Bộ phim Đất Rừng Phương Nam đang chiếm sự chú ý của công chúng những ngày qua, đánh dấu một trong những bộ phim điện ảnh Việt Nam tạo dấu ấn đậm nét phòng vé dịp cuối năm. Nhắc đến bộ phim Đất Rừng Phương Nam ở bản điện ảnh năm 2023 hay cả Đất Phương Nam bản truyền hình năm 1997, không thể không nhắc đến ca khúc nhạc phim kinh điển - Bài Ca Đất Phương Nam. Ca khúc vang lên ngay phần credit cuối phim, sau khi các cảnh phim khép lại lập tức đẩy cảm xúc của khán giả lên cao, không ít người cảm thấy "nổi da gà" khi giai điệu quen thuộc của bản nhạc phim gần 30 năm về trước vang lên.
Bài Ca Đất Phương Nam do nhạc sĩ dân ca, nhà sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam Bộ Lư Nhất Vũ viết nhạc và vợ ông là nhà thơ Lê Giang phổ lời. Ca khúc ra mắt lần đầu vào năm 1997 cùng phim truyền hình Đất Phương Nam và dần sở hữu sức sống riêng của mình. Nhiều người chỉ cần nghe câu hát "Nhắn ai đi về miền đất phương Nam…" đã có thể nhìn thấy "trời xanh mây trắng xuôi dòng Cửu Long Giang" đang trải rộng trước mắt.
MV Bài Ca Đất Phương Nam
Người trình bày chính thức cho ca khúc ở phiên bản phim truyền hình năm 1997 là Tô Thanh Phương. Ở phiên bản phim điện ảnh năm 2023, ca khúc được trình bày bởi NSƯT Trọng Phúc và dàn diễn viên trong phim. Ca khúc dù ra đời vào năm 1997, sau khi kết thúc bộ phim vẫn có đời sống riêng cực kì mạnh mẽ, thậm chí trở thành một trong những bài ca đặc trưng của vùng đất phương Nam. Thậm chí không ít người lầm tưởng đây là một bài dân ca Nam Bộ bởi các chất liệu, ca từ và tinh thần đưa vào ca khúc quá xúc động, giàu hình ảnh.
Nhạc sĩ Đức Trí - người đứng sau bản phối mới - cho biết tiêu chí lựa chọn giọng ca rất đơn giản: "Hát Nam Bộ thì phải 'mùi'". Cái "mùi mẫn" da diết, thân thương, chứa trong đó âm vang câu hò ngân dọc theo dòng nước sông Cửu Long đầy ắp phù sa, cũng là tình người "ngọt lụi tim" của người dân Nam Bộ. Với tiêu chí "đơn giản" đó, không khó hiểu khi nghệ sĩ Trọng Phúc chính là gương mặt "chọn mặt gửi vàng" để thể hiện phiên bản Bài Ca Đất Phương Nam dành riêng cho phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam.
NSƯT Trọng Phúc trong MV Bài Ca Đất Phương Nam
Bên cạnh đó, "phù thuỷ nhạc phim" Đức Trí với sự am hiểu về âm nhạc Nam Bộ và chuyên môn âm nhạc đương đại đã tạo nên một bản phối đậm tính điện ảnh, hào hùng với màn hợp xướng mà vẫn giữ được sự da diết quen thuộc của ca khúc. Về sự lựa chọn giọng ca chính NSƯT Trọng Phúc, được biết anh sinh năm 1971, bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình từ những năm đầu thập niên 1990 với sở trường là dòng nhạc trữ tình và mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Đến năm 1997, trong một lần đi lưu diễn và đảm nhận thế vai cho nghệ sĩ Minh Vương, Trọng Phúc tiếp xúc với bộ môn cải lương. Từ đây, khán giả yêu âm nhạc đã quen thuộc với một nghệ sĩ Trọng Phúc với hai sở trường âm nhạc trữ tình hiện đại và cải lương. Anh được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012.
