhưng như vậy là chưa đủ. Các bạn nên trau dồi thêm ngoại ngữ thứ hai, có thể là Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Trung hay bất cứ thứ tiếng nào mình yêu thích. Điều đó sẽ tạo lợi thế cạnh tranh của bạn khi đi làm.
Người trẻ cũng thường có quá nhiều đam mê và không biết chọn theo đam mê nào để nỗ lực hết sức phát triển nó.
ÔngPhạm Hồng Hải, Gi ám đốc HSBC - chia sẻ về mục tiêu cuộc đời của mỗi người. (Nguồn: Đại học Kinh tế TP HCM)
Sau nhiều năm làm việc, tôi nhận thấy người Việt học giỏi, cần cù, nhưng điểm yếu nhất của người Việt Nam là làm việc nhóm. Chúng ta thường thấy người khác thành công thì mình không thích, không vui. Chúng ta cần xây dựng văn hóa hợp tác trong công việc và hướng tới cộng đồng nhiều hơn thay vì tập trung phát triển cá nhân. Vì thành công của cá nhân là nhờ sự hỗ trợ của cả nhóm.
Chúng ta thường thấy người khác thành công thì mình không thích, không vui.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC
Chúng ta thường chỉ học cho riêng mình, kỹ năng làm việc theo nhóm rất quan trọng. Khi làm dự án mà kết hợp với từng thành viên trong nhóm sẽ liên kết sức mạnh với nhau, tận dụng được sở trường của từng người đảm bảo khả năng thành công.
Điều cuối cùng, người trẻ là thế hệ của thiên niên kỷ, có cơ hội lớn để phát triển nghề nghiệp khi tiếp cận được kiến thức mới của thế giới, vừa tận dụng cơ hội phát triển kinh tế trong nước. Hy vọng các bạn sẽ tận dụng được cơ hội này để thành công, nhưng hãy không chỉ nghĩ đến bản thân mà nghĩ rộng hơn cho cộng đồng và đất nước.