Nếu để hỏi điều gì đã làm bừng sáng cả một ngày âm u rũ rượi như hôm qua thì đó chính là hình ảnh cậu bé 5 tuổi hồn nhiên xếp gọn giày dép cho một nhóm các bé mẫu giáo đang đi dã ngoại ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Bức ảnh nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận rôm rả nhất trên mạng, và cả những câu chuyện của các bà các mẹ, các bố trong bữa cơm gia đình. Không chỉ dừng lại ở một tấm ảnh dễ thương, đây còn là chuyện về một đứa bé con đã nói với người lớn một bài học ai cũng cần biết - về sự ngăn nắp, về ý thức gọn gàng như thế nào - điều mà đôi khi chúng ta vì bận rộn và nhiều lo toan mà vô tình quên đi mất.
Em bé xếp dép giúp các bạn - hình ảnh đẹp nhất trong ngày hôm qua.
Cậu bé là con trai của một cô ve chai theo phụ mẹ đi thu lượm rác quanh thành phố. Hoàn cảnh khó khăn không cho phép mẹ đưa em đi học đầy đủ như bao đứa trẻ khác, nhưng em vẫn ngoan ngoãn theo cách đáng yêu nhất.
Nhìn nhóc Đạt, chúng ta như được gợi nhớ đến từng bài học khi còn ở lớp mầm non, những bài học mà đôi khi nhắc lại, chúng ta bỗng bật cười vì sự ngây ngô hồn nhiên lạ lùng ấy. Con người ta sống và phát triển thế nào tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, nhưng trở thành người tốt hay không, đó là lựa chọn của mỗi người.
Tôi lại nhớ tới câu chuyện nuôi dạy trẻ kiểu người Nhật.
Bạn có biết rằng, ở Nhật, trẻ con sẽ không phải làm bài thi nào cho tới khi chúng học lớp 4?
Người Nhật có lý do riêng của họ, nhất là về việc giáo dục, phát triển con người. Trong 3 năm đầu tiên của tiểu học, trẻ con Nhật được người lớn giao phó nhiệm vụ lớn hơn: học đạo đức, học tư cách, học làm người tốt.
Người ta tin rằng đây là khoảng thời gian vàng ngọc để lũ trẻ bước đầu xây dựng những đức tính tốt, cũng như phát triển bản thân theo hướng mà chúng được làm gương. Cũng bởi, lũ trẻ trong khoảng thời gian này thường xuyên sử dụng khả năng bắt chước để hình thành chính mình. Vậy nên, nếu chúng có người làm gương, được người lớn uốn nắn từ từ mỗi ngày, chúng sẽ có hình mẫu để nhào nặn bản thân trở nên tốt đẹp giống như thế.
Người Nhật muốn trẻ con học làm nhân trước khi học làm quan.
Phương châm giáo dục của xứ sở mặt trời mọc tóm lại gói gọn trong mấy chữ này: Học làm nhân trước khi học làm quan.
Trước khi bắt lũ trẻ học thật nhiều và kiếm điểm 9 điểm 10, hãy để con trẻ biết quy tắc đầu tiên: lớn lên phải làm một người tốt. Cũng vì vậy mà khi nhắc đến đức tính người Nhật, người ta sẽ liên tưởng đến sự lề lối, ngăn nắp, quy tắc và trách nhiệm. Móng được xây vững, nhà cất lên cũng không ngại đổ nghiêng.
Mẹ Đạt kể rằng, cậu bé khi còn được đi học mầm non, đã được cô giáo dạy phải ngăn nắp. Và về đến nhà thì Đạt làm y chang. Thói quen tốt đẹp ấy dường như ngấm vào cậu bé 4 tuổi, và nếu vẫn được nuôi dưỡng, hướng dẫn, nhất định sẽ trở thành một đức tính tốt khi Đạt lớn dần lên.
Thế nên tới khi nhìn thấy những đôi dép lộn xộn bị vứt dưới lối đi, bé chạy tới hồn nhiên sắp xếp lại cho các bạn ngay hàng thẳng lối, như những gì mà bé thấy, được nghe và học được.
Bọn trẻ con dễ thương ở chỗ đấy, chúng thích áp dụng những bài học nho nhỏ về đạo đức vào chính cuộc sống của mình, để được là một đứa bé ngoan. Cái chúng muốn đôi khi đơn giản chỉ là một lời khen của người lớn, rồi từ những lời khen ấy có thêm động lực để trở nên tốt hơn sau này.
Hoàn cảnh chỉ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn, làm người tốt hay không, đó là lựa chọn của bạn.
Chúng ta, ở độ tuổi này đều có thể coi là người lớn, đã trưởng thành và hoàn thiện nhân cách. Chúng ta mang trong mình rất nhiều kinh nghiệm sống, từ việc kiếm tiền thế nào đến đối nhân xử thế ra sao. Trẻ con thì khác, chúng chưa biết xung quanh thế nào, thế giới quan trong đôi mắt con trẻ của chúng hiện giờ phần nhiều là hoa bướm, ong và chim, nào biết rõ mưa giông hay tôi anh vị kỷ.
Nhưng chính vì chúng vẫn còn trong quá trình hình thành bản thân ấy, thế nên chúng luôn cố gắng để đạt được cái đích lớn nhất của đời người - làm một người lớn tốt. Các bạn có nhớ ngày xưa thích nhất là khi được bố mẹ khen là em bé ngoan, là khi làm được điều tốt theo những gì mà người lớn đã dạy?
Tuy nhiên người lớn chúng ta trong quá trình lớn lên, cái ham muốn trở thành người tốt đó cứ rơi rụng bớt từ lúc nào không hay, theo những toan tính thiệt hơn cùng những bộn bề cuộc sống.
Để rồi khi nhìn lại, chúng ta bỗng chốc giật mình về những bài học bé bé xinh xinh trước đây, nay phải để một đứa bé gợi nhớ và "dạy" lại bằng hành động rất nhỏ và hồn nhiên ấy.
Ngày xưa cô giáo có dạy rằng, ngăn nắp gọn gàng là nền móng của nề nếp mai sau, hẳn ai cũng từng nghe như thế.