Một trong những yếu tố góp phần tạo nên yếu tố điện ảnh trong phiên bản Bài Ca Đất Phương Nam lần này chính là phần hợp xướng hơn 300 người của ca đoàn, diễn viên cùng hòa giọng với giọng hát của nghệ sĩ Trọng Phúc, và đó cũng tạo nên một MV OST đặc biệt nhất: một MV quy tụ hơn 300 người tham gia ghi hình. Phần hợp xướng được thu tiếng trực tiếp tại hiện trường với sự tham gia của các nhóm hợp xướng Saigon Choir, ca đoàn Mai Tâm, Thiên Thần & Lu Men và các diễn viên chủ chốt của phim: Hạo Khang, Tuấn Trần, Trấn Thành, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật, Mai Tài Phến, Băng Di, Đỗ Kỳ Phong, Bảo Ngọc.
Trấn Thành, Băng Di, Hứa Vĩ Văn, Tuấn Trần, Hạo Khang,... cùng 300 diễn viên hòa giọng
Đạo diễn của MV là đạo diễn Lê Thanh Sơn cho biết, anh được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan hỗ trợ rất nhiều ý tưởng, thiết bị hiện đại nhất để có thể làm nên một MV cực kỳ phức tạp và hoành tráng mang phong cách Cirque du Soleil hay The Greatest Showman. Nhưng sau khi chiêm nghiệm về bài hát cũng như bản phối của nhạc sĩ Đức Trí, anh và ê-kíp thống nhất rằng: Tự thân bài hát đã mang trong mình sức sống mãnh liệt, vậy thì chi bằng hãy quay một MV đơn giản với sự cộng hưởng của rất nhiều người mà trong đó mỗi người đều yêu quý bài hát này. Không khó để thấy diễn viên Tiến Luật đã rưng rưng nước mắt trong MV và anh đã chia sẻ với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: "Em không hiểu sao luôn anh. Mỗi lần nghe bài này là rưng rưng mà trong đó 300 người hát anh. Nghe nổi da gà".
Dựa trên giá trị đi cùng năm tháng sẵn có trong bài hát, đạo diễn Lê Thanh Sơn, nhạc sĩ Đức Trí và nhà sản xuất Trinh Hoan cùng hơn 300 con người đã tạo nên MV OST Bài Ca Đất Phương Nam đơn giản và thuần khiết như chính những người con của vùng đất Nam Bộ, đồng thời cũng không kém hào hùng và sắc sảo như những trang lịch sử đầy tự hào một thời.
Sau 4 ngày đăng tải, MV Bài Ca Đất Phương Nam đã mang về hơn 1.1 triệu lượt xem, góp phần tích cực vào sức lan tỏa của bộ phim. MV cũng vươn lên vị trí top 16 trending tổng thể, vượt nhiều sản phẩm âm nhạc đáng chú ý thời gian qua như Chài Điếp Noọng (top 18), Anh Là Ngoại Lệ Của Em (top 24),...
MV Bài Ca Đất Phương Nam đạt hơn 1.1 triệu lượt xem sau 4 ngày ra mắt, giữ vị trí thứ 16 trên top trending tổng thể của YouTube Việt Nam
Ý kiến của netizen:
- Mình là người miền Bắc mà nghe khóc rưng rưng, hồi nhỏ chỉ xem đơn giản là 1 bộ phim của tuổi thơ, lớn lên mới cảm nhận sâu sắc về tinh thần dân tộc, thật sự quá hào hùng và tự hào về Việt Nam của tôi.
- Đây là một bài hát kinh điển. Cảm ơn NSƯT Trọng Phúc và đạo diễn đã dàn dựng một tác phẩm công phu. Tái hiện lại một cách chân thực về một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Bài hát cất lên với một khung cảnh bình dị của miền quê đến khi có giặc đến. NSƯT Trọng Phúc như một người truyền bá tư tưởng từ lúc mọi người không biết gì đến đồng lòng, đoàn kết lại quyết giành độc lập, tự do. Thật tự hào là người con của vùng đất 66!
- Tiếng sáo Nam Bộ nghe mùi, và cũng ma mị như vùng đất hoang sơ phương Nam. Cả ê kíp bè hào hùng, tiếng hát nội lực, oai hùng. Bản nhạc phối đẳng cấp epic orchestra nhạc phim. Tác phẩm hay của Việt Nam. Thật tự hào!
- Đoạn cuối nổi hết da gà, mắt cay cay, cảm ơn đã làm sống dậy một thời anh hùng hào kiệt, chỉ cần nghe tiếng nhạc cất lên thôi đã thấy nao lòng, thấy hãnh diện về một thời hào hùng, giữ non sông, đất nước.