* Dưới đây là bài viết của một blogger chuyên về giáo dục gia đình trên trang Aboluowang.
Hôm trước, khi đang đi dạo trong trung tâm thương mại, tôi vô tình nhìn thấy một cậu bé khoảng 7-8 tuổi, lặng lẽ đi sau mẹ. Áo quần của cậu bé xộc xệch, tóc tai rối bù, giày tuột gót, gương mặt phờ phạc như thể vừa trải qua một ngày rất mệt mỏi. Mẹ em thì đang nói chuyện điện thoại, giọng gắt gỏng và đầy cáu kỉnh: "Mệt chết đi được! Tự lo thân không được à? Việc gì cũng đến tay tôi hết!".
Cậu bé không phản ứng gì, chỉ cúi đầu im lặng. Nhìn cảnh ấy, tôi thấy tim mình chùng xuống.
Ngay lúc đó, một người phụ nữ đứng gần tôi khẽ thì thầm: "Nhìn là biết nhà không ai quan tâm. Chắc ngày nào cũng cãi nhau, còn đâu mà dạy con cho tử tế".
Chỉ một khoảnh khắc rất nhỏ, nhưng lại như "soi" thẳng vào bên trong một mái nhà. Một đứa trẻ không cần nói gì nhưng chính vẻ ngoài và hành vi của em đã ngầm kể hết câu chuyện về gia đình.
Người ta thường nói gương mặt một đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu không khí trong gia đình. Gia đình càng ấm áp, con càng vững vàng; gia đình càng hỗn loạn, con càng rụt rè, bất an.
Vậy làm sao để nhận ra một gia đình có đang hạnh phúc hay không? Một người bạn của tôi - giáo viên tiểu học có hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ chỉ cần nói chuyện với một học sinh, quan sát cách em mặc đồ, cử chỉ, ánh mắt… là đã có thể đoán được khá chính xác.
1. Cách ăn mặc của trẻ tiết lộ mức độ "tận tâm" của gia đình
Đừng nhầm lẫn giữa "ăn mặc đẹp" với "gia đình hạnh phúc". Trẻ em không cần phải diện hàng hiệu mới là được chăm sóc tốt. Nhưng sự sạch sẽ, gọn gàng, vừa vặn và phù hợp mới là dấu hiệu cho thấy cha mẹ có quan tâm và để tâm đến từng chi tiết nhỏ.
Ảnh minh họa
Một bộ đồ được phối hài hòa, mái tóc chải gọn, đôi giày sạch sẽ… tất cả đều là những "manh mối" hé lộ việc đứa trẻ đó có được yêu thương và chăm sóc hay không. Ngược lại, một đứa trẻ mặc áo không vừa người, lem luốc, giày dép sờn rách… sẽ khiến người ta nghĩ đến một gia đình lộn xộn, bận rộn và thiếu đi sự quan tâm cần thiết.
Có người nói rất đúng: "Trẻ con nhếch nhác không phải vì nghèo, mà vì không ai quan tâm".
Câu nói ấy nghe có vẻ cay nghiệt, nhưng lại phản ánh đúng thực tế ở nhiều gia đình hiện đại khi mà không ít bậc làm cha mẹ bận đến mức quên cả việc chăm chút từng điều nhỏ nhặt cho con.
2. Trẻ có "tự tin và lễ phép" không phản ánh việc chúng có đủ cảm giác an toàn hay không
Một đứa trẻ dám chủ động chào hỏi, dám trình bày nhu cầu trước người lớn thường là kết quả của một gia đình trao cho con đủ tình yêu thương và sự lắng nghe. Cảm giác an toàn tạo ra một "nền móng" vững chắc để con yên tâm thể hiện bản thân.
Trái lại, có những em nhỏ lúc nào cũng sợ sệt, rụt rè, thậm chí không dám nói một lời nếu không nhìn bố mẹ mình trước, đó có thể là biểu hiện của một gia đình nơi tiếng quát mắng lấn át tiếng yêu thương, nơi trẻ bị kìm nén cảm xúc mỗi ngày.
Một đứa trẻ được dạy rằng "Con có thể nói ra, không ai trách con cả" sẽ khác hoàn toàn với một đứa trẻ luôn nghĩ "chỉ cần lỡ lời là rắc rối sẽ ập đến".
3. Khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ thể hiện bầu không khí trong nhà
Một số đứa trẻ chỉ cần gặp chút chuyện nhỏ là lập tức nổi cáu, la hét hoặc im lặng thái quá. Nhưng cũng có những đứa trẻ biết tự trấn tĩnh, xử lý rắc rối nhẹ nhàng. Khả năng này không phải "trời sinh" mà được hình thành từ chính bầu không khí cảm xúc mà gia đình duy trì mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Nếu đứa trẻ quen với việc bị la mắng chỉ vì làm đổ ly sữa, em sẽ học cách sống trong lo âu, cảm giác tội lỗi và sợ hãi. Nhưng nếu cha mẹ coi lỗi nhỏ là chuyện bình thường, giải quyết bằng sự điềm đạm và hướng dẫn thì dần dà, con cũng sẽ học được thái độ bình tĩnh, tích cực với những điều bất ngờ trong cuộc sống.
Gia đình càng căng thẳng, trẻ càng dễ bộc lộ cảm xúc tiêu cực. Gia đình càng ổn định, trẻ càng dễ biết cách xử lý tình huống một cách khéo léo và điềm tĩnh.
Nét mặt trẻ con là tấm gương phản chiếu tâm trạng người lớn
MXH từng viral một đoạn video chia sẻ về "Ngoại hình của trẻ tiết lộ tình trạng gia đình". Tôi nhớ đã có hàng nghìn bình luận để lại bên dưới.
Một người kể lại: "Hồi nhỏ tôi luôn bị bạn bè gọi là 'con bé luộm thuộm'. Không phải tôi không biết chăm sóc bản thân mà vì mẹ tôi thường phải làm ca đêm, về đến nhà đã 2-3 giờ sáng. Không ai có thời gian giúp tôi chải tóc hay chọn quần áo". Bây giờ khi đã làm mẹ, chị luôn cố gắng giúp con mình chỉnh chu nhất có thể, như một cách bù đắp cho quá khứ thiếu thốn ngày xưa.
Một người khác viết: "Khuôn mặt của con là tấm gương phản chiếu tâm trạng của mẹ. Những đứa trẻ được yêu thương thật lòng, ánh mắt sẽ luôn ánh lên sự an yên".
Rất nhiều cha mẹ cũng thừa nhận, trong quá khứ vì mải mê kiếm tiền, vì lo toan cuộc sống, họ từng quên mất con mới là thước đo rõ ràng nhất cho sự ấm áp hay lạnh nhạt của gia đình. Hạnh phúc gia đình không cần phải khoe khoang ra ngoài, vì nó tự nhiên tỏa ra qua ánh mắt, nụ cười và từng hành vi nhỏ của những đứa trẻ trong gia đình đó. Cách một đứa trẻ đứng lên, trò chuyện, phản ứng trước người khác… đều là "tín hiệu" mà em gửi ra thế giới, thay cho những gì chưa thể nói thành lời.