Bác sĩ nhớ lại những ca trực buồn tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 ở TP.HCM

Ngọc Anh, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 15:06 31/10/2021

Hồi tháng 8, tháng 9, có nhiều bệnh nhân nặng, trở bệnh rất nhanh, khoảnh khắc thất bại trước "tử thần" của các y bác sĩ vẫn xảy ra hằng ngày, bác sĩ Hạnh chia sẻ.

Những ca trực buồn

BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức - từng làm việc tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 BV Việt Đức tại TP.HCM. BS Hạnh được phân công phụ trách khu vực bệnh nhân Covid-19 nặng phải sử dụng oxy dòng cao, có nhiều bệnh nhân diễn biến trở nặng.

Hồi tháng 8 tháng 9, bác sĩ Hạnh nhớ lại từng có ca trực chiều tối có 2 bệnh nhân cùng trở nặng, cả hai bệnh nhân đều ở tuổi 40. Cả ê kip quyết định đặt ống nội khí quản nhưng 1 bệnh nhân có dấu hiệu ngừng tim nên cả ê kip ép tim cứu người bệnh.

Khoảnh khắc cấp bách, mọi diễn biến dồn dập, đặc điểm bệnh nhân Covid-19 trở nặng nhanh, người trẻ càng nhanh hơn. Trước bệnh nhân trẻ tuổi, các bác sĩ đã không thể dừng lại vì nghĩ bệnh nhân còn cả gia đình phía sau. Khi cấp cứu, người nhà bệnh nhân gọi điện vào. Vợ bệnh nhân chỉ khóc và lúc đó, bác sĩ đã cố gắng cứu người bệnh. Sau 15 phút, bệnh nhân thở trở lại. Nhưng điều đáng tiếc là 1 tuần sau bệnh nhân đã không qua khỏi.

Khi quyết định tham gia đội ngũ chống dịch, bản thân bác sĩ Hạnh đã chuẩn bị tinh thần thích ứng với khó khăn của BV Dã chiến, nhưng tình hình thực tế khốc liệt hơn rất nhiều.

Việc ăn ở sinh hoạt, dù được hỗ trợ nhưng các bác sĩ đã phải thích ứng. Trong điều kiện làm việc thời tiết nắng nóng, không có điều hoà, nhân viên liên tục mang đồ bảo hộ, khả năng hoạt động giảm sút hơn rất nhiều.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 với các nhân viên y tế là nữ rất vất vả, khả năng chịu đựng thấp hơn, dễ xúc động, người bệnh đều không có người thân nên các y bác sĩ đều phải làm việc cật lực, lăn trở bệnh nhân rất nhiều.

Điều ám ảnh nhất trong khoảng thời gian đó là bệnh nhân nặng rất đông, nhân lực hạn chế. Bác sĩ Hạnh chia sẻ có những buổi trực rất buồn vì nhiều bệnh nhân không qua khỏi. Đặc biệt những bệnh nhân mình chăm sóc, công sức mình bỏ ra rất nhiều nhưng cũng không chiến thắng được "tử thần".

Bác sĩ nhớ lại những ca trực buồn tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 ở TP.HCM - Ảnh 1.

Các BS BV Việt Đức điều trị cho người bệnh tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM

Chia lửa cùng đồng nghiệp

TS BS Lưu Quang Thuỳ - Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức Covid-19, BV Việt Đức tại TP.HCM - cho biết bắt đầu từ tháng 8/2021, tình hình Covid-19 tại TP.HCM rất phức tạp. Khi đó, BV Việt Đức nhận thông báo thành lập trung tâm hồi sức tích cực để cứu người bệnh Covid-19.

Khi vào khảo sát, BV Việt Đức đã chọn bệnh viện dã chiến số 13 tại Bình Chánh, TP.HCM để xây dựng trung tâm hồi sức Covid-19. Ngày 11/8, nơi đây nhận bệnh nhân đầu tiên, sau gần 2 tháng hoạt động, trung tâm đã điều trị hơn 900 bệnh nhân.

Đây là lần đầu tiên các bác sĩ bệnh viện ngoại khoa phải xây dựng 1 trung tâm hồi sức truyền nhiễm. Bản thân nhân viên cũng chưa quen với cung cách làm việc và đồ bảo hộ khắc nghiệt trong quá trình làm việc.

TS Thuỳ cho biết, xác định được khó khăn nên từ khi chưa vào TP.HCM, các chuyên gia của BV Việt Đức đã xây dựng các vòng làm việc làm sao để an toàn và cách ly nếu có nhân viên nhiễm. Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên tiếp cận nên các bác sĩ BV Việt Đức phải thường xuyên nhận đào tạo hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia truyền nhiễm khác.

Các ca kíp làm việc đều có chuyên gia hồi sức tích cực với mục đích làm sao để kiểm soát được bệnh nhân tuỳ từng cá thể. Có những bệnh nhân truyền nhiễm thì các bác sĩ BV Việt Đức sẽ hội chẩn với chuyên gia truyền nhiễm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhân nhẹ hơn thì sẽ giao cho bác sĩ chuyên ngành khác đang hỗ trợ Trung tâm.

Động lực để các y bác sĩ vượt qua khó khăn là "bác sĩ cảm giác giúp được điều gì đó cho người dân thành phố và chia sẻ được với đồng nghiệp của mình. Chứng kiến bệnh nhân không qua khỏi được thì hình ảnh bệnh nhân vui vẻ ngày ra viện lại khiến bác sĩ có thêm động lực cứu người bệnh" - BS Thuỳ tâm sự.

Rời TP.HCM trở về Hà Nội, đoàn của BV Việt Đức đã hoàn thành 2 mục tiêu: cứu được người bệnh và an toàn trở về. Các y bác sĩ trở về đều có kết quả âm tính với Covid-19.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày