Đó là câu chuyện của một cặp vợ chồng trẻ đã tìm đến TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền (Viện SK Tâm thần BV Bạch Mai).
Bất kì một cuộc điện thoại, tin nhắn đến chị vợ đều bắt chồng phải giải thích cụ thể. Chồng đi làm về muộn 10-15 phút là chị gọi đến hơn chục cuộc điện thoại, về nhà là tra hỏi. Thậm chí người vợ còn đặt các thiết bị theo dõi trên xe của chồng. Khi chồng không thừa nhận là có vấn đề thì vợ không tin, chồng nhận theo kiểu cho xong thì người vợ có những phản ứng như kích động, đập phá đồ đạc...
Người vợ còn gọi cho cả đối tượng mình nghi ngờ là có mối quan hệ bất chính với chồng, bắt chồng phải nói chuyện trước mặt vợ. Chị còn bắt anh thừa nhận những việc mà thực tế mình không làm và nói nếu thừa nhận sẽ bỏ qua cho. Thế nhưng khi anh chồng làm theo cho xong thì chị vợ lại quay ngược lại chì chiết và trạng thái ghen tuông càng nặng hơn.
Ảnh minh họa
Theo người chồng, tất cả xuất phát từ 1 lần anh có giấu chị đi chơi cùng cô bạn cũ khi hai vợ chồng chưa cưới nhau. Anh lo lắng, chị bị tổn thương tâm lý từ hồi đó và đây có thể là yếu tố khởi phát chứng bệnh hoang tưởng ghen tuông.
TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền cho biết, trường hợp trên không chỉ xảy ra đối với các cặp vợ chồng trẻ, trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ đã từng gặp rất nhiều bệnh nhân cùng biểu hiện nhưng lớn tuổi hơn. Người vợ trong trường hợp trên mắc một chứng bệnh là rối loạn hoang tưởng, cụ thể ở đây là hoang tưởng ghen tuông.
“Đó là những điều người bệnh tưởng tượng ra, không có thật, nhưng không thể giải thích cho người bệnh được. Sự rối loạn về tư duy dẫn đến người bệnh có những hành vi, cảm xúc bị rối loạn theo, chi phối cuộc sống hàng ngày.
Mọi hành vi, cảm xúc của người bệnh chỉ tập trung vào nội dung hoang tưởng, dẫn đến rối loạn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình và những người trong gia đình. Thậm chí người bệnh có thể bỏ việc hay bị nghỉ việc”, BS Huyền chia sẻ.
Rối loạn hoang tưởng dai dẳng là một rối loạn tâm thần hiếm gặp chiếm 0,05 - 0,1% dân số. Tuổi trung bình khởi phát khoảng 40 tuổi. Thường gặp ở các thể hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông phổ biến hơn ở nam giới; hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao phổ biến hơn ở nữ giới. Có tới 20% người mắc rối loạn hoang tưởng dai dẳng tiến triển thành tâm thần phân liệt.
Những người bệnh rối loạn hoang tưởng thường không công nhận là mình mắc bệnh và không hợp tác điều trị. Họ sẽ phản ứng rất gay gắt khi người khác nói là mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đôi khi những trường hợp bệnh nhân này chỉ được phát hiện ra khi sống cùng người bệnh và để ý quan sát kỹ mới thấy sự bất thường.